Skip to content

24 Tháng tám, 2011

Vì sao tôi phải lén vợ gửi tiền về cho mẹ?

TTO – Đàn ông suy nghĩ gì khi chăm lo vun vén cho gia đình và nhiều khi phải làm buồn lòng phụ nữ? Đàn ông thường quá đáng hơn hay người phụ nữ trong nhà thường quá đáng mới gây nên cảnh “mạnh ai lo nhà nấy”?

Vì sao tôi phải lén vợ gửi tiền về cho mẹ?

Câu chuyện của bạn thế nào? Mời bạn đọc theo dõi tâm sự của những ông chồng và tiếp tục chia sẻ ý kiến.

>> Tiền của vợ chồng là của bố mẹ chồng? 
>> Xin bố mẹ chồng hãy để con yên! 
>> Báo hiếu nhà chồng bao nhiêu là đủ?
>> Con dâu “kém hiểu biết” mới cắn đồng tiền vỡ đôi?

Không khí hòa thuận trong gia đình được xây đắp từ sự san sẻ, yêu thương ở mỗi thành viên – Ảnh minh họa: từ Internet

Cho anh xin hai chữ “bình yên”!

Tôi chỉ muốn hét lên với vợ: “Xin em để cho anh yên!” mỗi khi vợ tôi dò xét xem tháng này thu nhập của tôi bao nhiêu, đã gửi về cho mẹ tôi hết bao nhiêu tiền.

Tôi trụ lại Sài Gòn đã gần 10 năm, thu nhập hiện nay khá ổn định với đồng lương của một phó phòng kinh doanh. Vợ tôi cũng là bạn học cùng lớp của tôi ngày trước và hiện đang làm kế toán. Chúng tôi ra trường được hơn 3 năm thì cưới nhau.

Khi mới ra trường, dù đồng lương khá ít ỏi nhưng tôi vẫn luôn dành dụm gửi về cho mẹ tôi. Ba mất, mẹ tôi ở quê một mình chăm lo cho hai đứa em gái tôi ăn học chỉ với thu nhập từ một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Chính vì thế tôi luôn mong một ngày nào đó sẽ lo cho mẹ và em một cuộc sống sung túc hơn.

Hoàn cảnh của nhà vợ tôi cũng tương tự nhà tôi nên trước khi kết hôn, chúng tôi cũng từng bàn bạc về vấn đề tiền nong trong gia đình. Theo lời cô ấy, tiền lương của tôi sẽ dành để lo những chi tiêu trong nhà còn cô ấy lo tiền chợ. Số tiền dư ra mỗi tháng sẽ gửi ngân hàng một ít và gửi về cho hai bên gia đình.

Thế nhưng, sau khi lấy nhau, mọi chuyện không như những gì chúng tôi đã bàn bạc …

Tiền lương của cả hai, cô ấy giữ hết và bảo rằng trước mắt nên gửi hết vào ngân hàng để mua cho được căn nhà ở thành phố và lo chuyện con cái; khi nào có nhà rồi thì đón mẹ tôi lên phụng dưỡng cũng chẳng muộn.

Thấy vợ nói có lý, tôi nghe theo và để cô ấy quán xuyến hết mọi chuyện tiền nong trong gia đình. Những khi có tiền thưởng thêm ở cơ quan thì tôi gửi về cho mẹ và cũng không quên biếu cho gia đình vợ mỗi lần về thăm.

Thế nhưng, cách đây 2 năm, tôi tình cờ phát hiện ra vợ tôi không hề thực hiện đúng như những gì đã bàn. Cô ấy gửi phần lớn tiền lương của cả hai về cho gia đình cô ấy để xây nhà. Thậm chí có lần, đứa con trai nhỏ của tôi còn méc tôi: “Con thấy mẹ lục ví của ba”.

Mọi chuyện vỡ lỡ. Cô ấy xin lỗi và hứa sẽ không như vậy nữa. Tôi cũng nhanh chóng cho qua vì không muốn gia đình bất hòa nhưng đề nghị cả hai sẽ có một quyển sổ ghi rõ thu chi hàng tháng.

Thời gian sau đó, vợ tôi thật sự rất rõ ràng trong việc tiền bạc nhưng cô ấy lại chuyển sang săm soi tôi những khi tôi gửi tiền về cho mẹ tôi. Cô ấy cho rằng tôi cho mẹ nhiều hơn mức đề ra vì ngoài tiền lương, tôi còn có thêm tiền thưởng và tiền từ công việc dịch thuật bên ngoài.

Thế nên, thay vì “thành thật khai báo” như trước, tôi phải giấu giếm mỗi khi có khoản thu ngoài để gửi về phụ mẹ nuôi hai em ăn học. Nhưng vợ tôi mỗi khi biết được lại làm mặt lạnh suốt mấy ngày và khơi lại chuyện tôi đã la rầy cô ấy như thế nào khi cô ấy cho tiền gia đình xây nhà.

Tôi đã nhiều lần giải thích rằng tính chất của hai sự việc khác nhau, rằng tôi vẫn gửi đúng số tiền cả ban đầu cả hai thống nhất với nhau và chỉ gửi thêm phần tiền thưởng hoặc tiền tôi kiếm được bên ngoài về cho mẹ nhưng vợ tôi vẫn một mực không nghe và thường xuyên chì chiết tôi về chuyện tiền bạc.

Về phần mẹ tôi, khi biết chuyện lục đục của vợ chồng tôi, bà đã rất buồn và yêu cầu tôi đừng gửi tiền về nhà nữa. Tôi đã phải năn nỉ mẹ rất nhiều lần nhưng bà vẫn cương quyết không nhận nên tôi đành lén lút đưa cho dì tôi để đỡ đần thêm cho mẹ.

Nhiều lúc tôi tự hỏi mình đã làm gì sai mà phải lén lút gửi tiền lo cho mẹ, cho các em của mình? Nhưng rồi tôi vẫn không dám đối mặt để giải quyết những rối ren này…Tôi chỉ mong những người vợ, người mẹ đọc được dòng tâm sự này sẽ hiểu được nỗi lòng của người chồng, người con kính mẹ, yêu vợ như tôi.

THIÊN HƯƠNG (ghi theo lời kể của anh N.T., TP.HCM)

Không chấp nhận suy nghĩ của Bình Nguyên

Cha mẹ nuôi ta lớn khôn cho ăn học cũng chỉ mong khi về già có thể nhờ cậy, nếu sau khi ra trường có nghề nghiệp mà lấy được người vợ không biết lo toan gì cho gia đình chồng thì người ta nói nhà mất phúc đó bạn ạ.

Thiết nghĩ nếu chồng bạn mà biết bạn có những suy nghĩ như thế (trong khi anh ấy lại là một người con có hiếu) thì anh ấy sẽ buồn thế nào. Rồi sau này bạn cũng có con cái, bạn trước đây nhìn thím bạn như thế và đã rút kinh nghiệm, vậy mà tới giờ bạn vẫn bị như thím bạn, bạn có nghĩ sau này còn con cái bạn nữa thì sao, nếu bạn lo lắng, chăm sóc chúng lớn, rồi khi chúng đi lấy chồng lấy vợ, mà lúc đó bạn khó khăn. chúng thì giàu có mà không quay lại giúp bạn được gì thì bạn nghĩ thế nào?

Cuộc sống này “có nhân có quả đó bạn”, vì vậy mình nghĩ bạn lên có lối suy nghĩ thoáng hơn một chút, và có lẽ bạn lên dành tình thương cho gia đình chồng bạn nhiều hơn. khi đó bạn sẽ thấy xấu hổ với những tính toán chi lý của bạn với gia đình chồng.

HIEP

Bạn có đang căng thẳng trong mối quan hệ với gia đình chồng? Bạn có lời khuyên nào cho bạn Bình Nguyên? Mọi ý kiến vui lòng gửi theo công cụ dưới bài hoặc về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments