Skip to content

26 Tháng tám, 2011

Xoan không có tuổi

TT – Nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 9 này, lần đầu tiên những nghệ nhân nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực văn hóa phi vật thể như hát xoan, ca trù, xẩm… sẽ được phong tặng danh hiệu cấp Nhà nước.

Những “báu vật” giữa đời – Kỳ 1: 

Xoan không có tuổi

Đạt được danh hiệu này, họ đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hi” với một cuộc đời rất nghèo tiền bạc nhưng giàu đam mê nghề nghiệp. “Ngọn lửa” đam mê ấy đã đưa họ vượt lên mọi thứ danh lợi vật chất để hướng tới trường tồn…

Ở tuổi 102, khi bà Đá cất lời hát cùng con cháu, làn điệu xoan vẫn xao xuyến ngọn đồi cao – Ảnh: H.Điệp

Sinh năm 1909, có lẽ bà Lê Thị Đá ở xã Kim Đức, TP Việt Trì, Phú Thọ là nghệ nhân cao tuổi nhất của Việt Nam vẫn còn sống và vẫn hát được mỗi khi có ai hỏi về xoan.

Kỷ vật

“Bà Đá có nhà không đới….i..i?”. “Đá sỏi gì nào, ai gọi Đá sỏi gì đấy?”. Trong căn nhà nằm chót vót trên ngọn một quả đồi khá cao, tiếng bà bủ già đáp trả đầy tếu táo. Trong nhà ríu rít tiếng con trẻ và phụ nữ: “Ai đến tìm bủ à? Bủ ơi, khách xa tìm bủ chắc hỏi hát xoan rồi”. “Bủ” ở đây chính là bà Lê Thị Đá, nghệ nhân hát xoan cao tuổi nhất của Việt Nam hiện nay!

Căn nhà vừa mới xây xong vẫn còn nồng mùi vữa, tường vẫn chưa được quét vôi. Bà Đá nhắc đi nhắc lại: “Ơn Đảng, ơn Chính phủ, cả đời tôi sống trong nhà trình tường mái lá cọ đến cuối đời lại được ở trong căn nhà xây này. Nhà tình nghĩa đấy, được người ta cho 30 triệu, xã cho vay 5 triệu và ngân hàng cho vay 8 triệu, cộng với số tiền dành dụm cả đời mới dựng được nhà. Thế là có cái nhà đàng hoàng cho năm đứa con, hơn chục đứa cháu, vài chục đứa chắt và hàng chục đứa chút có thể về chơi với bủ mà không lo nhà chật và bé”.

Trên bức tường còn nguyên màu xi mộc, tấm bằng chứng nhận nghệ nhân dân gian ghi tên Lê Thị Đá cùng những kỷ niệm chương và một tấm huy chương bạc được treo ở vị trí trang trọng.

“Đó là thành tích từ hồi chiến tranh chứ không phải sau hòa bình đâu nhé! – bà Đá hóm hỉnh và cũng đầy tự hào khi trỏ về chiếc huy chương bạc được giữ gìn cẩn thận – Đấy cũng là thành tích lớn nhất của tôi, một người nông dân yêu hát xoan”.

Mẹ bà là đào hát xoan, nên từ 10 tuổi bà Đá đã học theo mẹ hát xin huê đố chữ rồi, sau này lấy chồng, bố chồng là trùm phường xoan nên bà có cơ hội được đi hát nhiều hơn. “Không có tiền đâu, chỉ là hát cho vui và trách nhiệm của người dân với lễ giỗ vua thôi” – bà Đá kể.

Trong những năm chiến tranh, hai mẹ con bà cùng sáu người khác trong xã đã mang xoan của đất Phú Thọ đi dự hội diễn dân ca toàn quốc được huy chương vàng. Ấy là hội diễn mà nghệ nhân Hà Thị Cầu lần đầu tiên giành được huy chương vàng còn cá nhân bà Đá thì được huy chương bạc.

Cho đến giờ bà vẫn giữ tấm huy chương đó như một báu vật. Kể về chuyến về Hà Bắc dự thi năm ấy, bà cụ hào hứng hẳn: “Năm đó đáng lẽ được đi nước ngoài biểu diễn đấy, chúng tôi đã được thông báo lịch đi rồi nhưng Mỹ ném bom ác quá, thi xong cả đoàn lại lếch thếch dắt nhau về”.

Con gái bà Đá ngồi cạnh bảo thêm: “Ngoài huy chương ra mẹ tôi được tặng một đôi dép quai hậu Tiền Phong, là dép nam nhưng quý lắm. Còn mỗi người trong đoàn đều được tặng hai cuộn len gai màu xanh về đan áo”.

Dao sắc chẳng gọt được chuôi

Bà Đá có năm người con đều là gái, nhưng cho đến giờ không có ai theo hát xoan. Bởi các cô gái lớn lên, đi làm công nhân hoặc lấy chồng, chỉ còn bà Nguyễn Thị Sửu là con gái út được bà dạy cho phần nào nhưng bà Sửu bị bệnh hen suyễn nên đành bỏ. Hơn chục năm nay từng đoàn người từ sở văn hóa đến thanh niên, phụ nữ các xóm, các nhà văn hóa đến nhà bà Đá để học hát.

Mấy chục năm nay bà Đá vẫn làm vườn, vẫn nhúc nhắc việc nhỏ việc to trong nhà nên các buổi học do bà dạy thường chỉ tranh thủ vào buổi trưa hoặc tối. Lúc nhiều học trò theo học, nhà bà Đá lúc nào cũng ồn ào. “Vui lắm, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, còn bây giờ thì chả ai tới nữa…” – bà Đá nói.

Bà Sửu không nguôi tiếc nuối: “Những năm đi hát xoan chưa có tiền, chỉ là vui thôi thì ít người hát lắm! Bây giờ được chính quyền quan tâm hơn nên nhiều người tham gia. Những năm đầu mới khôi phục hát xoan, hội nào, lễ nào mẹ tôi cũng đến, nhưng gần đây người ta bảo bà già rồi, về đi!”.

Hằng ngày, mỗi khi ra đồi nhặt củi hay cắt rau, múc gàu nước từ giếng đào đầu nhà, bà cụ lại ngân nga những câu hát cũ.

Không biết vì quên, vì nhầm lẫn hay vì bà Đá cao tuổi quá rồi mà Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam sau khi phong nghệ nhân cho rất nhiều người hát xoan trẻ (ví như bà trùm Lịch ở An Thái được phong nghệ nhân khi mới ngoài 50 tuổi) cách đây hàng chục năm thì đến năm 2010 bà Đá mới chính thức được phong nghệ nhân.

Bà Đá nói nhiều người đến để bà dạy hát nhưng họ được phong nghệ nhân trước, còn bà có đến hơn 90 năm hát xoan mới được phong nghệ nhân cách đây… một năm. Có lẽ bà là nghệ nhân được phong già nhất Việt Nam và cũng là nghệ nhân lớn tuổi nhất vẫn còn có thể hát.

Việc ấy chả khiến bà phải buồn: “Hình như ngoài bằng chứng nhận còn có tiền của tỉnh”. Bà cũng chả tự ái khi người ta quên bà: “Tôi không hát để được công nhận. Lúc nào tôi thích thì cứ hát thôi…”.

Trong ngôi nhà trên đỉnh đồi được bao bọc bởi màu xanh ngát của cây cối, bà Đá cười, dù hàm răng đã rụng đi mấy chiếc nhưng tiếng hát vẫn đủ tròn, giọng nói vẫn đủ thanh và từng điệu lượn vẫn đủ mềm để tạo thành những làn điệu xoan độc đáo.

Bây giờ thì nhiều phường xoan lắm rồi, xã này có đến sáu phường xoan hoạt động rất rôm rả. “Tôi có miếng nào đều dạy hết cả, chẳng giữ lại gì cho con cháu, mấy chục đứa cả con, cháu, chắt, chút nhưng chẳng truyền được cho ai”.

Giờ mỗi khi bà cụ lọm khọm đi đón thằng chít ngoại học ở lớp mẫu giáo 5 tuổi, nghe chúng nó ê a những làn điệu xoan tân thời bà lại nhủ lòng: “Thôi thì như thế dễ học, chứ cứ hát như bà khi xưa, phải theo đúng quy tắc thì nhỡ khó quá chúng nó bỏ hết thì uổng”. Bà lão nói thế rồi cười, dẫu rằng nụ cười của người phụ nữ 102 tuổi bước qua bể khổ trăm bề và biến cố của đất nước, của mảnh đất Tổ nhưng chưa khi nào bà vơi đi niềm yêu với hát xoan.

Hơn 90 năm gắn bó với xoan, dù có lúc hát xoan không được sôi động nhưng bà Đá là người già nhất đã tham gia hát xoan và truyền dạy lại cho rất nhiều người trong xã. Bây giờ mỗi khi có ai hỏi đến xoan bà không chỉ hát mà còn múa, lượn hay những điệu phú, lý cùng những động tác rất khó mà bây giờ nhiều đào hát mới không thể nào thực hiện được.

Mỗi khi chiều về, hoặc mỗi lúc nhặt củi ngoài vườn bà Đá lại ngân nga hát: Năm trống cơm thiên hạ thái bình/ Năm trống cơm nhà no mọi đủ/ Năm trống cơm mọi vẻ mọi hay/ Được mùa hòa thăng lấy cơm bưng trống (Giáo trống).

HOÀNG ĐIỆP

—————————————————–

Trên chiếc giường nhỏ bà nằm co ro, đắp chiếc chiếu đã cũ sờn. Khi bà ho húng hắng, chiếc chiếu tuột xuống để lộ thân hình nhỏ bé… Người ấy chính là bà Hà Thị Cầu, nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20…

Kỳ tới: Nỗi niềm bà Cầu

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments