Nhìn lại thủ đoạn làm tiền của một “nhà báo lớn” ở TPHCM
(Dân trí) – Vừa ngồi vào chiếc ghế Phó Tổng thư ký tòa soạn phía Nam báo Tiền Phong chưa ấm chỗ, nhà báo Phan Hà Bình (bút danh Hà Phan, 42 tuổi) đã bị Cơ quan an ninh điều tra bắt giữ vì hành vi cưỡng đoạt tài sản.
TAND TPHCM cho biết, chiều 25/8, cơ quan này sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ nhà báo Hà Phan cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp. Đây là phiên tòa mà nhiều phóng viên bị “hớ” khi cứ đưa tin “sắp xét xử”, “ngày mai xét xử”… rồi lại phải làm tin “Tạm hoãn”, “hoãn”, “lùi ngày xét xử”… Bởi đã có đến 2 lần TAND TPHCM lên lịch xét xử rồi lại hoãn vì… lý do khách quan.
Chân dung nhà báo từng trải
Tháng 9/2010, Phan Hà Bình thu thập thông tin về việc thực hiện các dự án kinh tế của các đơn vị thành viên Tập đoàn đầu tư Sài Gòn để viết bài đăng trên báo Tiền Phong. Do nắm được thông tin về tình hình thực hiện các dự án này còn gặp khó khăn, Bình đã đến trụ sở của Tập đoàn đầu tư Sài Gòn gặp bà Nguyễn Cẩm Phương – Giám đốc truyền thông của Tập đoàn, Trưởng đại diện Công ty cổ phần đầu tư xi măng Sài Gòn – Tân Kỳ tại TPHCM, kiêm phụ trách Công đoàn của đơn vị yêu cầu đưa tiền, nếu không được đáp ứng thì sẽ đăng bài trên báo Tiền Phong có nội dung gây ảnh hưởng xấu đến uy tín doanh nghiệp.
Do bị bà Phương từ chối “yêu sách”, trong tháng 9 và tháng 10/2010, Phan Hà Bình đã viết và đăng trên báo Tiền Phong các bài: “SGT và KGB-dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột”, “Cổ phiếu bất thường trên sàn Hà Nội”, “Cách nào kiểm soát cổ phiếu bất thường”. Các bài báo trên có nội dung đề cập việc chậm tiến độ thi công và rút vốn đầu tư dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm, dự án xây dựng nhà máy xi măng Sài Gòn –Tân Kỳ, Công ty chứng khoán Sài Gòn – Quy Nhơn đã tạm ngưng hoạt động nhưng giá cổ phiếu vẫn cao nhất trên sàn Hà Nội và cách kiểm soát giá cổ phiếu tăng không lành mạnh này.
Sau khi đăng 3 bài báo trên, Bình chủ động liên hệ và gặp bà Phương để đặt vấn đề nếu không đưa tiền sẽ tiếp tục đăng bài gây bất lợi cho các đơn vị thành viên và Tập đoàn đầu tư Sài Gòn. Cụ thể, nếu bà Phương đưa 200 triệu, Bình sẽ dừng đăng các bài viết gây ảnh hưởng uy tín và 3.000 USD thì Bình sẽ “bẻ cong ngòi bút” đăng bài viết lấy lại uy tín cho doanh nghiệp.
Trả giá đắt
Sợ bị “làm lớn”, bà Phương phải điện cho lãnh đạo công ty để hỏi ý kiến và được chỉ đạo “tự dàn xếp sao cho tốt đẹp”. Sau đó, một mặt bà Phương đồng ý sẽ đưa cho Bình 220 triệu để Bình dừng đăng các bài báo gây bất lợi nhưng cũng đồng thời trình báo sự việc đến cơ quan công an.
Quá trình mở rộng điều tra, công an xác định, khoảng tháng 3/2009, Phan Hà Bình phát hiện ra trong bản cáo bạch của công ty Lương Tài có phần không chính xác nên đã gọi điện đến công ty theo số điện thoại đăng trên bản cáo bạch của công ty, yêu cầu gặp lãnh đạo của doanh nghiệp này để viết bài. Nhân viên tiếp điện thoại đã xin lại số di động của Bình và hứa sẽ gọi lại sau khi trình bày lên “sếp”.
Sau đó, ông Hưng gọi điện và đồng ý gặp Bình tại quán thịt cừu trên đường Hoàng Sa (Q.1, TPHCM). Lần gặp đầu tiên, Bình đã dùng “ngón nghề” như từng “giở quẻ” với Tập đoàn đầu tư Sài Gòn như đã nêu ở trên để yêu cầu ông Hưng “chi” 1.000 USD. Do sợ ảnh hưởng uy tín công ty và cá nhân, ông Hưng đã đồng ý đưa Bình số tiền trên tại quán café Zenta (Mạc Đĩnh Chi, Q.1) vào ngày hôm sau lần gặp đầu tiên đó. Sự việc trót lọt và sẽ vào lãng quên nếu như Phan Hà Bình không bị “dính” trong vụ liên quan đến Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn.
Theo nhận định của VKSND Tối cao, hành vi của Phan Hà Bình là rất nguy hiểm, nó đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của phóng viên và đã cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 135 Bộ luật hình sự, thì Phan Hà Bình có khung hình phạt từ 7-15 năm tù.
Tội cưỡng đoạt tài sản theo Khoản 3, Điều 135, Bộ luật hình sự quy định
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm:
a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng. |
Công Quang
Source: Báo Dân Trí