Khởi nghiệp với cơm kẹp
TT – Một loại hình ăn trưa mới ra đời đã thu hút sự quan tâm xen lẫn tò mò của dân văn phòng: cơm kẹp. Người nghĩ ra ý tưởng này là anh Nguyễn Thành Dương (28 tuổi) – giám đốc Công ty VietMac, chủ thương hiệu cơm kẹp cùng tên.
Khởi nghiệp với cơm kẹp
Nhân viên văn phòng dùng cơm kẹp – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
“Trong một dịp tình cờ, anh bạn tôi tỏ ra rất thích thú khi nói với tôi về món ăn đã được thưởng thức trên một chuyến bay của Hãng hàng không Singapore Airlines: cơm được ép thành bánh kẹp nhân thịt. Tôi nhận thấy ngay cơ hội cho một loại hình ăn nhanh thú vị dành cho dân văn phòng”, anh Dương kể.
Từ ý tưởng đến thực tế
Anh Nguyễn Thành Dương – Ảnh: PHI LONG |
Việc đầu tiên anh Dương làm là tìm đến nơi loại bánh cơm kẹp này ra đời. Anh nhiều lần bay sang Singapore và cả Malaysia để tìm hiểu kỹ về loại bánh này.
Cái khó nhất khi làm bánh cơm kẹp không phải ở phần nhân, công thức chế biến các loại thịt bò, gà hay cá, mà nằm ở phần vỏ tưởng chừng rất đơn giản. Cơm sau khi nấu được anh thí nghiệm dùng thử chiếc gạt tàn thuốc để ép thành bánh, sau đó đặt khuôn để ép bánh. Làm đi làm lại với hàng chục loại gạo khác nhau, nhưng kết quả vẫn không như ý muốn với yêu cầu các hạt cơm phải dẻo, có độ kết dính và dai để đảm bảo khi cầm ăn bánh cơm không bị gãy. Chỉ đến khi thử nghiệm đến loại gạo thứ 30 cho ra kết quả tốt nhất anh mới thật sự thở phào nhẹ nhõm.
Tốt nghiệp ĐH Thương mại chuyên ngành marketing năm 2007, anh Dương nói mình không có kinh nghiệm bếp núc hay ẩm thực và phải học hỏi từ đầu để bước vào ngành kinh doanh thức ăn nhanh. Với món cơm kẹp, anh đã nhờ đến những người trong ngành ăn uống giúp đỡ để hoàn thiện món ăn này, nhưng cũng không kiếm được nhiều lời khuyên vì “đối với họ nó quá mới lạ”. “Tôi phải làm gần như mọi việc để hình thành và cho ra đời sản phẩm này. Tôi thật sự hạnh phúc và vui sướng khi những chiếc bánh đầu tiên ra lò, mọi người dùng thử ai cũng tấm tắc khen ngon”, anh Dương cho biết.
Mỗi bánh cơm có 4 hạt bắp
Cơm kẹp được định hình gồm hai phần chính: cơm được ép chặt thành bánh, dẻo, dai để đảm bảo không bị vỡ vụn hay gãy khi ăn; nhân bên trong được làm từ cá, thịt gà, bò hay đà điểu, có giá từ 27.000 đồng.
Khách đến quán có thể chọn những phần ăn kèm theo như salad và nước uống. Đặc biệt, nói về chuyện đưa bốn hạt bắp vào mỗi bánh cơm anh nói đó là ý tưởng của một đứa cháu 12 tuổi vì vị ngon ngọt sẽ làm cho bữa ăn thêm thú vị. Nhưng tại sao lại là bốn, anh Dương cho biết: “Chúng tôi quan sát 100 khách đến và họ cần cắn 12-16 miếng để ăn hết phần ăn. Nếu miếng cắn nào cũng ngọt thì quá đơn điệu, nên tám hạt trong hai bánh đảm bảo xác xuất 50% miếng cơm của khách có vị ngọt”.
Đã có sáu cửa hàng VietMac ra đời tại Hà Nội sau hơn một năm thương hiệu này ra đời. Anh Nguyễn Thành Dương cho biết giờ đây VietMac đang phát triển theo hướng nhượng quyền thương hiệu với thị trường tiếp theo là TP.HCM.
PHI LONG
Source: Báo Tuổi Trẻ