Đám cưới ngập tràn tình yêu của một người tù chung thân
Nhiều năm đã trôi qua, nhưng những cán bộ từng công tác ở trại giam Z30D vẫn nhớ mãi về câu chuyện tình đẹp và đầy cảm động của Châu Phú – một phạm nhân của trại trước đây.
Phạm tội giết người, cướp của khi đang là sinh viên của trường ĐH Sư phạm Huế, phải nhận mức án tù chung thân, đến tận 16 năm sau – khi đã gần 40 tuổi, anh mới được trả tự do, trở về với cuộc sống đời thường.
Thế nhưng bất chấp quá khứ tù tội ấy, bất chấp những năm tháng dài mòn mỏi tưởng không bao giờ kết thúc, có một người con gái vẫn chờ đợi anh trở về để cùng anh chung tay xây dựng hạnh phúc. Đám cưới của anh – một đám cưới không có chú rể – một đám cưới vui buồn lẫn lộn nhưng đẹp như cổ tích – sẽ mãi được lưu truyền ở Z30D như một huyền thoại về những tình yêu đích thực nở hoa sau song sắt nhà tù.
Ngày tội lỗi định mệnh của chàng sinh viên Huế
Cuộc đời của người đàn ông này sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu anh cứ đi đúng con đường mà anh đã đi và không rẽ sang một ngã rẽ bất ngờ nào khác: sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, thông minh, học giỏi và là chàng sinh viên khoa Văn của trường Đại học Huế, lẽ ra Châu Phú đã là một thầy giáo dạy Văn, là người có một nghề nghiệp được cả xã hội kính trọng.
Nhưng năm 1985, khi đang bước từng bước trên con đường thênh thang đó, Châu Phú bất ngờ bỏ sang một ngã rẽ khác. Tôi tin là suốt nhiều năm qua, có lẽ chính anh cũng không bao giờ giải thích được tại sao anh lại có những hành động nông nổi và sai lầm như thế. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, không thể đổ lỗi cho sự bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ, không thể đổ lỗi cho số phận, Châu Phú đã phải trả một cái giá đắt cho sai lầm định mệnh của cuộc đời mình.
Ngày ấy, trong lứa bạn đồng môn, Châu Phú có chơi thân với một người bạn tên là Trần Kim Hùng, cũng là sinh viên khoa Văn trường Đại học Huế. Những năm 1980, đất nước còn đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn, có một bộ phận nhỏ người Việt Nam luôn ấp ủ ý định vượt biên vì mơ mộng về một miền đất hứa ở chân trời mới. Châu Phú và Trần Kim Hùng cũng là một trong số đó. Sự nông nổi của tuổi trẻ khiến cả hai anh đều mơ về ngày được đổi đời. Nhưng để vượt biên chẳng phải chuyện dễ. Muốn đi, mỗi người ít ra cũng phải nộp vài cây vàng cho các “cò” trong đường dây vượt biên ra nước ngoài.
Trong lúc bế tắc vì không có tiền đi vượt biên, Trần Kim Hùng đã nghĩ đến người dì họ của mình ở trong Sài Gòn – một người đàn bà giàu có sống ở Sài Gòn và nung nấu ý định cướp tài sản của dì. Hùng đã rủ Châu Phú cùng tham gia. Hai người thanh niên trẻ sinh viên năm thứ 3 khoa Văn ĐH Huế vào Sài Gòn, đến thăm người dì giàu có với lí do “đi chơi”.
Không một chút mảy may nghi ngờ, người phụ nữ ấy đã đón tiếp hai đứa cháu nồng nhiệt và hiếu khách hết mức có thể, thậm chí cho tiền, cho xe để đi chơi quanh đất Sài thành. Nhưng một buổi sáng, khi cả nhà đi vắng, chỉ còn dì Hùng ở nhà, Hùng và Châu Phú đã bắt trói người đàn bà vô tội ấy rồi siết cổ cho đến chết. Sau khi gây án xong, cả hai phá két, cướp đi toàn bộ tài sản có trong đó rồi bỏ trốn.
Không khó để Công an TP.HCM điều tra được hung thủ thực sự của vụ án. Chỉ vài ngày sau, trong lúc lang thang tìm đường vượt biên, Trần Kim Hùng và Châu Phú đã bị đội săn bắt cướp của Công an TP.HCM bắt giữ. Ước mơ “đổi đời” ở miền đất mới tan tành, cánh cửa tương lai coi như khép lại vĩnh viễn.
Ngày bị đưa ra xét xử, Trần Kim Hùng bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình, Châu Phú bị xử mức án tù chung thân. Điều kỳ lạ là cả Châu Phú và Trần Kim Hùng đều không kháng cáo, bất chấp mức án mà cả hai nhận phải. Lý do duy nhất khiến hai người thanh niên trẻ tuổi này cúi đầu chấp nhận bản án của mình chính là sự cắn rứt đến tận cùng của lương tâm.
Những ngày nằm trong trại tạm giam, hai chàng sinh viên văn khoa Huế đã bàng hoàng với chính mình, khi nghĩ lại những việc làm tồi tệ mà mình đã gây ra. Càng ân hận, càng day dứt bao nhiêu, họ càng mong được đền tội bấy nhiêu, để lương tâm được thanh thản. Chính vì thế, họ chấp nhận mọi sự trừng phạt của pháp luật: với Trần Kim Hùng là bản án tử hình; với Châu Phú là án tù chung thân.
Khoảnh khắc kì diệu khi lương tri thức tỉnh
Những ngày bị giam trong trại giam Chí Hòa, Châu Phú đã lần đầu tiên nếm trải thế nào là cuộc sống tù tội – những cái đó khi còn là chàng sinh viên năm thứ 3 ở Huế – Châu Phú chưa bao giờ tưởng tượng ra. Và nếu biết cái giá phải trả đắt đến thế, thì hẳn anh sẽ không bao giờ dám làm lại những việc đó – dù chỉ là trong ý nghĩ.
Vào tù, Châu Phú để lại một người mẹ già chết đứng chết ngồi, khóc từ ngày này sang ngày khác khi nghe tin đứa con trai hiền lành mà mình đặt kì vọng bấy lâu phạm tội giết người. Vào tù, Châu Phú để lại một cô người yêu xinh đẹp vẫn còn chưa hết bàng hoàng, không dám tin vào sự thật bẽ bàng rằng người yêu mình là một kẻ sát nhân.
Những ngày ở trong trại giam, người thanh niên trẻ tuổi ấy đã thấm thía đủ nỗi đau khi hiểu rằng mình không chỉ đánh mất đi tương lai, không chỉ đánh mất đi tự do, đánh mất đi hạnh phúc của mình; anh hiểu rằng những việc anh gây ra cũng là đòn đánh chí mạng đối với những người yêu thương anh. Có rất nhiều đêm nằm trong trại tạm giam, Châu Phú đã tuyệt vọng đến mức không còn tha thiết cuộc sống. Cảm giác ăn năn, hối hận và sự bi quan bủa vây cuộc đời của anh khi anh mới ngoài 20 tuổi
Sau khi thành án, Châu Phú được chuyển về thi hành án phạt tù tại trại giam Z30D. Thời gian đầu mới về trại giam, trong tâm trạng của một kẻ hoàn toàn mất phương hướng vào cuộc sống, Châu Phú vô cùng chán chường, tuyệt vọng. Nhớ mẹ, nhớ người yêu đến quay quắt, suốt một giai đoạn dài, Châu Phú nung nấu ý định trốn trại.
Bất cứ ai đến trại giam Z30D đều bị ấn tượng bởi những khu rừng trải dài bao bọc lấy trại. Từ đầu cổng trại vào đến phân trại cuối cùng dài đến 10km, xung quanh toàn là rừng cây. Ngày Châu Phú mới vào trại, đồng chí Hồ Thanh Đình là Phó Giám thị của trại (hiện ông là Tổng cục Phó Tổng cục VIII – Bộ Công an). Cái tâm trong sáng và tấm lòng của Phó Giám thị Hồ Thanh Đình chính là động lực khiến Châu Phú bừng tỉnh.
Tháng 7/1994, rừng bạch đàn của trại giam Z30D xảy ra một vụ cháy lớn giữa giờ phạm nhân lao động trong rừng. Do thiếu kinh nghiệm, một số phạm nhân vì quá hoảng loạn đã chạy không định hướng và lao vào giữa đám cháy, để rồi bị ngất xỉu vì ngạt khói. Bao đời nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của người quản giáo trại giam là giam giữ và cải tạo phạm nhân.
Nhưng trong tình huống đó, tính mạng của từng người tù đang bị bủa vây giữa đám cháy được đặt lên trên hết. Không một quản giáo nào nghĩ đến việc quản lý những tù nhân còn lại. Tất cả đều lo lắng tìm cách cứu người. Châu Phú cũng có mặt trong số phạm nhân hôm đó. Và anh nhận ra ngay đây chính là thời cơ cho cuộc vượt ngục của mình – thời cơ có một không hai để thoát khỏi ngục tù.
Vì thế, trong lúc tất cả các phạm nhân đang tìm cách giúp các cán bộ quản giáo cứu người, thì Châu Phú núp vào một bụi rậm, lên kế hoạch chạy chốn. Nhưng chính thời khắc đó, cuộc đấu tranh sinh tồn trong con người anh, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu bỗng bùng lên dữ dội, bởi có một sự việc bất ngờ xảy ra, đã khiến Châu Phú không thể làm ngơ.
Hôm đó, khi thấy có những phạm nhân đang bị ngọn lửa hung thần đe dọa mạng sống, Phó Giám thị Hồ Thanh Đình đã lao vào biển lửa cõng một người trên lưng, còn một tay xốc vai một phạm nhân khác. Cứu được 2 phạm nhân ra, cũng là lúc chân của Hồ Thanh Đình bị bỏng nặng. Nhưng khi biết vẫn còn một phạm nhân kẹt lại trong đám cháy, không một chút chần chừ, ông lại tiếp tục lao vào.
Lúc đó, có một người đã khuyên ông: “Đừng vào đó nữa, nguy hiểm lắm. Chỉ còn một phạm nhân trong đó, chưa chắc ông đã tìm được. Ông vào đó còn có thể nguy hiểm đến tính mạng”. Nhưng Hồ Thanh Đình đã đáp lại: “Phạm nhân thì cũng là con người. Còn hi vọng thì còn phải cứu. Là cán bộ, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ họ”. Nói rồi ông lao vào giữa biển lửa, tìm cách cứu phạm nhân thứ 3. Và vị Phó Giám thị can đảm ấy đã xả thân mình, bất chấp nguy hiểm tính mạng, lao vào trong đám cháy đang bùng lên mỗi lúc một dữ dội.
Lúc ấy, đứng trong bụi rậm, Châu Phú đã nghe được những lời nói đó của Phó Giám thị Hồ Thanh Đình – những lời nói khiến lương tri của Châu Phú thức tỉnh. Và khi thấy vị Phó Giám thị ấy xốc người phạm nhân cuối cùng trên vai lao ra khỏi biển lửa và ngất đi ngay sau đó vì kiệt sức và bị ngạt khói, thì Châu Phú đã tỉnh ngộ. Lúc đó, cuộc chiến giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác đã kết thúc trong con người Châu Phú. Cái thiện cuối cùng đã thắng. Là cựu sinh viên Văn khoa, dù có gây ra tội ác gì, Châu Phú vẫn biết yêu cái đẹp, trân trọng cái đẹp.
Và cái đẹp mà Châu Phú chứng kiến ngày hôm đó – cái đẹp trong nhân cách và sự dũng cảm của Phó Giám thị Hồ Thanh Đình – một cái đẹp nở bừng và tỏa sáng trong hiểm nghèo, trong lằn ranh sinh tử – đã khiến tâm hồn Châu Phú bị xúc động dữ dội. Không còn một chút day dứt, băn khoăn, Châu Phú bước ra khỏi bụi rậm, cùng lao vào dập lửa, cứu rừng, cứu trại với các cán bộ quản giáo và các phạm nhân khác có mặt ở đó.
Khi bước ra khỏi bụi rậm, tôi tin Châu Phú đã hiểu rằng điều đó đồng nghĩa với việc một “cơ hội nghìn năm có một” để trốn trại như thế sẽ không bao giờ đến với anh một lần nữa. Tôi tin lúc đó anh đã hiểu bước ra – nghĩa là anh đã chọn sẽ ở lại và trả bằng xong món nợ của mình với pháp luật, với lương tri. Nhưng tôi cũng tin anh đã hoàn toàn hạnh phúc và thanh thản khi quyết định hành động như thế.
Sau này có dịp tâm sự với các cán bộ trại Z30D, Châu Phú đã nói, khi thấy Phó Giám thị Hồ Thanh Đình lao vào đám cháy cứu phạm nhân, Châu Phú đã vô cùng hổ thẹn khi nhìn lại mình. Lúc đó, cái thiện trong anh đã lên án anh: lẽ nào anh lại tranh thủ lợi dụng lúc những người bạn tù đang gặp nguy hiểm để trốn trại, để lo phần hạnh phúc và tự do của riêng mình?
Lẽ nào anh lại làm một việc đê hèn là bỏ trốn – khi chứng kiến một vị lãnh đạo trại giam lao vào biển lửa, bất chấp nguy hiểm tính mạng để cứu một người tù như anh? Hành động của Phó Giám thị Hồ Thanh Đình trong lúc giờ phút ngàn cây treo sợi tóc đã cảm hóa được Châu Phú.
Hành động đẹp và dũng cảm ấy đã có giá trị giáo dục với Châu Phú mạnh mẽ hơn mọi sự giáo dục anh nhận được trong trại giam. Cái khoảnh khắc khi chứng kiến cử chỉ cao đẹp của Phó Giám thị Hồ Thanh Đình mãi mãi là một khoảnh khắc đẹp và đầy định mệnh trong cuộc đời Châu Phú.
“Em mãi là cô dâu đẹp nhất”
Sau lần đó, vì dũng cảm chữa cháy, Châu Phú bị rất nhiều vết bỏng trên người. Nhưng đổi lại, Châu Phú được khen thưởng vì đã có tinh thần xả thân trong đám cháy. Và phần thưởng mà Ban Giám thị Z30D dành tặng cho anh là một món quà không thể ý nghĩa hơn với anh vào thời điểm đó: 8 giờ quý giá được gặp gỡ người yêu trong phòng hạnh phúc trại giam.
Trước khi vào trại giam, Châu Phú có một mối tình đẹp với Ngọc Điệp, cô gái sinh ra và lớn lên ở cao nguyên Lâm Đồng. Đều là sinh viên khoa Văn, đều đang trên con đường trở thành những người thầy, người cô đứng trên bục giảng, Châu Phú và Ngọc Điệp đã yêu nhau và cùng nhau kì vọng vào một tương lai hạnh phúc. Nhưng cuộc đời của anh chị đã rẽ sang hai hướng hoàn toàn khác nhau: chị trở thành một cô giáo dạy Văn ở xứ sở cao nguyên, còn anh trở thành một phạm nhân tù chung thân sau một vụ trọng án giết người, cướp của.
Tội lỗi mà anh phạm phải, cái án tù chung thân mà anh mang trên người tưởng như đã vĩnh viễn chia cách cuộc đời anh và người con gái ấy. Vào tù, nghĩ đến thân phận tù tội của mình, nghĩ đến tương lai mịt mờ, chẳng có ngày về của mình, anh đã nghĩ mình không còn xứng đáng với chị nữa.
Những lần chị lên thăm nuôi anh, anh từ chối không gặp, dù lúc đó lòng anh quặn thắt. Trong lá thư viết về cho người yêu, anh khuyên chị đi lấy chồng. Anh tránh mặt chị và tránh luôn cả tình yêu chị dành cho anh, bởi sâu thẳm trong trái tim anh, anh hiểu rằng anh không còn xứng đáng với một người con gái như chị. Nhưng chị thì không nghĩ thế…
Ngày nhận được tin anh phạm tội giết người, chị như chết cả cõi lòng. Giận thì giận, nhưng thương thì vẫn thương. Chị giận anh gây ra tội lớn để đến nỗi tương lai bị hủy hoại, chị giận anh làm cho mẹ già đau khổ, gia đình tan nát. Nhưng chị biết, dù anh có như thế nào, thì tình yêu chị dành cho anh vẫn không hề thay đổi.
Bất chấp những lời khuyên nhủ của anh, bất chấp mọi khó khăn, mọi điều tiếng có thể gặp phải, chị vẫn dành trọn tình yêu cho anh, vẫn quyết tâm giữ trọn lời thề thiêng liêng của mình.
Ảnh minh họa |
Khi gặp anh trong bộ quần áo phạm nhân, chị đã nói chị sẽ đợi anh đến ngày anh trở về, để cùng anh xây dựng lại hạnh phúc và bắt đầu tìm kiếm tương lai. Tình yêu mà chị dành cho anh đã khiến anh không biết bao lần ứa nước mắt vì xúc động. Những ngày ở trong trại giam, chị là niềm hi vọng của anh, là hạnh phúc của anh, là tất cả những gì tươi sáng nhất mà anh có khi nghĩ đến ngày trở về.
Yêu anh, chị bỏ qua không biết bao nhiêu người đàn ông theo đuổi chị – những người đàn ông ấy hơn hẳn anh: họ có nghề nghiệp, có tư cách, có tương lai và không phải một kẻ tù tội, chỉ có điều họ không làm cho trái tim nhỏ bé của chị rung động như anh đã làm. Yêu anh, chị dành dụm từng đồng lương ít ỏi của mình để thăm nuôi anh trong trại giam, để mua cho anh vài gói bánh, gói kẹo, và cân cá khô. Yêu anh, chị tình nguyện thay anh chăm sóc người mẹ già đang héo mòn đi mỗi ngày ở xứ Huế xa xôi vì thương nhớ đứa con tội lỗi.
Anh chẳng dám nhờ cậy chị, nhưng tự chị đã không ít lần vượt gần 1000km từ Đà Lạt ra Huế để gặp gỡ mẹ anh, động viên mẹ anh, để chăm sóc bà. Tội bất hiếu của anh với mẹ, chính chị là người gánh vác. Anh không thể chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ già, chị ở ngoài vừa đi dạy học, vừa tranh thủ thức thâu đêm đan len kiếm thêm tiền nuôi dưỡng mẹ anh.
Chị chưa làm dâu nhà anh, chưa được gia đình anh mang trầu cau đến ăn hỏi, nhưng chị đã coi mẹ anh như mẹ chị. Chưa về làm dâu nhà anh, chị vẫn chăm sóc mẹ anh chu đáo không kém bất cứ người con dâu hiếu thảo nào. Tình yêu thương mà chị dành cho anh, khiến tất cả những người được chứng kiến phải khâm phục và ngỡ ngàng.
Anh đi tù 10 năm, là 10 năm chị mòn mỏi chờ anh, bất chấp tuổi thanh xuân của mình trôi đi vùn vụt, vậy mà chưa một lần nào chị thấy nao núng, thấy hoang mang, nghi ngờ vào sự lựa chọn của mình.
10 năm con trai đi tù, là 10 năm mẹ anh sống trong đau khổ. Nỗi đau đã đánh gục bà, khiến bà hoàn toàn suy sụp sau 10 năm chờ đợi, khiến bà không thể đợi được đến ngày chờ đợi đứa con trai lầm lỡ trở về. Khi biết mẹ anh đã sắp gần đất xa trời, chính chị là người đề nghị với anh một đám cưới chạy tang. Đám cưới của anh chị đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cả trại giam Z30D.
Đám cưới có đủ lễ nghi, đủ thủ tục, cô dâu được rước từ Đà Lạt về Huế. Nhưng đám cưới ấy không có chú rể. Ngày chị về làm dâu nhà anh, chỉ có mẹ anh nghẹn ngào đón chị trong mừng tủi. Ngày hôm đó, trong trại giam, anh nhận được lẵng hoa chúc mừng của Ban Giám thị trại, nhận được lời chúc phúc và quà cưới của các bạn tù mà ứa nước mắt.
“Đêm tân hôn”, chú rể – là anh – nằm trong trại giam và òa khóc, vừa vì hạnh phúc nghẹn ngào, vừa vì xót xa ân hận, vừa vì biết ơn, vừa vì yêu thương mãnh liệt. Không được ở bên chị trong ngày cưới, nhưng với anh, chị mãi là cô dâu đẹp nhất.
“Đêm tân hôn”, cô dâu – là chị – cặm cụi ngồi chăm sóc mẹ chồng thâu đêm suốt sáng, cố nuốt ngược nước mắt vào lòng để quên đi nỗi cô đơn không thể nói được thành lời trong ngày vu quy của mình. Thế nhưng chị vẫn biết mình đúng khi làm theo lời trái tim mách bảo. Chị đã ở bên mẹ anh, chăm sóc bà những ngày cuối đời, thay anh bù đắp một phần chữ Hiếu của phận làm con mà anh đã không thực hiện được.
Tôi không biết anh là người đàn ông may mắn đến thế nào mới có được một người phụ nữ nhân ái và hi sinh đến thế trong cuộc đời mình. Nhưng tôi tin anh là người hiểu rõ hơn ai hết sự may mắn và hạnh phúc của mình, là người trân trọng hơn ai hết người phụ nữ mà số phận ban tặng cho anh. Suốt những năm anh ở tù, chị vẫn đều đặn thăm nuôi anh, vẫn là người vợ tuyệt vời của anh.
Vài tháng một lần, chị xuống trại giam thăm anh. Họ gặp nhau trong căn phòng hạnh phúc của trại giam và trân trọng từng phút giây hạnh phúc ngắn ngủi mà họ có trong suốt những năm tháng dài sống trong xa cách.
Căn phòng hạnh phúc giản dị trong trại giam Z30D chính là nơi đã chứng kiến tình yêu của anh chị, nơi đã chứng kiến sự chờ đợi, sự hi sinh và lòng nhân ái vô tận của chị dành cho anh. Căn phòng hạnh phúc ấy cũng là nơi chứng kiến chị bật khóc khi anh thông báo cho chị anh sắp được tự do.
Năm 2002, cuối cùng thì ngày hạnh phúc của anh chị cũng đến. Ngày đó, chị đứng ở cổng trại đón anh, đưa anh về và bắt đầu cùng anh làm lại cuộc đời, vượt qua những sai lầm và vấp ngã, vượt qua những nỗi đau và mất mát.
Chị đã đợi được anh về, cùng anh vượt qua 16 năm dài tù tội. Chẳng có lí do gì khiến họ nghi ngờ vào hạnh phúc mà họ sẽ có sau này, sau khi đã cùng nhau trải qua một chặng đường dài gian khổ đến thế. Đó chính là món quà mà cuộc sống dành cho chị, người phụ nữ với tình yêu vĩ đại và đức hi sinh phi thường. Đó là một cái kết đẹp dành cho chị và anh – một cái kết đẹp cho một mối tình đích thực phía sau song sắt nhà tù.
Theo Phunutoday
Source: Zing