Người mẫu nam sau ánh hào quang – Kỳ 6: Đường băng của một siêu mẫu
TT – “Bạn có biết tôi đến với nghề người mẫu như thế nào không?”, Bình Minh bất ngờ hỏi. “Khi thấy thông báo cuộc thi tìm kiếm người mẫu thời trang châu Á dán ở Cung văn hóa Việt – Tiệp (Hải Phòng), tôi mới biết có cái nghề người mẫu hiện diện trên đời” – Bình Minh bảo.
Người mẫu nam sau ánh hào quang – Kỳ 6: Đường băng của một siêu mẫu
Người mẫu Bình Minh – Ảnh: Gia Tiến |
Vào nghề
Đó là thời điểm đầu năm 2002. Bình Minh đăng ký tham gia cuộc thi chỉ vì… tò mò với từ “người mẫu”. Chàng sinh viên Đại học Hàng hải ráo riết luyện tập ở CLB Người mẫu Cung văn hóa Việt – Tiệp. Từng là vận động viên đua xe đạp của Trường ĐH Hàng hải với những bài tập khi đua nước rút nghẹt thở đã phần nào tôi luyện cho Bình Minh sức bền và khả năng luyện tập cường độ cao. Anh phải ép cân từ 85kg xuống còn 76kg bằng cách mặc áo mưa chạy lúc 12g trưa trong công viên của hồ Quần Ngựa. Minh phải tập nhảy để giải phóng hình thể, khi lên sàn diễn người không bị cứng dù anh không có năng khiếu về nhảy múa. Rồi cách make-up (trang điểm), tạo dáng trước ống kính. Tối nào cũng tập nhảy, tập thể hình từ 6g-10g đêm. Tập đến vắt kiệt sức liên tục một tháng.
Vào chung kết cuộc thi toàn quốc, anh chàng giật mình khi ban giám khảo nhận xét dáng Bình Minh đi như… nữ! Minh nghĩ mãi mới ngớ ra: giáo viên của Minh là cô, không có nhiều kinh nghiệm về dạy catwalk cho nam. Cô chỉ dạy quá nhiệt tình nhưng những cú xoay người hay biểu cảm của ánh mắt, gương mặt đều là của nữ mà không biết. Nhưng xem người mẫu nam diễn catwalk ở đâu? Hải Phòng khi đó không có show diễn để đi xem mẫu. Minh lân la tìm đỏ mắt mới kiếm được một quán cà phê sang trọng có truyền hình cáp chiếu chương trình thời trang quốc tế có nam diễn để học dáng đi, ánh mắt.
Sau khi đoạt giải Người mẫu ấn tượng cuộc thi ”Tìm kiếm người mẫu thời trang châu Á”, Bình Minh được các bầu show ca nhạc gọi đi diễn trong các phòng trà, vũ trường, quán cà phê với thù lao từ 70.000-100.000 đồng. “Thích nhất là lúc Hải Phòng có hội chợ, show diễn thời trang nhiều hơn hẳn. Ban ngày chúng tôi diễn 5-6 suất và một suất buổi tối. Trả bao nhiêu tôi cũng đi, chỉ cần được diễn để thỏa niềm đam mê của mình” – Bình Minh kể.
Hải Phòng khi đó chỉ có ba điểm diễn thời trang: cà phê Đất Cảng, vũ trường Biển Gọi và cà phê Đông Dương. Tối thứ hai chủ quán cà phê cũng tổ chức diễn thời trang để kéo khách tới. Minh bảo: “Lần nào diễn tôi cũng tới sớm hàng tiếng vì nôn nao và thích đến mê muội. Nhiều bạn khác cũng đến sớm như thế. Đường băng ở cà phê Đất Cảng rất ngắn, chỉ dài 4m, đi được mấy giây là hết nên khi mặc những bộ đồ đẹp rất tiếc”. Sau cuộc thi, Bình Minh có danh hiệu nên mới được trả thù lao 100.000 đồng. “Có hôm ít khách, tôi được 80.000 đồng. Ở Hà Nội thì thù lao cao hơn, 150.000-200.000 đồng. Hồi đó mọi người đoàn kết và vô tư lắm. Cứ diễn xong kéo nhau đi ăn ốc rồi hùn vô trả”, Bình Minh tỏ ra rất hào hứng khi nhớ lại buổi ban đầu lưu luyến.
Tiền đi diễn ở Hải Phòng và Hà Nội, Bình Minh dành dụm mua được bốn chỉ vàng. Anh chàng sinh viên ngày ấy tiết kiệm tiền bằng cách cứ gom đủ tiền mua được một chỉ vàng là gửi bác. Năm cuối đại học, mẹ mua cho hai anh em chiếc Honda FX sản xuất ở Trung Quốc. Trong mấy tháng được nghỉ để ôn thi học kỳ, hai anh em Bình Minh lôi xe ra… chạy xe ôm.
Lập nghiệp
Chín năm trước, Nguyễn Bình Minh vào Nam thực hiện một show chụp hình cưới. “Chụp hình xong, tôi tính ở lại chơi 5, 6 ngày rồi sẽ về xin việc ở công ty vận tải biển – Bình Minh nói – Nhưng Sài Gòn sôi động và hoành tráng quá. Tôi nấn ná ở lại”.
Những tòa cao ốc sang trọng, hiện đại và những dòng người hối hả, năng động của Sài Gòn đã níu chân chàng trai 22 tuổi. Trong tay Minh chỉ có gần 3 triệu đồng tiền dành dụm được, phải nói dối bố mẹ đang có việc tốt trong Sài Gòn nhưng thật ra xin ở nhờ nhà người quen của một ông anh kết nghĩa. Bình Minh liên hệ với Công ty PL, xin gia nhập CLB Hoa Học Đường. Anh được tham gia những show diễn nhỏ. Xe thì bữa đi xe ôm, bữa ké anh Đỗ Tuấn, Xuân Lan, Hứa Vĩ Văn, Ngọc Thúy… Khi anh Tuấn lên cơ quan làm việc thì đưa xe cho Minh chạy. Có những show diễn xong, về đến nhà hơn 1g khuya, Minh ngại không dám gọi cửa, đi lang thang rồi ngồi ở công viên. Anh nghĩ ra cách đi đếm gốc cây để… giết thời gian. Đi chán, Minh lấy tiền diễn được hơn 100.000 đồng vuốt thẳng từng tờ, để trên ghế đá xếp mặt theo mặt. Hơn 5g sáng, anh chàng mới lững thững đi bộ về.
Một thời gian sau, Minh xin ra ngoài thuê nhà ở đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM) vì không muốn làm phiền mọi người bởi giờ giấc thất thường của mình. Chàng người mẫu ở trong một căn phòng trọ nhỏ, mưa thì dột, nắng thì nóng như lò xông hơi. “Buồn, tủi thân nhất là những lúc bị bệnh – Bình Minh tâm sự – Có lần tôi ốm mấy ngày nhưng không ai biết, không ai đến thăm. Tôi gọi điện cho một nhà báo mời ảnh đi ăn trưa, chỉ là để có người biết mình đang ốm và muốn được quan tâm cho bớt tủi. Ngồi trong góc của quán, nhìn thể trạng của mình lúc đó, tôi rớt nước mắt, nghẹn không nuốt nổi cơm. Anh thấy tôi “thê thảm” quá, bắt tôi leo lên xe chở đi mua thuốc. Về nhà, tôi đọc những bài báo viết về mình để tự an ủi”.
Mùa mưa năm thứ hai, Bình Minh định về quê đi tàu viễn dương. “Tôi thấy tương lai bấp bênh, mù mịt quá. Hồi đó tôi sợ nhất ngày lễ tết. Bốn năm đầu ăn tết ở Sài Gòn, tôi đều khóc. Nhất là hai năm đầu tiên xa nhà. Tôi cứ đi lang thang ở công viên 23-9. Nhớ nhà. Tủi thân vô cùng. Nước mắt rơi lúc nào không hay. Muốn về nhà lắm nhưng chẳng lẽ bây giờ về nhà với hai bàn tay trắng? Phải trụ lại. Phải làm được cái gì mới về. Thế là lại ở lại. Tiếp tục sống cầm hơi” – Bình Minh bật cười ha hả.
Năm 2003. Một ngày, Bình Minh được gọi đi quay clip ca nhạc cho một ca sĩ hải ngoại. Đó là show ca nhạc đầu tiên Minh tham gia do đạo diễn Huỳnh Phúc Điền thực hiện. Minh “ngây ngất” với thù lao gần 1 triệu đồng, nhiều hơn đi diễn. Sau clip ca nhạc ấy, Bình Minh được nhiều đạo diễn ca nhạc biết tới. Tần suất xuất hiện của Minh trên báo chí cũng nhiều hơn.
Rồi Minh nhận được quảng cáo cho một thương hiệu ximăng. Khi cầm trong tay 4.000 USD tiền thù lao, chàng người mẫu bồng bềnh tận trời xanh. Đó là số tiền nằm mơ anh cũng không dám nghĩ tới. Anh tự thưởng cho mình một chiếc xe Wave Trung Quốc và một cái máy lạnh cũ. “Từ đó đời mình “lên hương”, trưởng giả hơn. Nguyên tắc của tôi là kiếm 10 xài 3 cất 7 để phòng những lúc ốm đau, việc gấp. Không biết gửi ai, tôi giấu tiền dưới lớp bạt nhựa trải nền” – Bình Minh kể. Năm 2009, khi mua được căn hộ chung cư ở đường Tôn Thất Thuyết (Q. 4), chàng siêu mẫu – khi đó đã là một diễn viên nổi tiếng – đặt chiếc máy lạnh cũ kỹ ấy trong phòng ngủ, như một kỷ vật quý nhắc nhớ một thuở gian khổ, thiếu thốn.
MY LĂNG
————————————
* Tin bài liên quan
>> Kỳ 1: Nhọc nhằn với giấc mơ “sao”
>> Kỳ 2: Trọng – khinh sàn diễn
>> Kỳ 3: Bẫy rập cuộc đời
>> Kỳ 4: Tình, tiền và…
>> Kỳ 5: Đường đến thành công
———————————————————
Những vấn nạn nghề nghiệp cùng định kiến xã hội như một trở lực lớn cho người mẫu nam rộng đường phát triển. Đâu là một “đường băng” để những người “thực tài thực sắc” sớm có vị trí trên sàn diễn quốc tế?
Kỳ cuối: Đường băng đến tương lai
Source: Báo Tuổi Trẻ