Skip to content

29 Tháng tám, 2011

Lộ rõ hệ lụy của cơ chế bao cấp

TT – Đó là ý kiến của họa sĩ Lương Xuân Đoàn – phó vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương – xung quanh chuyện “lùm xùm” về việc phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đang được dư luận quan tâm.

Gặp gỡ đầu tuần:

Quy chế phong tặng giải thưởng cho văn nghệ sĩ:

Lộ rõ hệ lụy của cơ chế bao cấp

Ông Đoàn gợi ý nên tham khảo mô hình của Giải thưởng Phan Chu Trinh, trong đó phải chủ động tìm kiếm tác phẩm, có bản đề cử khoa học và thuyết phục.

Ông Lương Xuân Đoàn – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông Lương Xuân Đoàn (phó vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương): Giải thưởng và danh hiệu dự kiến sẽ công bố vào đúng dịp Quốc khánh năm nay. Nhưng tôi nghĩ đến giờ này mà Hội đồng cấp nhà nước vẫn chưa họp được thì chắc là không kịp rồi. Có quá nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra và dù có công bố kịp hay không, đây cũng là những giọt nước làm tràn ly để cả cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp và bản thân nghệ sĩ nhìn lại mình.

“Phải thừa nhận ngoại trừ đợt trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên năm 1995, tất cả các đợt trao giải tiếp theo đến nay (2001, 2007, 2011) đều có nhiều chuyện lùm xùm, kiện cáo. Chưa bao giờ chuyện kiện cáo lại trở nên ầm ĩ, nặng nề và rất “khó coi” về giới văn nghệ sĩ trong con mắt công chúng như vậy”

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

* Thưa ông, nhiều quan chức có trách nhiệm khi được chất vấn về việc tại sao có tên người này mà không có tên người kia, trao cho tác phẩm này mà không phải tác phẩm khác đều viện dẫn…quy chế? Vậy quy chế do ai soạn thảo?

– Những nghị định và thông tư về việc xét tặng giải thưởng và danh hiệu đều được soạn thảo từ những năm 1990. Khi đó, khái niệm “đoàn nghệ thuật nhà nước”, “họa sĩ biên chế”, “nhà văn biên chế”… còn phổ biến như một chuyện đương nhiên trong xã hội.

Hội diễn, liên hoan tổ chức định kỳ và việc các đoàn nghệ thuật, các hãng phim nhà nước chia huy chương cũng là chuyện bình thường. Nhưng đến năm 2011 mà còn đem những tiêu chí: “15 năm công tác liên tục” hay “2 huy chương vàng hội diễn” ra quy đổi thì thật hài hước.

Văn chương cũng vậy, hơn 20 năm về trước, được in một cuốn sách là cả một sự kỳ công, xếp hàng dự giải thưởng Hội Nhà văn hay thi sáng tác ở một nhà xuất bản, tờ báo nào đó là cả một kỳ vọng, một niềm vinh dự. Giờ này ai cũng có thể in sách miễn không vi phạm pháp luật, các giải thưởng thường niên nhạt dần ý nghĩa và thậm chí nhiều nhà văn còn xin rút khi nghe mình có tên trong vòng chung khảo. Nhưng như thế không có nghĩa là những nghệ sĩ tự do không có huy chương, những nhà văn ngoài hội không có giải thưởng là kém tài năng, là không ảnh hưởng tới xã hội.

Tôi xin nhắc lại trường hợp Trịnh Công Sơn, ai có thể phủ nhận ảnh hưởng xã hội của ông, dù ông không được đề cử giải thưởng nào bao giờ. Hay những Nguyễn Huy Thiệp trong văn học, Thái Bá Vân và Phan Cẩm Thượng trong hội họa, họ lọt ra ngoài những cái “khung” của các nghị định, thông tư cứng nhắc kia.

Quy chế cũng không tiên liệu được những trường hợp như Trọng Tấn hay Bùi Công Duy, “năm tháng công tác” chẳng có ý nghĩa gì khi, dù còn rất trẻ tuổi, tài năng và cả đạo đức nghề nghiệp của họ không chỉ được một mà nhiều thế hệ công chúng thừa nhận. Chính sách càng trở nên bất cập khi bắt những người như nhạc sĩ Phạm Tuyên hay nhà văn Nguyên Ngọc phải “làm hồ sơ xin giải thưởng”. Cơ chế bao cấp của 30 năm trước vẫn lộ rõ hệ lụy của nó trong những quy định cứng nhắc này.

* Nhưng thưa ông, cứng nhắc thì vẫn phải tuân theo, vì nó là luật. Dư luận chỉ bức xúc vì các điều khoản trong văn bản pháp quy lại được giải thích theo những cách bất lợi cho nghệ sĩ…

– Ai cũng biết luật không bao giờ tiên liệu được các tình huống trong đời sống và các văn bản của Nhà nước luôn cần được điều chỉnh để hoàn thiện hơn. Nhưng vấn đề là ai sẽ là người chỉ ra những bất cập ấy? Trong trường hợp cụ thể là trao tặng giải thưởng và danh hiệu này, theo tôi, trách nhiệm là ở các hội đồng cơ sở, nghĩa là chính ở nơi các nghệ sĩ gần gũi nhau nhất, hiểu nhau nhất, đánh giá chính xác nhất về đồng nghiệp của mình.

Cá nhân tôi đã rất buồn và thất vọng khi trong danh sách của Hội Mỹ thuật đưa lên hội đồng cấp bộ thiếu vắng những cái tên không chỉ giới họa sĩ mà cả công chúng rộng rãi vô cùng yêu quý và tôn trọng như Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng… Tôi được giải thích là Thái Bá Vân chỉ có một cuốn sách (thay vì ba như quy chế), Nguyễn Quân không tốt nghiệp đại học chuyên ngành… Những lý do như thế không thể thuyết phục được người làm nghề.

Bên Hội Nhà văn, theo tôi, nếu Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh…không chủ động làm hồ sơ, Hội Nhà văn hoàn toàn có thể chủ đông giới thiệu các nhà văn này, làm hồ sơ và đề nghị họ làm cử chỉ mang tính thủ tục này. Không thể nói Hội Nhà văn không ai biết gì về tác phẩm và những cống hiến của hai nhà văn này.

Bấy lâu dư luận bức xúc và chất vấn Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, theo tôi, còn có phần “oan uổng”, bộ chỉ xét những trường hợp hội đồng cơ sở đưa lên, hội đồng cơ sở thì “toàn nghệ sĩ với nhau”. Bộ cũng chỉ xét những trường hợp kiện cáo, khiếu nại. Trong khi đó, với lòng tự trọng, việc làm hồ sơ một lần cũng đã là quá sức nghệ sĩ và gia đình.

Thiếu sự liên tài, thiếu sự thừa nhận lẫn nhau, thậm chí có cả sự thiếu trung thực, bè phái… trong hội đồng cơ sở, nói thẳng ra là thiếu tình nghệ sĩ với nhau, nên những sự thừa thiếu, sai sót trong việc xét duyệt từ hội đồng cơ sở là tất yếu.

* Thưa ông, vậy mô hình Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú có còn thích hợp với đời sống tinh thần của xã hội không? Và nếu vẫn muốn duy trì mô hình này, cần có những cải cách gì trong quy trình thực hiện?

– Một khi Nhà nước vẫn còn có ý định tôn vinh các giá trị sáng tạo của văn nghệ sĩ, các giải thưởng và các danh hiệu vẫn là cần thiết.Quy chế do chúng ta đặt ra, chúng ta cũng có thể thay đổi. Chắc chắn sau những ầm ĩ không đáng có về giải thưởng này, Nhà nước sẽ có kế hoạch soạn thảo lại các quy chế liên quan cho thích hợp với sự phát triển của xã hội.

Trong khi chờ đợi những văn bản chính thức, tôi nghĩ hội đồng xét giải các cấp rất nên xem xét tham khảo mô hình của giải thưởng Phan Chu Trinh: các thành viên của Hội đồng khoa học chủ động tìm kiếm tác phẩm để đọc và nghiên cứu, sau đó chủ động đề cử với bản đề cử khoa học và thuyết phục như một luận văn.

Hội đồng có người phản biện để đi đến thống nhất.Các cá nhân được giải thậm chí không biết mình đã được đề cử, đừng nói đến chuyện phải làm đơn xin hay làm hồ sơ. Chỉ là một giải thưởng của một quỹ văn hóa không lớn, nhưng từ khi có giải Phan Chu Trinh đến nay, chưa hề có ý kiến phản đối nào, cả giới chuyên môn cũng như dư luận đều đồng thuận và đánh giá rất cao. Vậy tại sao các giải thưởng nhà nước lại không tham khảo?

THU HÀ thực hiện

________________________

Nhạc sĩ Phạm Tuyên – Ảnh: H.Điệp

Nhạc sĩ Phạm Tuyên:

Tác phẩm được đề cử phải có sức sống

Được tặng Giải thưởng Nhà nước hay Giải thưởng Hồ Chí Minh là vinh dự lớn, bởi đó là công lao đóng góp của tác giả trong đời sống văn học nghệ thuật. Nhưng một trong những đặc điểm (tôi không nói rộng mà chỉ riêng âm nhạc) là tác phẩm cần có sự lan tỏa, ghi nhận trong đời sống. Tôi vẫn thường nói tôi sáng tác nhạc nhưng có hai vị giám khảo công minh nhất đó chính là thính giả và thời gian.

Có những tác phẩm được thích hôm nay nhưng ngày mai người ta quên. Ví dụ ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng, tôi viết ngày hôm trước thì ngày hôm sau cả nước thuộc. Các đồng chí lãnh đạo đài (Đài Tiếng nói Việt Nam) nói thế này thì phải tặng thưởng mới được. Tuy nhiên, một ca khúc mới ra đời cũng cần phải xem xét xem có vượt được thời gian hay không.

10 năm sau (1985), lúc ấy lãnh đạo đài nhận định ca khúc ngày càng nhiều người hát, nó còn mang thông điệp quốc tế nữa. Vậy nên đề nghị Nhà nước khen tặng. Và đây cũng là lần đầu tiên một ca khúc được tặng thưởng Huân chương Lao động. Và bây giờ, gần 40 năm sau, ca khúc ấy vẫn vang lên ở rất nhiều nơi, nhiều dịp khác nhau và hàng triệu người thuộc giai điệu của ca khúc ấy.

Do đó, tôi cho rằng chỉ nên tặng khi nào ghi nhận được sự lan tỏa của tác phẩm đối với đời sống. Nhưng không cứ phải hai hay năm năm, tiêu chí quan trọng là được dư luận xã hội, công chúng, những người trong nghề nghiệp công nhận.

Đặng Thái Sơn là một ví dụ, khi anh ấy đoạt giải thưởng trong cuộc thi Chopin thì được phong tặng danh hiệu NSND ngay, chẳng cần phải có dịp nào. Hay như cố NSND Lê Dung, khi được tặng danh hiệu NSND cô ấy bảo tôi: “Cháu là NSND trẻ nhất, cũng chẳng nhân dịp nào”. Tại sao cả Lê Dung và Đặng Thái Sơn đều được nhận danh hiệu ấy khi còn trẻ? Bởi vì ảnh hưởng của họ quá lớn đối với xã hội. Nếu cứ chờ thời gian, chờ huy chương mới tặng thì biết đến khi nào!

Cũng chẳng có quy định nào cho rằng tác phẩm này chỉ hay trong năm nay, còn 10 năm không được hay nữa. Nếu một tác phẩm có sức sống, dù đã lâu rồi thì giờ chúng ta cũng có thể xét tặng. Ví dụ so với Thời xa vắng của Lê Lựu, tác phẩm mới như Sóng ở đáy sông của Lê Lựu (tác phẩm được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này) thì sức lan tỏa và vai trò không thể bằng.

Việc đặt ra giải thưởng rất quan trọng, rất cần, nhưng cách trao giải và quy chế hiện nay theo tôi là quá lỗi thời. Muốn trao giải thưởng phải có một quy chế khác phù hợp hơn.

Đầu tiên, cần thay đổi hội đồng thẩm định, nếu hội đồng thẩm định không am hiểu vấn đề thì không thể công minh được. Sau nữa là không nên quy định thời gian cứng nhắc. Nếu cứ phải bao năm, bao nhiêu huy chương… xin thưa, cách làm đó sẽ bỏ rơi rất nhiều năng khiếu cần động viên.

Một tác phẩm nghệ thuật đạt được yêu cầu không dễ, trong cuộc đời sáng tác của một nghệ sĩ không phải lúc nào cũng sáng tác được những tác phẩm vượt trội. Vậy thì phải đánh giá quá trình hoạt động, đóng góp của tác giả ấy đối với đời sống văn học nghệ thuật.

Những ngày đầu trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Nguyễn Đức Toàn, Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu… là trao cho cả một quá trình sáng tác, đóng góp đối với đời sống âm nhạc chứ có phải trao riêng cho tác phẩm nào đâu! Thế nên trong thời kỳ đầu tặng giải thưởng có sự đồng tình của công chúng rất lớn.

HOÀNG ĐIỆP ghi

 ————————————

* Tin bài liên quan:

>> Để giải thưởng và người nhận cùng vinh dự
>> Việc xét giải vẫn phải dựa vào huy chương
>> Nhiều nơi khó xử
>> Xét tặng giải thưởng còn bất cập
>> Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm xin rút
>> Gia đình nhà văn Sơn Nam xin rút tên ông khỏi Giải thưởng Nhà nước
>> Nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Source: Báo Tuổi Trẻ

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments