Skip to content

15 Tháng mười, 2011

Thử bàn về các yếu tố làm nên giá trị cuộc sống

(Dân trí) – Giá trị sống là hướng vươn lên của bất cứ cá nhân nào. “Ấm no hạnh phúc” là chủ đích của các nước cho dân cư nước mình. Nhưng đó một phạm trù khó định nghĩa vì nó mang tính chủ quan, tùy theo hoàn cảnh và chỉ có giá trị tương đối.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, người ta đã nói đến những nhu cầu thiết yếu (ăn, mặc, nhà ở những nhu cầu sống “cao” hơn (được săn sóc sức khoẻ, ở nhà tiện nghi, nhu cầu xã hội và nhu cầu tâm lý, được kính nễ trọng vọng,…)  như một loại hình tam giác, bên dưới to, là những nhu cầu tối cần, trên đỉnh nhỏ.

 

Phải thoả mãn những nhu cầu “cơ sở” ở dưới trước rồi, từ từ, có thừa phương tiện mới nghĩ tới những nhu cầu “xa xỉ” ở trên cùng.

 

Diễn tiến của y khoa của thế kỷ trước thể hiện rất rõ “tôn ti trật tự” của bảng xếp hạng các nhu cầu này: ngày xưa, bác sĩ lo phòng bệnh dịch và bệnh lao, cứu trị bệnh cái đã. Sau này, từ 1960-1970, mới chú trọng tới người bệnh, môi trường sống của họ, tâm lý của họ. Y khoa hết là y khoa cấp cứu và y khoa của các bệnh dịch mà thành y khoa cho chất lượng sống. Ngay cả lúc bệnh nhân không thể cứu được nữa, bác sĩ cũng phải săn sóc đảm bảo giá trị sống của người sắp chết cho tới lúc họ rời cuộc đời.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Xã hội tiêu thụ, kinh tế thị trường, khuyến mãi tiếp thị, quảng cáo dồn dập, … lôi cuốn người tiêu thụ. Các bậc thang nhu cầu bị xáo trộn.

 

Chủ đích bài này là phân tích các yếu tố cấu thành của một cuộc sống “tốt, dễ chịu, hạnh phúc” – Thứ tự trên dưới, trước sau của các cấu thành là cách sắp xếp theo quan niệm riêng của người viết.

 

Yếu tố xã hội

 

Chúng ta sống với xã hội, như cá sống trong nước. Mỗi một chúng ta sống với gia đình (khởi thủy, không có cha mẹ thì chúng ta đã không chào đời), sống cùng với bạn bè, người thân, bạn học, bạn đồng nghiệp. Đi ăn, đi uống, đi giải trí, … ít khi chúng ta đi một mình. Để chia sẻ tình cảm, để đối thoại, để cùng nhau nâng đỡ đi qua những phút khó khăn, …

 

Cô đơn là số phận rất nghiệt ngã của một số người cao tuổi bên trời Âu. Có gia đình êm ấm, có bạn hiền, có tri âm tri kỷ, … là những hạnh phúc lớn.

 

Yếu tố sức khỏe

 

Đây là một tài sản vô cùng quí giá. Nhiều khi chỉ một đau đớn nhỏ làm khổ cả cuộc sống. Cũng may là đại đa số trong chúng ta sinh ra khỏe mạnh, chỉ cần vun trồng, chăm sóc bồi dưỡng để bảo vệ sức khoẻ. Văn hóa thường thức y khoa rất cần cho mỗi một chúng ta để phòng bệnh.
 

(ảnh minh họa)

 

Ba thời điểm tế nhị : trẻ con, phụ nữ đang mang thai và người cao tuổi. Nếu tự và được săn sóc tốt thì chúng ta có thể sống thoải mái từ nhỏ cho đến cuối đời.

 

Sức khỏe của dân chúng là một trong những chỉ số của phát triển. Hiện tuổi thọ của dân ta đã tăng khá nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa cao.

 

Yếu tố cảm xúc

 

Gần đây, ta bàn nhiều về stress (xúc kích). Tức là những “cảm xúc” mạnh, bất thình lình, để đối phó với các tình huống, nhưng có thể làm ta bị tổn thương. Stress có thể gây ra bởi môi trường, do gia đình, do nghề nghiệp, từ những tiếp xúc vì bạo lực, …

 

Sống trong xã hội là cần thiết. Nhưng sống với người khác là phải chịu “đụng chạm” với họ. Trong chừng mực nào đó, những “qui ước” trong giao tiếp giúp các liên hệ được thuận hòa.

 

Tìm những thuận hòa, gây thuận hòa, tránh stress, xả stress, chế ngự stress hay quên nó đi là những cách để sống yên ả.

 

Yếu tố hiểu biết

 

Hiểu biết cho ta tự do. Tiếng Pháp có nhiều thành ngữ nói rằng “không ai trong chúng ta muốn chết trong ngu dốt”.

 

Ai cũng có nhu cầu hiểu biết. Trẻ con, khoảng 3-4 tuổi, suốt ngày cứ hỏi “cái này là cái gì ? nó chạy ra làm sao ?”, …

 

Hiểu để có thể sống trong vũ trụ và với xã hội. Hiểu biết là hành trang cần cho tất cả mọi người. Biết đọc, biết viết, có vốn khoa học, lịch sử, … để giải mã tất cả các tình huống và có phản ứng thích hợp nhất.

 

Hiểu biết không chỉ đo bằng số năm ngồi ở trường hay chứng chỉ văn bằng này nọ. Kinh nghiệm (trường đời là một trường miễn phí), tham quan (đi một ngày đàng, học một sàng khôn), từ chối những tiền kiến, định kiến để học hỏi từ những người ta gặp trong cuộc sống,…

 

Tuy nhiên, hiểu biết cũng cần có hệ thống. Giáo dục phải phổ cập là thế.

 

Yếu tố  nghề nghiệp

 

“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” Tại sao ta phải đi làm ?  Nhiều người định nghĩa phải đi làm để kiếm tiền sống và nuôi gia đình.  Đi làm thành một điều bó buộc, một gánh nặng. Mà ngay trong trường hợp này, đi làm cho ta cơ hội để kết bạn, có đồng nghiệp cùng cảnh ngộ, như chia sẻ được một phần cái cơ cực của số phận. Đi làm còn có thể là dịp để tiến thân. Mà nếu ta có cơ hội chọn nghề vì yêu thích thì đi làm sẽ là nguồn thoải mái, hạnh phúc, tăng chất lượng cho cuộc sống.

 

Tất cả các cơ quan hướng nghiệp đều khuyên, trong chừng mực khả thi, ta  “sống để chọn nghề chứ không phải chọn nghề để sống”  vì một nghề làm miễn cưỡng sẽ mau trở thành nặng nề, khó chịu và làm ta mất giá trị sống.

 

Yếu tố  môi trường

 

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người đến chốn lao xao…

 

Môi trường an bình, không ô nhiễm rất cần cho chất lượng sống. Một thí dụ: ngày xưa, Paris được xem là kinh đô của ánh sáng. Sống ở Paris là nhất – một mét vuông nhà ở Paris có giá trên trời. Thế nhưng từ từ, ở Paris cũng như ở các trung tâm thành phố lớn khác chỉ còn những người trẻ, sự nghiệp chưa ổn định, hay những người nhập cư, … còn dân khá giả ra ngoại ô sống, ít ô nhiễm hơn, khoảng xanh nhiều hơn, …

 

Môi trường giao tiếp cũng quan trọng. Một xã hội quan liêu, nặng tôn ti trật tự và đẳng cấp như xã hội Ấn Độ chẳng hạn, làm cho người sống ở đó khó thở …

 

Lo cho môi trường thiên nhiên cũng phải là một mối lo hàng đầu, không những cho chúng ta mà còn  cho con cháu chúng ta.

 

Yếu tố triết lý

 

Bình an thoải mái với chính mình và với người khác. Biết tại sao ta sống, tìm một lý tưởng để sống. Dù không có ý nghiã tôn giáo, một ít suy nghĩ nhân sinh quan và vũ trụ quan ( bình thản, không chạy theo danh lợi, đạo đức, can đảm, tế nhị, thương người, … ) có thể là những triết lý giúp ta sống tốt hơn trong xã hội. Sống có suy nghĩ. Pascal đã nói “ Con người chỉ là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”.

 

Ngoài những yếu tố có thể xếp hạng như trên, an ninh xã hội và yên ổn tinh thần cho tương lai  là một điều cần thiết để khỏi phải  thấp thỏm âu lo trước rủi ro, tai nạn, … Trong đường hướng này, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn, thất nghiệp, lương hưu,  … là những điều cần cho một cuộc sống có chất lượng.

 

Thay lời kết

 

Những yếu tố cho một cuộc sống thoải mái vừa kể trên, thực tình, rất khó hoàn toàn thực hiện cho cả 7 yếu tố cùng lúc. Liệt kê ra hết để biết hướng phấn đấu và vươn tới,  được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

 

Nhất là cho con trẻ : làm sao để các cháu không phải chạy đua với đồng hồ và với xã hội (không bị quá tải, không bị chèn ép,…), được kính trọng ( kính trọng không có nghĩa là cưng chiều, các cháu cũng có trách nhiệm, ngay từ lúc còn thơ ấu), được bảo vệ, được chọn ngành học theo sở thích, được cha mẹ lo cho môi trường sống để từ đó các cháu có thể tiếp tục lo cho người khác.

 

Ngoài ra, không có chiến tranh, được bảo hiểm xã hội, … là những điều cần để sống hạnh phúc, có chất lượng.

 

                                                                Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                       Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí – Người ta sinh ra ở đời ai cũng mong muốn được hưởng hạnh phúc, và mong cho con cháu mình có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng ít ai có lúc bình tâm để suy nghĩ về những yếu tố làm nên giá trị cuộc sống.

 

Bài viết trên đã nêu lên và phân tích khá đầy đủ những yếu tố đem lại giá trị cuộc sống. Bên cạnh những yếu tố về xã hội và môi trường, nhiều yếu tố khác chủ yếu phụ thuộc vào sự lựa chọn hướng đi và chí hướng phấn đấu của mỗi người, Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, mỗi người có thể chọn cho mình hướng đi phù hợp để từng bước tạo dựng hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng dù chọn hướng đi nào cũng cần có sự hiểu biết, có vốn tri thức cần thiết, có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, nhất là với các đối tác, các đồng nghiệp…

 

Làm gì cũng cần có lòng đam mê thực sự, chính điều đó làm ra niềm vui và cũng là tiền đề của sự thành công và thành đạt.

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments