Choáng khi nghe sinh viên “hét” lương ngàn đô
(Dân trí) – Nghe sinh viên vừa tốt nghiệp ra “hét” giá lương dưới 20 triệu sẽ không làm, nhóm tuyển dụng công ty N cũng phải đổ mồ hôi. Bởi ngay mức lương của những người ngồi phỏng vấn cũng chưa “với” đến con số đó. >> “Mách” SV cách đối mặt với tình huống “oái oăm” của nhà tuyển dụng
Chị Nguyễn Thị Thảo, Phó giám đốc nhân sự của công ty N (kinh doanh về hàng điện tử) kể, trong quá trình tuyển dụng chị gặp không ít sự cố với các SV, cử nhân tham gia ứng tuyển khi đề cập đến mức lương, thu nhập. Nếu có những bạn nêu ra mức lương quá thấp thì không ít ứng viên làm nhà tuyển dụng phải “xanh mặt” khi quá đề cao khả năng của mình bằng thu nhập mà không chú trọng, quan tâm nhiều đến vị trí mình ứng tuyển.
Chân ướt chân ráo xin việc, nhiều SV đã “hét” lương ngàn đô. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Có lần, công ty nhận được hồ sơ của một SV vừa tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TPHCM với hồ sơ xin việc rất ổn cùng một số kinh nghiệm làm thêm nhất định khi đi học. Phỏng vấn vòng đầu, nhóm tuyển dụng đã “chấm” chắc ứng viên này. Đến vòng cuối, khi trao đổi về mức lương, họ bị “sốc” khi tân cử nhân này chắc như đinh: “Lương dưới 20 triệu đồng chắc chắn em không làm. Lần trước em được một công ty khác mời về, công việc rất thích, cơ hội nhiều nhưng người ta chỉ trả 600 đô nên em từ chối đi ngay”.
Dù rất tiếc nhưng cuối cùng họ phải đánh trượt ứng viên này không chỉ chỉ vì mức lương đó không phù hợp mà thấy ứng viên này quá chú trọng đến vấn đề trước mắt là tiền bạc mà quên cân nhắc công việc có phù hợp hay không, khả năng thăng tiến thế nào.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp khi hướng đến các trường ĐH, đặc biệt các trường tốp trên để tuyển dụng nhân sự, tạo cơ hội tiếp cận cho SV như phải choáng vì… mức lương của mình đưa ra bị SV chê bai, một cách tơi tả. Nhiều SV không cần biết công việc thế nào, môi trường làm việc mà chỉ nhìn vào tiền lương đã bĩu môi chê không xứng.
Nếu với những SV có khả năng, kinh nghiệm và biết được giá trị của mình ở đâu (không chỉ thu nhập mà còn yếu tố công việc) thì không có gì để nói. Đằng này, không ít SV chưa bao giờ có cơ hội thử sức mình, chưa biết khả năng của mình ở đâu mà vẫn đong đếm theo công thức “Mình học ở đây ra lương sẽ phải là…”. Một sai lầm là họ thường dùng mức lương của những người thâm niên trong ngành để áp dụng cho mình.
Với những SV “hét” lương làm nhà tuyển dụng sợ, thật ra ngoài việc quá chú trọng đến thu nhập, SV còn gặp khó khăn khi phỏng vấn, nhất là trước câu hỏi về mức lương. Chưa biết khả năng của mình đến đâu nên họ thường áp dụng… mức lương của những người đã thành công trong lĩnh vực của mình để “ra giá” cho mình bởi vì sợ đưa ra mức lương thấp thì bị đánh giá năng lực kém và bị thiệt thòi.
Lời khuyên của các nhà tuyển dụng: SV đừng quá đặt nặng thu nhập vì đó là chỉ bước khởi động.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cho hay, đối với SV mới tốt nghiệp, doanh nghiệp không quá đặt nặng yêu cầu về kinh nghiệm mà họ quan tâm đến các kỹ năng như thuyết trình, làm việc theo nhóm cũng như khả năng tư duy. Tuy nhiên, do SV thiếu định hướng nghề nghiệp, họ không xác định được rõ ràng điều mình mong muốn trước một vị trí công việc mà lại quá nôn nóng thể hiện mình cũng như đòi hỏi về mức lương, thu nhập.
Với kinh nghiệm của người đi trước, ông Quỳnh khuyên, ứng viên đừng quá đặt nặng đến vấn đề thu nhập bởi đó chỉ là bước khởi động, chưa mang tính quyết định. Điều quan trọng là cơ hội và lộ trình thăng tiến cũng như cơ hội học hỏi để thể hiện năng lực của mình tại vị trí công việc đó.
Trong trường hợp nhà tuyển dụng đề cập đến mức lương, theo ông Quỳnh, ứng viên hoàn toàn có thể chủ động hỏi lại nhà tuyển dụng ở vị trí đó, doanh nghiệp có thể trả mức lương trong khoảng nào để đưa ra một con số thích hợp nhất.
Hoài Nam
Source: Báo Dân Trí