Skip to content

13 Tháng tám, 2011

Danh hiệu và giải thưởng – trao và nhận?

TTCT – 1. Trên toàn cầu thời nay, giải thưởng và danh hiệu không là điều gì đó hiếm hoi. Chỉ riêng danh hiệu, tước vị và giải thưởng mà nữ hoàng Anh trao tặng hằng năm cũng đã lên đến hàng nghìn: tước quý tộc, tước hiệp sĩ, các loại huân huy chương.

Danh hiệu và giải thưởng – trao và nhận?

Mỗi năm hai lần, dịp năm mới và sinh nhật nữ hoàng, báo chí công khai danh sách khoảng 1.350 tên tuổi được lựa chọn. Như vẫn thấy ở nhiều nước, danh sách này ở Anh thường được phê bình, góp ý rất rôm rả. Người phê bình thường nhằm vào một số trường hợp cụ thể chứ không phải là tổng thể hoặc chủ trương chung.

Giải thưởng dành cho tác giả các sản phẩm báo chí – sản phẩm xã hội – luôn được xét và trao một cách nghiêm túc – Ảnh: T.T.D.

Cách tổ chức xét giải cũng không khác nhiều giữa các nước. Với giải thưởng và danh hiệu mang tính quốc gia do nữ hoàng Anh ban tặng, các hội đồng xét duyệt được thành lập và họp thường kỳ hằng năm, thảo luận và quyết định xem ai xứng đáng loại giải thưởng nào và mức danh hiệu nào. Người được đề cử do các tổ chức nhà nước và tư nhân, các cục vụ trong chính phủ hoặc giới chuyên môn đưa ra.

Vòng chung kết, danh sách được hội đồng bỏ phiếu lựa chọn sẽ được đưa lên cho thủ tướng, ngoại trưởng hoặc bộ trưởng quốc phòng chấp thuận (trường hợp được đề cử huân chương công trạng của các ngành nghề) và được trình nữ hoàng phê chuẩn. Ở một số nước, đó là giải thưởng của tổng thống, chủ tịch nước, hoặc như ở Canada là của toàn quyền. Nguyên thủ quốc gia ban tặng danh hiệu cho những người có công trạng đặc biệt trong các lĩnh vực.

Ở ta, thuộc loại này là giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các danh hiệu nghệ sĩ, nhà giáo… Một số văn nghệ sĩ không muốn làm hồ sơ khi được đề cử là có lý riêng – Nhà nước thấy ai xứng đáng thì phong tặng, chứ phải làm hồ sơ “tự phong” thì kỳ quá. Tuy vậy, như ta đã thấy, loại danh hiệu giải thưởng này có yêu cầu thủ tục riêng, và thủ tục khá phổ biến ở nhiều nước.

2. Có những giải thưởng khác về tính chất và ý nghĩa, nhưng cách xét giải cũng không khác nhiều. Ví dụ, giải thưởng Nikkei châu Á của báo Nihon Keizai Shimbun (Nhật) yêu cầu ứng cử viên phải làm hồ sơ.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhà văn Bảo Ninh đã được trao tặng giải thưởng này. Nhiều năm qua, một số nhân vật công chúng của ta đã nhận được mẫu hồ sơ của ban tổ chức để điền vào. Hồ sơ cũng đòi hỏi chữ ký giới thiệu của những nhân vật nổi tiếng trong nước hoặc lãnh đạo của các tổ chức nghề nghiệp. Như vậy mới gọi là hoàn tất thủ tục và sau đó mới được xét giải.

3. Việc xét giải thưởng của các tổ chức nghề nghiệp có thể được thực hiện theo cách khác. Chẳng hạn xét giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn và các ngành nghệ thuật. Hội đồng giải thưởng Hội Nhà văn chỉ nên tập hợp ý kiến đề cử của các nhà xuất bản, các hội địa phương và cá nhân có chuyên môn. Hội đồng phải dựa chủ yếu vào thông tin mình có để không bỏ sót những tác phẩm có giá trị.

Phát hiện tác phẩm xứng đáng là trách nhiệm xã hội giao cho các hội chuyên ngành. Bỏ sót là chứng tỏ chưa đảm bảo năng lực và chưa làm tròn trách nhiệm. Vì vậy việc hội đồng giải thưởng đòi các tác giả phải đăng ký dự giải mới xét là trái với tính chất giải thưởng.

Đây không phải là một cuộc thi thơ hay thi văn xuôi để thí sinh tự nguyện đến ghi tên ứng thí. Đây là giải thưởng định kỳ hằng năm đòi hỏi hội nghề nghiệp phải có con mắt xanh phát hiện, ngay cả khi tác phẩm không được đề cử và khuất lấp đâu đó. Tác giả cũng không được quyền lẩn tránh sự phán xét của hội đồng, một khi đã cho xuất bản tác phẩm của mình và biến nó thành sản phẩm xã hội.

Quyền định giá tác phẩm và trao giải thưởng là của hội chuyên môn, còn sau đó nhận giải thưởng hoặc từ chối nhận là quyền của tác giả. Việc hội đồng đòi tác giả phải đăng ký dự giải thưởng hằng năm thật ra là một cách đối phó sau khi có một vài người từ chối nhận giải thưởng mà thôi.

Giải Nobel văn học được xét trên cơ sở đề cử của hội đồng chuyên môn và bí mật cho đến phút chót. Rất nhiều tác giả bất ngờ khi nhận tin mình được giải. Ngay cả người từ chối giải năm 1965 là Jean Paul Sartre vẫn được ghi danh trong bảng vàng mà hội đồng không hề thấy tổn thương hoặc mặc cảm.

Mỗi giải thưởng có một ý nghĩa và tính chất riêng, đòi hỏi cách tổ chức xét giải riêng. Như đã thấy, cách làm của một số hội nghề nghiệp ở ta lâu nay chưa đúng về phương pháp và cách thức tổ chức, làm suy giảm uy tín của giải thưởng.

NAM SƠN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments