Giao tiền chợ cho người giúp việc
“Có nên đưa tiền đi chợ hàng ngày cho người giúp việc, vì vợ chồng mình đi làm từ sáng đến tối, không có thời gian đi mua thức ăn tươi hàng ngày?” – Chị Hà Linh, một nhân viên văn phòng gửi email tham khảo ý kiến bạn bè.
Trong khi đó, mẹ chị Hà Linh bảo: “Không nên để người giúp việc dính líu đến tiền bạc trong nhà, dễ sinh chuyện”. Lời của mẹ chị Hà Linh xuất phát từ thực tế hầu hết người giúp việc đều không gắn bó lâu năm với một gia đình, kiểu người có thâm niên cả chục năm chỉ ở trong một gia đình như trước đây giờ rất hiếm. Mà người giúp việc theo trào lưu mới hiện nay chỉ khoảng vài tháng hay một hai năm là lại đổi chỗ làm, có người đến vài ngày rồi đi, không đủ niềm tin làm sao có thể giao phó tiền nong.
Trò chuyện với nhiều gia đình trong hoàn cảnh cả nhà cùng đi làm suốt ngày mới thấy rõ khó khăn trong quản lý và ứng xử với người giúp việc quanh vấn đề tiền bạc và công việc. Vì lúc này người giúp việc không chỉ làm công việc dọn dẹp, mà họ trở thành người quán xuyến mọi chuyện trong gia đình, thậm chí thay mặt cả chủ nhà nhận các thư từ, thông báo của chính quyền địa phương, thanh toán tất cả hoá đơn điện thoại, điện, nước…
Chị Hà Linh cũng đã từng bị cô bé giúp việc trước đó, cầm tiền đi chợ, nhưng luôn bớt xén 10.000 – 20.000 đồng mỗi ngày để mua vé số hoặc đánh đề, mà đến hơn ba tháng chị mới phát hiện ra. Nhưng nếu không giao tiền cho người giúp việc, thì quả thực những người như chị Hà Linh không có thời gian để đi chợ hàng ngày đã đành, mà các khoản cần đến tiền khác như bếp đang nấu hết gas, hàng xóm quyên góp cho người bệnh cấp cứu vào bệnh viện… nếu chờ đến chị về mới dùng tiền chi trả thì lại lỡ việc.
Theo quan điểm quản lý chặt chẽ, anh Quang Thân, ngụ quận Gò Vấp lại có những bực bội khác. Anh chia sẻ: “Người giúp việc chỉ làm việc nhà, nên ngay cả bữa sáng mình cũng phải đi mua về cho ăn, vì cô này lấy lý do không quen cầm tiền, không biết mua, ở quê lên nên không biết đường…”.
Đó là chưa kể mỗi ngày bà xã anh phải tranh thủ đi làm về tạt qua chợ mua chút rau, thịt, cá tươi cho bữa chiều, mỗi tuần đều đi siêu thị mua thức ăn dự trữ cho nhiều ngày, hàng tháng anh phải canh ngày chia việc với đồng nghiệp để có thể đi làm muộn hơn một chút thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền đổ rác…
Anh Quang Thân kể: “Không giao được việc quán xuyến nhà cho người giúp việc vì cứ vài tháng người này nghỉ, kiếm người khác vào, mỗi người lại một tật khác nhau. Người có thói quen hễ đi chợ là cả buổi mới về, giải thích là phải đi hết vòng chợ xem hàng rồi mới quyết định mua, người thì đi chợ về luôn đem theo đủ các chuyện nhà hàng xóm nên không rõ chuyện nhà mình cô ta có mang ra trao đổi không…”.
Bà Nguyễn Thị Thu, năm nay 46 tuổi, ở quận Tân Bình có kinh nghiệm riêng trong cách giao tiền cho người giúp việc. Đó là chỉ giao khi biết rõ sẽ mua gì, và mức chi phí là bao nhiêu. Cụ thể giao tiền chợ cho người giúp việc hàng ngày, bà luôn theo dõi giá cả mớ rau, con cá, ký thịt để biết chắc không bị bớt xén tiền bạc. Kế đến bà chủ động dắt người giúp việc đến làm quen ở các điểm bà thường mua hàng, và yêu cầu phải mua hàng ở những nơi này. Lúc rỗi rãi tranh thủ gọi điện thoại cho các chủ bán hàng quen biết là bà nắm rõ người giúp việc đã mua sắm như thế nào. Quan điểm của bà Thu là: “Mình là chủ nhà, cũng là người quản lý, như trong làm việc thì người quản lý phải am hiểu mới ra lệnh và giám sát nhân viên được”.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Source: Báo Dân Trí