Ứng xử với tình huống trớ trêu khi đi xin việc
Bạn không hề biết đó là nhà tuyển dụng của mình và đã có những lời lẽ bất lịch sự trong thang máy, tranh cãi lẫn nhau trên đường đến văn phòng hay từng mâu thuẫn khi chạm mặt ở chỗ để xe…
– Không hợp với người quản lý
Mối quan hệ giữa bạn và người quản lý là rất quan trọng nếu bạn muốn có sự phát triển tốt trong nghề nghiệp. Vì vậy, ngay cả khi đã qua mọi vòng thi và được nhận vào làm việc, nếu cảm thấy bạn và sếp mới thực sự không thể hòa hợp, bạn vẫn có thể từ bỏ.
Ảnh minh họa |
Trong tình huống này, hãy gửi email cho nhà tuyển dụng với lời cảm ơn chân thành vì đã dành thời gian cho bạn. Hãy để cho người ta biết bạn có ấn tượng tốt về công ty và nêu một số lý do khiến bạn cảm thấy vị trí công việc đó chưa thực sự phù hợp với bạn. Tuy nhiên, để mở ra cánh cửa cho những lần sau, bạn nên thể hiện rõ mong muốn có cơ hội làm việc ở những vị trí khác trong công ty.
– Không thích công ty
Sẽ có lúc, bạn cảm thấy bạn và công ty không phải là một sự kết hợp hoàn hảo dù bạn chỉ sắp trở thành tân nhân viên mà thôi. Những thông tin đáng tin cậy có được từ bạn bè, người thân khiến bạn dần mất ấn tượng với công ty, nhất là khi hiểu rõ công việc cần làm ở vị trí của bạn, bạn càng thấy đó không nên là sự lựa chọn của bạn vào lúc này. Cũng có người rơi vào tâm trạng này từ sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn, đối mặt với những điều bạn không hề thích…
Lúc đó, trong thư cảm ơn, bạn cũng nên cảm ơn nhà tuyển dụng đã quan tâm và dành thời gian cho bạn rồi ra khỏi cuộc chơi một cách khéo léo.
– Quên tên người phỏng vấn
Bạn bước ra khỏi phòng phỏng vấn nhưng chưa kịp xin danh thiếp, số điện thoại của người phỏng vấn để liên hệ. Bạn lại muốn gửi cho họ một lá thư bày tỏ sự cảm ơn nhưng không thể nhớ ra tên người đó là gì. Lúc này, bạn có thể gọi điện đến công ty hỏi thăm thông tin về người tham gia phỏng vấn hôm đó, nhờ họ cung cấp thông tin liên lạc cho bạn. Kể cả bạn nhớ tên một ai đó trong buổi phỏng vấn của bạn, bạn cũng có thể kể ra để người ta định hướng nhanh và dễ hơn.
– Mâu thuẫn với người phỏng vấn
Điều này cũng hiếm khi xảy ra nhưng không có nghĩa là không thể. Đôi khi, ứng viên có những tương tác tiêu cực với người phỏng vấn ngay trước khi bước vào buổi phỏng vấn xin việc. Bạn không hề biết đó là nhà tuyển dụng của mình và đã có những lời lẽ bất lịch sự trong thang máy, tranh cãi lẫn nhau trên đường đến văn phòng hay từng mâu thuẫn khi chạm mặt ở chỗ để xe… Bạn cảm thấy khó xử khi bước vào phòng phỏng vấn, ngồi trước mặt bạn lại là người mà cách đây không lâu bạn đã… to tiếng.
Cách tốt nhất là nên giải quyết mâu thuẫn này trước đã. Trước khi chính thức vào nội dung phỏng vấn, bạn nên thừa nhận sự việc không may xảy ra trước đó và nếu thích hợp, hãy nói lời xin lỗi và tỏ rõ quan điểm bạn không muốn những xung đột đó ảnh hưởng tới cuộc phỏng vấn.
Trong thư cảm ơn sau khi buổi phỏng vấn kết thúc, bạn hãy thừa nhận rằng có sự hiểu nhầm khó chịu giữa hai người trước khi phỏng vấn nhưng bạn mong muốn việc đó sẽ được gạt sang một bên và bạn có cơ hội tiến lên bằng khả năng, đóng góp cho công ty.
Hải Như
Theo Monster/Bưu Điện Việt Nam
Source: Zing