Bốn chàng trai của Giai điệu mùa thu 2011
TTCT – Trong buổi gặp báo giới để giới thiệu chương trình Giai điệu mùa thu (*) năm nay, NSƯT – nhạc trưởng Trần Vương Thạch (giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), đơn vị tổ chức chương trình) thông báo Giai điệu mùa thu 2011 sẽ được “nhào nặn” bởi bốn nghệ sĩ trẻ đã và đang là những trụ cột mới của HBSO.
Bốn chàng trai của Giai điệu mùa thu 2011
Từ trái qua: Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Trần Nhật Minh và Vũ Việt Anh – Ảnh: Gia Tiến |
Đó là bộ tứ: Nguyễn Phúc Hùng (biên đạo múa, tổng đạo diễn các chương trình của HBSO trong năm 2011), Nguyễn Mạnh Duy Linh (nhạc sĩ, phụ trách phòng hành chính – tổng hợp và điều hành sân khấu các buổi biểu diễn của HBSO), Vũ Việt Anh (nhạc sĩ, phó trưởng phòng tổ chức biểu diễn của HBSO) và Trần Nhật Minh (chỉ huy dàn nhạc, phó đoàn nhạc kịch của HBSO).
Họ đều là khách mời của Giai điệu mùa thu những mùa đầu, nay đã trở về để bắt đầu một sứ mệnh mới…
Hơn 20 năm cho một thế hệ
Không phải đến khi Giai điệu mùa thu 2011 sắp ra mắt, bốn nghệ sĩ trẻ này của HBSO mới bắt đầu hợp lực. Cách đây một năm (tháng 9-2010), Phúc Hải, Phúc Hùng, Duy Linh và Nhật Minh đã chung sức thực hiện thành công vở múa Chuyển, được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả.
Sau thành công đó, kể từ tháng 1-2011, tất cả các chương trình định kỳ của HBSO (ngày 9 và 19 hằng tháng cho công chúng và 29 hằng tháng cho học sinh, sinh viên) đều được ban giám đốc HBSO giao cho những nghệ sĩ trẻ này lên ý tưởng và thực hiện. Vậy nên nếu theo dõi thường xuyên lịch mục mỗi tháng của nhà hát suốt từ đầu năm đến nay sẽ thấy có nhiều tiết mục “lần đầu xuất hiện”, nhiều nét nhạc mới, cách thể hiện mới cùng các tiết mục mang tính đương đại, thể nghiệm nhiều hơn so với mọi năm.
Ví dụ gần nhất là lịch mục trình diễn trong chương trình nghệ thuật đương đại mang chủ đề “Đối thoại” vừa diễn ra tối 9-7 với các tiết mục múa Đối thoại, Hồi tưởng, Nước hay các tiết mục giao hưởng, thính phòng Tranh Đông Hồ, Thăng Long, Độc thoại đều do hai anh em Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Phúc Hải biên đạo và Vũ Việt Anh, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Đỗ Kiên Cường sáng tác nhạc.
Vậy nên không có gì đáng ngại khi Giai điệu mùa thu sau sáu năm ra mắt sẽ lần đầu tiên tập trung khoe tài “người nhà”, những nghệ sĩ trẻ của HBSO.
“Tất cả các nghệ sĩ này đều được đào tạo các môn nghệ thuật hàn lâm từ năm lên ba, lên năm và đã có một khoảng thời gian tu nghiệp lẫn làm việc, trình diễn chuyên nghiệp tại nước bạn. Chúng tôi đã chờ đợi hơn 20 năm cho ngày này. Chúng tôi tin các tài năng trẻ này sẽ mang đến một không khí thưởng thức nghệ thuật hàn lâm hoàn toàn mới, nhiều tính tương tác và hiện đại không chỉ trong Giai điệu mùa thu mà còn ở những chương trình sắp công diễn của nhà hát” – nhạc trưởng Trần Vương Thạch chia sẻ.
“Đương đại” cùng bộ tứ trẻ
Nhiều thành tựu mới, nhưng Giai điệu mùa thu lần này chỉ có thể giới thiệu đến bạn yêu nghệ thuật hàn lâm bốn tiết mục tiêu biểu nhất. Đó là tác phẩm khí nhạc Concerto viết cho violon và dàn nhạc của Nguyễn Mạnh Duy Linh. Tác phẩm này đã mang về cho tác giả giải Nhạc sĩ xuất sắc nhất của Liên hoan âm nhạc quốc tế lần 4 tổ chức tại Chelyabinsk (Nga) nhờ vào tài dùng nhạc cụ violon của phương Tây để mô phỏng làn điệu của đàn nhị VN trong nghệ thuật hát xẩm.
Trong tác phẩm này, Duy Linh đã khéo léo kết hợp hát xẩm, quan họ của VN với các điệu thức của âm nhạc phương Tây thời Trung cổ. Tính hiện đại của tác phẩm này còn được thể hiện ở phong cách âm nhạc giao thoa (crossover) đang thịnh hành hiện nay trên thế giới với một chút jazz ngay trong phần độc tấu của violon. Trong khi đó, tác giả từng được yêu mến Vũ Việt Anh với Mưa phi trường, Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa thu, Đêm nằm mơ phố sẽ mang đến một bất ngờ lớn khi lần đầu giới thiệu tác phẩm giao hưởng Vàng son. Anh nói cổ điển là “mặt khác” trong con người anh (bên cạnh các sáng tác pop).
Lần đầu tiên trên sân khấu của HBSO cũng như Giai điệu mùa thu, khán giả sẽ được thưởng thức trọn vẹn vở nhạc kịch thuộc hàng kinh điển Cavalleria Rusticana với phiên bản hòa nhạc có kết hợp một số thủ pháp sân khấu. “Đây là vở diễn có tên trong tất cả các nhà hát vũ kịch lớn trên thế giới.
Chúng tôi chọn vở diễn này vì nội dung tương đối gần gũi và thời gian không quá dài (hơn một giờ). Vì sân khấu của chúng ta không đủ lớn để có thể dàn dựng thành một vở diễn hoành tráng đúng nghĩa của nó mà chỉ có thể dàn dựng theo phiên bản hòa nhạc có kết hợp một số thủ pháp sân khấu. Tuy nhiên đây sẽ là tiền đề cho các vở diễn sau này của chúng tôi” – nhạc trưởng Trần Nhật Minh, chỉ huy vở diễn, cho biết.
Và có lẽ đây cũng là mùa Giai điệu mùa thu đậm chất đương đại nhất khi tổng đạo diễn trẻ tuổi, biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng đã dành nhiều sự tập trung cho vở múa Từ trường. Không chỉ cất công mời hai người bạn là những vũ công nổi danh của châu Âu: Francesca Imoda (Ý), Samuel Lefeuvre (Pháp), Phúc Hùng còn mời Quách Phương Hoàng (từng có 11 năm tu nghiệp và làm việc tại Pháp, hiện đang công tác tại Nhà hát Vũ kịch Hà Nội), Bùi Ngọc Quân (đang sống và làm việc tại châu Âu) cùng tham gia vở múa.
“Đó là cách chúng tôi giao lưu, chia sẻ lửa nghề với bạn bè, đồng nghiệp của mình” – Phúc Hùng bộc bạch.
Francesca Imoda: “Từ trường” chúng tôi mạnh mẽ hơn! Francesca Imoda (sinh năm 1985) và Samuel Lefeuvre (sinh năm 1981) đều là bạn có thời gian làm việc cùng với Nguyễn Phúc Hùng, Bùi Ngọc Quân và Quách Phương Hoàng tại châu Âu. Vậy nên khi Phúc Hùng ngỏ lời mời Francesca và Samuel về tham gia Giai điệu mùa thu lần này, cả hai đều “gật đầu cái rụp” dù lịch làm việc của họ luôn dày đặc.
Ý tưởng cho Từ trường đã được cả năm thảo luận qua email và Skype từ đầu năm 2011. Gần một tháng trước ngày diễn, Francesca đến VN. Cô đã một mình đi Hà Nội, Hạ Long, Cát Bà, Sa Pa, Ninh Bình… trước khi cùng các đồng nghiệp tập luyện tại TP.HCM. “Trước khi cùng nhau chạy chương trình tại TP.HCM, mỗi chúng tôi đều có ý tưởng và cách thể hiện riêng cho Từ trường. Thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm là: với múa, chúng tôi đã gặp gỡ và có được lực hút vô hình giữa người với người, giữa những người cùng nghề nghiệp và chí hướng… Chính chuyến du lịch VN trước những giờ ráp tập đã giúp tôi hiểu hơn về bạn bè, khán giả cũng như sân khấu sắp tới của mình. “Từ trường” của chúng tôi vì thế sẽ mạnh mẽ hơn” – Francesca thổ lộ. Với Samuel thì: “Tôi đã đến VN cùng Quân năm năm trước để thăm những thắng cảnh nổi tiếng tại miền Bắc và miền Trung. Sau Giai điệu mùa thu lần này, tôi dự định sẽ thăm miền Tây. Vậy nên Từ trường của chúng tôi không chỉ dừng lại sau đêm diễn ngày 18-8. Với những trải nghiệm tại đây, chúng tôi sẽ còn phát triển những gì mà Từ trường gặt hái được theo nhiều hướng nữa trong tương lai. Có thể chúng tôi sẽ tiếp tục cùng hợp tác và cũng có thể mỗi người trong chúng tôi sẽ cho ra đời những tác phẩm riêng dựa trên cái sườn sẵn có của Từ trường”. Nếu như Francesca và Samuel lần đầu “chạm mặt” Từ trường thì nghệ sĩ violon Sergei Sivolgin (sinh năm 1983), học trò của thầy Bùi Công Thành, đã ba lần làm “nhân vật chính” trong tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh. Anh cho biết: “Tôi chơi tác phẩm của Linh lần đầu tại kỳ thi tốt nghiệp của Linh và lần thứ hai tại Liên hoan âm nhạc quốc tế lần 4 tại Nga. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên tôi chơi tác phẩm này ngoài Nga và biểu diễn cùng một dàn nhạc hoàn chỉnh. Vậy nên cảm giác thích thú hơn rất nhiều vì có sự tương tác giữa nghệ sĩ solo và cả dàn nhạc”. Là nghệ sĩ violon 2 của dàn nhạc giao hưởng uy tín nhất Matxcơva hiện nay, Sergei cũng gặp khá nhiều khó khăn để xin nghỉ mười ngày sang VN tập luyện và trình diễn cho Giai điệu mùa thu. “Nếu không phải là sang VN biểu diễn cho người bạn học của mình thì chỉ huy của tôi đã không cho phép tôi vắng mặt lâu đến thế” – Sergei chia sẻ. |
QUỲNH NGUYỄN
__________
(*) Giai điệu mùa thu 2011 công diễn lúc 20g các ngày 17, 18 và 19-8 tại Nhà hát TP.HCM với chủ đề của từng đêm là: Hòa nhạc giao hưởng, Múa ballet cổ điển và đương đại và Hòa nhạc hợp xướng và dàn nhạc.
Source: Báo Tuổi Trẻ