Có cần phải như thế không?
TT – Mấy hôm nay cả nước lại bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH. Đây là kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời học sinh, vì kỳ thi sẽ quyết định số phận của tất cả: ai sẽ thành kỹ sư, bác sĩ, ai sẽ thành công nhân, chuyên viên…
Có cần phải như thế không?
Vì thế tất cả guồng máy xã hội như ngưng đọng lại để phục vụ cho kỳ thi của gần 1 triệu thí sinh này.
Trong buổi thi môn Hóa tai một điểm thi ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh đã mệt mỏi gục xuống bàn – Ảnh NHƯ HÙNG |
Cả nước diễn ra một cuộc chuyển cư vĩ đại của gần 2 triệu người (nếu một thí sinh có ít nhất một thân nhân đi kèm) bằng đủ loại phương tiện: xe đạp, xe lôi, xuồng ba lá, xe gắn máy, xe đò, tàu lửa, tàu thủy, máy bay… từ các tỉnh ào ạt đổ về các thành phố lớn. Thành phố hằng ngày đã kẹt xe, mấy hôm nay lại còn kẹt kinh khủng.
Thí sinh căng thẳng, nhiều em ngất xỉu trong phòng thi. Bên ngoài các bậc phụ huynh ngồi đợi con cũng thấp thỏm không kém…
Có bao giờ chúng ta giật mình tự hỏi: Có cần phải như thế không? Có nước nào làm như thế không? Một kỳ thi tổ chức căng thẳng, tốn kém như thế có tìm được đúng người có khả năng không? Có làm cho chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta cao hơn hẳn các nước khác không?
Câu trả lời tán thưởng chắc chắn là không nhiều.
Học sinh vừa mới trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT với tỉ lệ hơn 95% tốt nghiệp. Bây giờ lại phải thi một kỳ nữa cũng chương trình ấy, để làm gì?
Việc thi đại học với ba môn thi vốn là một sản phẩm thời chiến, thế mà không hiểu sao đến hơn 40 năm nay vẫn chưa bỏ? Khối A, khối B, khối C… khối nào cũng lệch.
Trước hết là lệch tỉ lệ: hơn 50% thí sinh thi vào khối A, số còn lại thi vào các khối khác, trong đó chỉ 5% thi vào khối C. Thế thì chia để làm gì? Thứ hai là lệch về kiến thức: có nhiều thí sinh khối A điểm rất cao nhưng nói và viết không nên câu, một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. Thế thì làm sao làm việc được trong các doanh nghiệp hiện đại, làm sao mà quan hệ với nước ngoài?
Còn khối C thì càng lệch hơn nữa, toàn thi các môn xã hội, nên dù có điểm cao nhưng tư duy vẫn có thể không mạch lạc vì thiếu kiểm tra môn toán. Rồi ngoại ngữ không biết thì làm sao tiếp cận được với thông tin toàn cầu?
Nhưng những điều vô lý ấy vẫn cứ tiếp tục tồn tại hàng mấy chục năm nay như thế.
Làm thế nào để thí sinh đỡ phải căng thẳng, gia đình và xã hội khỏi tốn kém mà vẫn đạt mục tiêu của tuyển sinh?
Tôi thấy đơn giản nhất là cứ tìm hiểu kinh nghiệm của các nước phát triển về giáo dục, rồi châm chước mà học tập theo họ, đừng sáng tạo, mò mẫm thử nghiệm làm gì cho mất công và lại phải trả giá.
Theo đó, chúng ta chỉ cần tổ chức kỳ thi quốc gia với nhiều môn, chia ra thành 2-3 đợt. Học sinh nào thích thi kỳ nào thì đăng ký kỳ đó, chưa chuẩn bị kịp kỳ này thì thi kỳ sau. Học sinh có thể dựa vào kết quả kỳ thi đó để biết năng lực của mình mà chọn học hoặc thi vào trường đại học phù hợp. Học sinh giỏi thì có thể thi vào các trường tốp trên. Học sinh trung bình, trung bình khá thì có thể ghi danh vào các trường đại học tốp dưới, đại học ngắn hạn hay học các trường trung học chuyên nghiệp tùy sở thích và điều kiện.
Các trường đại học nên mở rộng đầu vào và thắt chặt hơn đầu ra để đảm bảo chất lượng và tạo cơ hội cho sinh viên cố gắng. Tăng cường đào tạo tín chỉ, liên thông để sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp.
Chúng ta hòa nhập quốc tế ngày càng sâu rộng về nhiều mặt, nhưng giáo dục là một trong những lĩnh vực trì trệ nhất vì tư duy thời bao cấp vẫn chi phối nặng nề đến tận bây giờ.
ĐOÀN LÊ GIANG (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM)
Source: Báo Tuổi Trẻ