100.000 chỗ làm mới
TT – Thị trường lao động TP.HCM từ nay đến cuối năm diễn biến ra sao? Cần làm gì để tìm cho mình một công việc tốt?
Thị trường lao động TP.HCM từ nay đến cuối năm 2011:
100.000 chỗ làm mới
Công nhân Phan Thị Mỹ Yến của Công ty Nidec Copal. Đây là công nhân được chương trình Tiếp sức người lao động giới thiệu việc làm trong năm 2011 – Ảnh: MAI VINH |
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN ANH TUẤN – phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM. Ông Tuấn cho biết:
– Chương trình việc làm của TP năm 2011 là giải quyết việc làm cho 265.000 lao động, tính đến nay tổng số người tìm được việc làm trong chín tháng đầu năm đã có trên 170.000 người. Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và các kênh thông tin tuyển dụng, nhu cầu nhân lực quý 4-2011 của TP.HCM là 75.000 chỗ làm việc trống và khoảng 20.000 lao động thời vụ. Trong đó, nhu cầu về lao động phổ thông chiếm 40%, đại học, cao đẳng chiếm 30%, lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp là 30%.
Tình trạng chung của thị trường lao động TP vẫn chưa cân đối được cung cầu lao động, phổ biến hiện tượng nhiều doanh nghiệp luôn thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ chuyên môn giỏi, trong khi đó tỉ lệ lao động thất nghiệp của TP vẫn ở mức khoảng 5%.
Do đó, có xu hướng các doanh nghiệp sẽ đưa ra các ưu đãi với người lao động, tích cực cải tiến sản xuất – kinh doanh, tính toán việc tuyển dụng và thu hút lao động làm việc đạt hiệu quả cao.
* Những ngành nghề nào được xem là có nhu cầu cao, thu nhập tốt, thưa ông?
– Năm 2011 và những năm sắp tới nhiều doanh nghiệp sẽ tăng nhu cầu lao động quản lý, chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông để đào tạo nghề gắn với bố trí việc làm. Giai đoạn 2011-2015, TP tập trung phát triển nhân lực cao cho chín ngành dịch vụ, bốn ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất – hóa dược và mỹ phẩm…).
Với kết quả khảo sát về nhu cầu nhân lực liên tục trong hai năm 2010-2011, chúng tôi nhận định 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu cao, mỗi ngành nghề chiếm tỉ lệ 6-8% trong tổng hợp nhu cầu nhân lực hằng năm tại TP giai đoạn 2011-2015 là hóa – hóa chất – y, dược, mỹ phẩm; cơ khí – luyện kim – công nghệ ôtô xe máy; công nghệ thông tin- điện – điện tử – viễn thông; xây dựng – kiến trúc – giao thông vận tải; chế biến thực phẩm; dịch vụ – phục vụ – du lịch – giải trí – nhà hàng – khách sạn; marketing – nhân viên kinh doanh – bán hàng; tài chính – ngân hàng – kế toán – bảo hiểm; quản lý – hành chính văn phòng; dệt – may – da giày – thủ công mỹ nghệ.
* Làm thế nào để có thể tìm một công việc tốt, theo ông?
– Hiện nay và những năm tới, thị trường lao động TP tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý, phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt là nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Ngoài chuyên môn, tay nghề thì vấn đề kinh nghiệm được đặt cao. Vì vậy, với những người từng làm việc thì không sao, nhưng với sinh viên thì tích lũy kinh nghiệm trong quá trình đi làm thêm là điều cần thiết. Ngoài ra, hiện thông tin khá nhiều và dễ tìm, nên trước khi chọn việc các bạn cần tìm hiểu kỹ nghề và công việc. Các kỹ năng nghề, ngoại ngữ nếu có sẽ càng thuận lợi hơn. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, sáng tạo.
NGUYỄN NAM thực hiện
Source: Báo Tuổi Trẻ