Lộ trình hợp lý cho tuyển sinh đại học
TT – Khi Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu quan điểm “nên thi ĐH bằng nhiều môn chứ không nên quy định cứng nhắc khối thi và môn thi bắt buộc cho từng khối như hiện nay”, mọi người đều hiểu rằng lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thừa nhận sự bất cập của kỳ thi tuyển sinh ĐH hiện hành theo “bốn khối – ba chung”.
Sự kiện & dư luận
Lộ trình hợp lý cho tuyển sinh đại học
Muốn tìm được một giải pháp đổi mới căn cơ thì phải giải quyết một số vấn đề quan trọng về lý thuyết và thực tiễn.
Phụ huynh và người thân trông ngóng thí sinh ở một điểm thi đại học ngày 4-7 – Ảnh: Minh Đức |
Muốn thay thế thi tuyển sinh ĐH “bốn khối – ba chung” bằng một giải pháp khác thì phải vạch rõ kỳ thi này bất hợp lý và bất cập ở chỗ nào để tìm đúng giải pháp thay thế. Thi ĐH với bốn khối kiến thức A-B-C-D chỉ là một giải pháp tình thế thay cho việc phân ban ở trường phổ thông nhưng là một sự phân ban không hợp lý.
Bốn khối này vừa không thích hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông, vừa bất cập với mục tiêu tuyển sinh ĐH. Vì vậy, sự lựa chọn của thí sinh trong thi ĐH nghiêng hẳn về khối A, làm cho khối C với những học vấn rất quan trọng lại trở nên ngày càng thui chột và người ta phải đặt thêm một loạt khối khác (H, K, M, N, R, S, T, V…).
Từ sự bất hợp lý và bất cập đó, sẽ có hai khả năng để lựa chọn giải pháp thay thế: Một là giữ nguyên kỳ thi ĐH như hiện nay, nhưng thay thế bốn khối bằng nhiều môn như ý tưởng của Thứ trưởng Bùi Văn Ga (đồng thời giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay). Hai là xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông phân ban theo định hướng nghề nghiệp hợp lý (thay cho bốn khối thi ĐH hiện nay), đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT để dùng kết quả kỳ thi này cho việc tuyển sinh ĐH.
Cần đổi mới tư duy về quản lý để xem xét vấn đề tuyển sinh và đào tạo ĐH theo cơ chế thị trường. Việc tổ chức kỳ thi ĐH “bốn khối – ba chung” chính là hệ quả của lối tư duy theo cơ chế quan liêu bao cấp, với quan điểm cho rằng tất cả các trường ĐH trong nước đều phải có một trình độ đầu vào thí sinh ngang nhau, để đào tạo giống nhau và cấp bằng tốt nghiệp có giá trị như nhau ở đầu ra giữa các trường.
Lối tư duy đó đã trở nên lạc hậu khi kinh tế, xã hội vận hành theo cơ chế thị trường. Cả giáo dục cũng bắt đầu theo cơ chế đó (từ khi các trường ngoài công lập được thừa nhận). Trong cơ chế thị trường, người ta phải chấp nhận những sự khác nhau về trình độ đầu vào, về quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra của các loại hình trường học khác nhau.
Giá trị bằng cấp của các trường không phải do cơ quan chính quyền xác nhận mà do những người tuyển dụng nguồn nhân lực đánh giá. Các trường phải tự tìm giải pháp để tồn tại, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình qua giá trị của bằng cấp, trong sự cạnh tranh giữa các trường với nhau. Vì thế ở các nước tiên tiến không nơi nào có kỳ thi ĐH với “bốn khối – ba chung” và một điểm sàn duy nhất như ở nước ta. Việc tuyển sinh cũng như mọi hoạt động khác của các trường ĐH ở các nước đó hoàn toàn do mỗi trường tự quyết định.
Từ những phân tích trên có thể thấy rõ việc đổi mới tuyển sinh ĐH cần đi theo một lộ trình hợp lý như sau: xây dựng lại chương trình giáo dục phổ thông phân ban theo định hướng nghề nghiệp, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình này (thi tất cả các môn nhưng phân biệt các ban bằng hệ số điểm và thời lượng môn thi, đồng thời áp dụng những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo kết quả thực chất).
Tiếp đó dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chuẩn tuyển sinh ĐH; bãi bỏ kỳ thi quốc gia tuyển sinh ĐH, trao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ hay trung cấp tự quyết định (dùng ngay bằng tốt nghiệp THPT và bảng điểm để tuyển, hay cho kiểm tra lại kiến thức phổ thông, trắc nghiệm thêm về khả năng học ĐH hoặc cho thi thêm một số môn năng khiếu…). Để việc đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới tuyển sinh ĐH nói riêng có kết quả và hiệu lực bền vững, mỗi bước đi trên lộ trình này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học và áp dụng một cách thận trọng.
TS LÊ VINH QUỐC
HOÀNG HƯƠNG ghi
TS PHAN THỊ TƯƠI (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – ĐH Quốc gia TP.HCM): Một năm có thể tổ chức 2-3 lần thi Thi ĐH nên cải tiến theo hướng nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn, một năm có thể tổ chức 2-3 lần để tạo điều kiện cho các thí sinh có nhiều cơ hội thử sức. Nếu tuyển sinh ĐH theo hình thức “ba chung” như hiện nay thì vẫn rất cần thiết có điểm sàn. Sau khi có điểm sàn, tùy từng mục tiêu đào tạo của mình, các trường sẽ xét điểm chuẩn hoặc tự tổ chức thêm một môn nào đó phù hợp với đặc thù đào tạo của mình. Việc chia ra các khối thi A, B, C… cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ, ĐH kiến trúc không nhất thiết phải thi khối A. Theo tôi, cần nghiên cứu lại để có các khối thi phù hợp hơn. |
Source: Báo Tuổi Trẻ