Skip to content

5 Tháng chín, 2011

Năm học mới đòi hỏi chất lượng mới

(Dân trí) – Tiếng trống trường của năm học mới đã điểm, hàng triệu học sinh cả nước lại nô nức cắp sách đến trường. Năm học 2011 – 2012, Bộ GD & ĐT quyết tâm đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Giáo viên vượt suối lên rừng gieo chữ ở Con Cuông (ảnh: Phùng Mùi)
 
Đánh giá đúng chất lượng
 
Từ cuộc vận động “hai không” mặc dù hơi muộn, nhưng chúng ta đã dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng chất lượng giáo dục, để đưa ngành “công nghiệp nặng” đào tạo ra loại “sản phẩm” đặc biệt này làm chủ nhân của đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập và phát triển.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục như: không thu học phí của sinh viên các trường sư phạm; phụ cấp đứng lớp cho giáo viên; nhiều chủ trương khuyến học, khuyến tài…. Nhưng xem ra chất lượng dạy và học không những không nâng cao, mà trái lại vẫn có nhiều điều phải bàn, phải tính toán lại?!

Trước hết, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi đại học năm học 2010 – 2011 là một minh chứng rõ ràng. Trong khi tỷ lệ tốt nghiệp đậu rất cao, nhưng kỳ thi đại học lại có hàng ngàn bài thi kết quả thấp. Hàng ngàn bài thi đại học môn lịch sử bị điểm không (0) đang làm phân tâm dư luận, mà trước hết trách nhiệm thuộc về ngành và đội ngũ giáo viên, bởi kết quả của người học phản ảnh đúng chất lượng của người dạy.
 
Chúng ta thường nói: Không có thầy giỏi thì không có trò giỏi! Chất lượng của đội ngũ giáo viên hiện nay cả về chuyên môn, cả về nhận thức thời cuộc, sự am hiểu kiến thức xã hội rất yếu, nếu không muốn nói là quá yếu kém. 
 
Vẫn còn đó học sinh huyện biên giới Kỳ Sơn trong năm học mới với nhiều thiếu thốn (ảnh: Nguyễn Duy)

Đã có nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên. Nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đã phải lắc đầu vì kiến thức và năng khiếu sư phạm yếu. Có điều khó hiểu là ngày xưa do thiếu giáo viên đứng lớp, chúng ta mở lớp đào tạo cấp tốc, nào lớp ngắn hạn trong ba tháng hè, nào hệ sư phạm 7+3 hay 9+3 rồi lớp 10+2…

Khi ra trường thiếu sách nâng cao, thiếu giáo án mẫu, giáo viên phải mày mò, tập trung nhau lại giải những bài toán khó, những bài văn hay. Rồi nào bên ngọn đèn dầu, ăn cơm gạo mậu dịch; nào trong ba tháng nghỉ hè của học sinh, các thầy cô giáo tập trung học các chuyên đề, nâng cao kiến thức không dưới hai tháng….  Nhưng chúng ta thấy tâm huyết của người thầy cô giáo rất gắn bó với học trò.
 
Vươn lên trong cạnh tranh
 
Còn ngày nay trong điều kiện phải nói là tương đối đầy đủ, đầy đủ cho cả người dạy và người học: đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản, được chuẩn hoá và trên chuẩn; ba tháng hè gần như được nghỉ ngơi trọn vẹn… Nhưng chất lượng giáo dục lại không hơn, thậm chí thấp thua nhiều năm trước đây.
 
Bên cạnh bệnh thành tích, yêu cầu phổ cập, hiện tượng tránh dồn toa, thì theo chúng tôi điều đáng quan tâm là chất lượng giáo viên cần phải xem lại. Nhất là đội ngũ giáo viên cử tuyển của miền núi, đã đến lúc chúng ta nên dừng ngay chính sách cử tuyển sinh viên sư phạm. Bởi vì ngay cái ngưỡng đầu tiên thi vào trường sư phạm mà không vượt qua, thì làm sao làm thầy thiên hạ được?
 
Người viết bài này đã nhiều năm làm công tác Tuyên giáo, thường xuyên được tiếp xúc với những hoạt động của giáo dục, được làm giám khảo của nhiều cuộc thi của ngành, được giảng và chấm bài viết thu hoạch về các chuyên đề, chính trị, nghị quyết của giáo viên làm, và đã thấy không ít giáo viên làm bài quá yếu.

Yếu cả về văn phong, câu chữ sai lỗi chính tả, yếu cả về ý thức làm bài và càng yếu hơn về cập nhật kiến thức xã hội. Bên cạnh những gương tốt về đạo đức, thì cũng vẫn còn không ít giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội. Thầy giáo là tấm gương bốn mặt cho học sinh và cả xã hội học tập và noi theo. Thầy giáo yêu nghề, mến trò, thì học sinh ham học và quý thầy.

Thực tế hiện nay không ít giáo viên coi nghề dạy học là “chiếc cần câu cơm”, là người làm công ăn lương, thiếu trau dồi chuyên môn, ít đi sâu tìm hiểu và gần như thiếu kiểm tra đôn đốc việc học của học sinh. Không ít giáo viên biến kiến thức của mình thành hàng hoá, đem “bán” cho học sinh bằng dạy thêm, dạy trước chương trình, để ai học thêm thì hiểu, ai không học thêm thì chịu yếu kém (?)

Nền giáo dục nước nhà đang đứng trước những thời cơ và nhiều thách thức mới, khi mà hội nhập thế giới và khu vực đã và đang đến ở nhiều lĩnh vực. Sự nghiệp Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước và mục tiêu để năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đang đặt ra nhiệm vụ mới, bắt buộc nền giáo dục nước nhà phải đổi mới.

Bên cạnh đó hệ thống giáo dục đang ngày càng được mở rộng ra nhiều loại hình như: công lập, dân lập, tư thục và cả sự đầu tư mở mang trường lớp của nước ngoài bằng các hình thức du học tại chỗ… Sự cạnh tranh gay gắt tất yếu sẽ diễn ra, càng đòi hỏi người giáo viên phải phấn đấu vươn lên mới có thể tồn tại được. Và chắc chắn rằng sẽ không còn giáo viên đứng …nhầm lớp như hiện nay?!

Phùng Văn Mùi

Source: Báo Dân Trí

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments