Skip to content

4 Tháng bảy, 2011

Người vợ hiền của một tỷ phú từng là ‘đại ca’ xứ Nghệ

Bất cứ ai dừng chân ở nhà hàng Sơn Oanh nằm trên quốc lộ 1A (Diễn Châu, Nghệ An) đều không ngờ rằng ông chủ quán có nụ cười cởi mở, thân thiện và lúc nào cũng cặm cụi làm việc lại là một “đại ca” lừng lẫy đất Diễn Châu suốt 20 năm.


20 năm trời sống trong rượu, ma túy và các cuộc đâm chém, một buổi sáng thức dậy, Lại Thế Sơn bỗng khao khát hoàn lương, để bù đắp những mất mát, thiệt thòi cho người vợ hiền và 2 đứa con nhỏ.

Lại Thế Sơn bảo, chính sự đảm đang, chịu đựng và hi sinh của vợ đã cảm hóa anh. Và cơ ngơi tiền tỉ, hạnh phúc và sự bình yên mà anh có được ngày hôm nay, đều nhờ tình yêu và sự kiên trì mà vợ anh đã dành cho anh trong suốt 16 năm qua.

Quá khứ lầm lỡ của một giang hồ xứ Nghệ

Sinh ra trong một gia đình có giáo dục, bố là cán bộ nhà nước, anh trai công tác trong ngành Công an, nhưng những năm tháng tuổi trẻ, Lại Thế Sơn lại chọn cho mình con đường của một kẻ giang hồ. Kể về thời trai trẻ của mình, Lại Thế Sơn bảo đó là một câu chuyện rất buồn, rất dài và quá nhiều những sai lầm tiếp nối nhau, khiến anh ngày càng lún sâu vào cuộc sống của một kẻ giang hồ coi thường cả pháp luật lẫn đạo lý.

“Học hết cấp 3, tôi thi đỗ vào Trường Trung cấp Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ). Từ Nghệ An ra tận Phú Thọ học, tôi cũng mong muốn học hành đến nơi đến chốn, để trở thành người có ích. Nhưng ở đây tôi bắt đầu đánh mất mình. Những ngày ở trong ký túc xá, tôi thường bị các bạn cùng phòng bắt nạt, sai bảo làm hết việc này đến việc kia, nếu không nghe sẽ bị đánh hội đồng.

Ban đầu thì tôi cắn răng chịu đựng, phục tùng mọi sự sai bảo. Nhưng rồi cái tự ái của một gã trai trẻ khiến tôi bắt đầu muốn ăn thua sòng phẳng. Tôi tập hợp một nhóm đồng hương xứ Nghệ để “sòng phẳng” với những kẻ hay ức hiếp tôi.

Kể từ đó, tôi không còn bị bắt nạt nữa. Nhưng cũng kể từ đó, tôi dần nhận ra nguyên lý của kẻ mạnh. Tôi nghĩ rằng mình phải “mạnh”, thì mới không bị thiệt thòi với đời. Ý thức được điều đó, tôi chủ động gia tăng vị thế ảnh hưởng của mình và dần trở thành “đàn anh” của một nhóm”.

Khi đã được xếp lên hàng “chiếu trên”, Lại Thế Sơn được rất nhiều người phục tùng, e sợ. Không một ai dám cãi lời anh hay làm anh bực mình. Bất cứ ai làm gì khiến anh không vừa lòng, anh đều sai đàn em đến “nói chuyện phải trái”.

Cái máu giang hồ trong người Lại Thế Sơn càng lúc càng mạnh. Trở thành đại ca, Lại Thế Sơn được đàn em hết lòng cung phụng. Trong những thứ mà anh được cung phụng có cả thuốc phiện. Năm 1986, khi chưa ra trường, anh đã bắt đầu là một con nghiện.

Sau một thời gian dài “xưng hùng, xưng bá” ở đất Phú Thọ, Lại Thế Sơn trở về quê nhà ở Diễn Châu – Nghệ An và nhanh chóng trở thành đại ca giang hồ đất Diễn Châu với mấy chục đàn em dưới trướng tuân phục anh tuyệt đối. Những ngày tháng đó, cuộc sống của Lại Thế Sơn chìm ngập trong rượu chè, ma túy và những cuộc đâm chém, xô xát. Chỉ cần một xích mích nhỏ với ai, Lại Thế Sơn cũng sai đàn em đến đâm chém.

Người vợ hiền của một tỷ phú từng là ‘đại ca’ xứ Nghệ

Lại Thế Sơn và vợ

Anh kể, có thời gian đi đào vàng, dành được một ít tiền, có kẻ gạ bán cho anh cái xe máy với giá hơn chục triệu. Nhưng mang xe về đến nhà đi được đến ngày thứ 3 thì hỏng, anh giận tím mặt vì bị lừa, nhưng cay cú hơn cả vì nghĩ có kẻ không nể uy danh của mình mà dám nhờn mặt mình.

Thế là thay vì đến nói chuyện hơn thiệt để thỏa thuận lấy lại số tiền đã mất, Sơn lại cùng đàn em vác dao đến đâm chém kẻ đã cả gan chọc giận mình. Kết quả là nạn nhân của Lại Thế Sơn đã phải nhập viện, còn anh cũng “xộ khám”.

Cứ triền miên đâm chém, gây sự, đánh nhau khắp đất Diễn Châu và các vùng lân cận, Lại Thế Sơn trở thành một đối tượng nằm trong sổ đen của công an với không ít lần vào tù ra tội. Các anh chị em trong gia đình anh đều là những người đàng hoàng, được cha mẹ nuôi dạy tử tế, thế nên khi “nảy nòi” ra một thằng con trai bất trị, bố anh rất đau lòng và xấu hổ khi danh dự gia đình bị anh bôi đen.

Ông nhiều lần khuyên bảo anh, hi vọng anh tu tâm, dưỡng tính để trở thành người tốt, những ngày đó Lại Thế Sơn nghe những lời khuyên của cha mình như nước đổ đầu vịt. Không muốn bị cha “cằn nhằn”, anh bỏ nhà đi lang thang, tụ tập với đám đàn em của mình để thỏa sức vùng vẫy giang hồ.

Có một thời gian dài, Sơn chuyên việc chỉ đạo đàn em của mình làm công việc “bảo kê”, và thu phí “quản lý” các xe cộ đi lại trên quốc lộ 1A, đoạn qua Diễn Châu – Nghệ An. Không một chủ xe nào ngày ấy dám gây sự hay làm mất lòng Lại Thế Sơn, nếu muốn làm ăn yên ổn và lâu dài trên tuyến này.

Vì có được “nguồn thu” đều đặn này, nên tiền trong túi Sơn lúc nào cũng rủng rỉnh. Nhưng cũng chính vì “thừa” tiền, nên Sơn càng lún sâu vào nghiện ngập. Đầu những năm 1990, Sơn là một trong những con nghiện nặng có tiếng ở đất Diễn Châu và là một “anh chị” mà người dân Diễn Châu vô cùng e dè.

“Cưa đổ” vợ theo “phong cách” giang hồ

Bước ngoặt lớn nhất cuộc đời Lại Thế Sơn là gặp Oanh – nữ y tá của Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu. Trước khi gặp Oanh, Lại Thế Sơn đã có hai đời vợ. Người vợ đầu tiên, anh lấy từ khi còn ở Phú Thọ, nhưng vì người này không thể sinh con, nên chỉ sau một thời gian ngắn anh đã chia tay. Sau khi về Nghệ An sinh sống, anh kết hôn với một người phụ nữ khác.

Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn êm ấm, khi có được với nhau một đứa con gái, bản tính bất tử, mải mê đàn đúm, đâm chém đã khiến anh không giữ được sự bình yên của mái ấm gia đình trong cuộc hôn nhân thứ hai này.

Ngày đó tuy sống cùng đất Diễn Châu, nhưng Oanh và Sơn là hai con người thuộc hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Nếu như Sơn là một kẻ giang hồ khét tiếng, thì Oanh lại là một cô y tá lành hiền, chân chất.

Với những người trong thế giới của Oanh, Sơn là người mà họ không bao giờ hiểu nổi và luôn tìm cách tránh xa. Chính vì rất e sợ những người như Sơn, sợ chẳng may “lại gần” thì sẽ rước họa vào thân, nên chị Oanh kể hồi đó cứ mỗi lần nhìn thấy bóng dáng Lại Thế Sơn ở đâu, là chị lại tìm cách tránh cho thật xa.

Nhưng tránh ngày tránh đêm không tránh khỏi cái duyên số của mình. Có một đêm, khi chị có ca trực trong bệnh viện thì Lại Thế Sơn mang đàn em vào cấp cứu, người bê bết máu do đánh nhau.

Khi đó, cô y tá Oanh vừa nhìn thấy “đại ca” giang hồ Lại Thế Sơn đã run bắn vì sợ hãi. Quy định của bệnh viện là nếu nhập viện vì đánh nhau hay tai nạn giao thông thì sẽ bị phạt 200.000 đồng.

Nhưng lúc nhìn thấy Sơn mang đàn em vào viện cấp cứu, việc đầu tiên Oanh nghĩ là: “Có cho vàng chắc mình cũng không dám thu tiền gã này”. Suốt thời gian khâu vết thương cho đàn em của Sơn, Oanh chỉ nghĩ sao cho thu được khoản tiền phạt 200.000, vì khi ấy, số tiền đó quá lớn với lương y tá của chị, nếu không thu được, chị chẳng biết lấy đâu bù vào.

Chị Oanh kể: “Lúc đó ông ấy cứ nhìn tôi khâu cho cậu em của mình rất lo lắng, luôn miệng hỏi tình trạng vết thương. Thấy vậy tôi đánh bạo nói: “Chú ơi, tôi khâu vết thương giúp em chú, rồi lát nữa chú làm ơn đóng tiền cho tôi nhé, không tôi biết nói sao với bệnh viện”.

Tôi vừa nói vừa run, nghĩ bụng không khéo cẩn thận mình chuẩn bị gặp họa, nhưng không ngờ ông ấy ngay lập tức gật đầu nói: “Cô yên tâm. Đương nhiên sẽ thanh toán tiền đàng hoàng. Tôi đảm bảo”.

Và hôm đó đúng là ông ấy đã làm như đã hứa, thanh toán đầy đủ chi phí mà bệnh viện yêu cầu. Điều đó làm tôi đỡ “sợ” hơn khi nhìn thấy ông ấy, vì nghĩ à, hóa ra người này cũng không đến nỗi ghê gớm, cũng biết đúng sai, phải trái”.

Kể từ sau vụ đưa đàn em đi cấp cứu trong viện, người ta bắt đầu thấy Lại Thế Sơn thường xuyên đến bệnh viện hơn, nhưng không phải là đưa đàn em nào đến khâu vết thương mà là đến để trò chuyện với các y, bác sĩ trong bệnh viện, đặc biệt là cô y tá Oanh.

Nổi tiếng là một kẻ giang hồ, ra ngoài ăn to nói lớn, ai cũng khiếp sợ, nhưng mỗi lần đến bệnh viện nơi Oanh làm việc, Lại Thế Sơn luôn khiến các y, bác sĩ ở bệnh viện ngạc nhiên vì thái độ nhã nhặn, tử tế và vui vẻ của mình. Tuy là kẻ giang hồ, nhưng Sơn lại là người rất biết làm điệu, rất đỏm dáng và chịu khó ăn mặc.

Với vẻ ngoài cao to, đẹp trai và ăn mặc hợp mốt, nếu không mang tiếng tăm giang hồ, Sơn hẳn sẽ là hình mẫu lý tưởng của nhiều cô gái. Lúc nói chuyện vui vẻ, Sơn tỏ ra là người rất dí dỏm, duyên dáng. Hôm nào Sơn đến chơi, các cô y tá trong viện cũng được dịp cười thỏa thích. Những lần như thế khiến Oanh dần thay đổi cách nhìn về Sơn và bắt đầu quý mến “gã giang hồ” này.

Trước khi gặp Sơn, Oanh cũng đã có một đời chồng và một đứa con. Hôn nhân tan vỡ khiến chị chấp chới một thời gian dài. Chị đưa con về nhà mẹ đẻ sống và không nghĩ mình sẽ bắt đầu một cuộc hôn nhân khác vào thời điểm đó. Thời gian mới quen Lại Thế Sơn rồi trở nên quý mến hơn, chị cũng không nghĩ mình sẽ lấy một người đàn ông thế này làm chồng.

Chị kể: “Quý thì có quý, chứ nghĩ lấy ổng, tôi cũng sợ. Mới đầu tôi chẳng bao giờ gọi ổng là anh Sơn, mà toàn gọi trống không là Sơn Tam, như cách mà mọi người trong huyện vẫn gọi. Thế rồi có lần đang nói chuyện, thấy ổng giật cục nói với tôi: “Đừng có gọi là Sơn Tam nữa, nghe kì quá. Gọi là anh Sơn đi”. Thế là đổi cách xưng hô từ đó”.

Chị Oanh kể, khi thấy anh chị thân nhau, nhiều người xui anh nên lấy chị, anh nghe xong chỉ cười, không nói gì. Nhưng một thời gian sau, có lần nghe tin chị đang tìm cách mua gỗ dựng nhà cho hai mẹ con ở, anh đến gặp chị bảo: ‘Xây nhà làm gì cho mất công. Về ở với tôi, tôi xây luôn một thể cho 2 mẹ con”. Nghe anh nói thế chị chỉ cười, vì chị chẳng dám hình dung một cô y tá, làm việc nhà nước, lấy một “đại ca” giang hồ thì sẽ ra sao.

Nhưng sau lần đó, anh bắt đầu công khai tuyên bố theo đuổi chị. Là dân “anh chị”, nên cách theo đuổi phụ nữ của anh cũng mang đầy màu sắc giang hồ. Ngày đó tuy đã có 1 đời chồng và 1 đứa con, nhưng chị cũng là cô gái có hương, có sắc, không ít người theo đuổi. Nhưng chị bảo hồi đó chị cứ thắc mắc không hiểu sao những người quý mến chị cứ chỉ được vài hôm là bắt đầu dạt ra.

Mãi sau này chị mới biết, bất cứ nghe tin ai đến tán tỉnh chị, Lại Thế Sơn đều đến gặp “kẻ to gan” đó và tuyên bố chị là người anh đang theo đuổi, “cấm” những kẻ khác không được dòm ngó tới. Anh cũng chẳng ngại nói với chị: “Ai mà tán Oanh là tôi phá. Phá đến bao giờ Oanh ưng tôi thì thôi”. Lúc đó chị chỉ biết bật cười vì sự ngang ngược của anh.

Tuy vẫn e dè anh là một kẻ giang hồ với đầy thành tích bất hảo, nhưng ngày đó, chị không thể dối lòng mình là chị ngày càng có nhiều cảm tình với cá tính ngang ngang, không sợ trời, không sợ đất của anh, bởi tiếng tăm giang hồ thế nào không biết, nhưng mỗi lần đến chơi với chị, anh tỏ ra rất tử tế, dịu dàng.

Dần dần chị nhận ra mình đã yêu anh. Chị bảo, khi biết tin chị yêu anh, bạn bè rồi đến đồng nghiệp trong bệnh viện, tất cả đều phản đối. Ai cũng nói chị đàng hoàng tử tế, kiếm đâu cũng được chồng, sao lại lấy một kẻ giang hồ chẳng có nghề nghiệp tử tế, nay đi gây sự với người này, mai đi đâm chém người khác.

Chị bảo ngày đó chị sống trong tâm trạng rối bời và đầy mâu thuẫn. Cứ nghe mọi người phản đối và kể ra một loạt các “chiến tích” của anh, chị lại thấy chờn lòng, nhưng lần nào gặp anh, chị cũng thấy lòng mình vui vẻ.

Khi anh về, chị lại thấy nhớ nhung lạ thường. Cuối cùng thì tình yêu và sự nhung nhớ đã chiến thắng. Chị quyết định lấy anh, bất chấp sự ngăn cản của nhiều người xung quanh, bất chấp cả những tai tiếng mà anh đã có ở đất Diễn Châu.

Hành trình đầy nước mắt của một người vợ giúp chồng phục thiện và trở thành tỉ phú

Nhưng khi lấy Lại Thế Sơn, chị không chỉ gặp phải mỗi thách thức về tai tiếng giang hồ của anh, mà còn phải đối mặt với việc anh là một con nghiện ma túy nặng. Đến tận lúc chuẩn bị tính đến đám cưới, chị mới ngã ngửa ra là anh nghiện ma túy. Nhưng chị bảo lúc đó vì yêu quá rồi, nên chị vẫn quyết định cưới, vì hi vọng tình yêu của chị sẽ cảm hóa anh và khiến anh từ bỏ con đường sai lầm.

Sau khi kết hôn, chị đã phải trải qua những năm tháng dài sống trong nỗi lo âu và nước mắt. Lấy nhau về, anh chị sống trong một căn nhà nhỏ bé, chẳng có tài sản gì đáng kể. Suốt một thời gian dài khi lấy nhau về, anh vẫn không thay đổi tâm tính, vẫn lông bông và tụ tập bạn bè. Những lúc bình thường, anh rất yêu chiều vợ con. Nhưng lúc mải vui với bạn bè là anh quên hết.

Người vợ hiền của một tỷ phú từng là ‘đại ca’ xứ Nghệ

Quãng thời gian đó, kỉ niệm khiến chị nhớ nhất là những lần anh gây sự đánh nhau bị bắt đi tù. Lấy chị và cùng chị sinh thêm 2 đứa con nữa, nhưng anh vẫn không chịu từ bỏ thói giang hồ của mình, vẫn quen thói va chạm với ai là dùng “luật giang hồ” nói chuyện với người ta.

Có lần say rượu về đi xe máy qua đường tàu, gặp một nhân viên đường sắt đang làm nhiệm vụ gác barie, sau khi nói vài câu mà người gác barie không chịu cho qua vì tàu sắp tới, Lại Thế Sơn đã chẳng ngại ngần đánh người này 1 trận thừa sống thiếu chết.

Sau khi người này được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, thì Sơn cũng bị công an bắt tạm giam về tội cố ý gây thương tích. Chị Oanh kể, mỗi lần nghe tin chồng gây chuyện ở ngoài, khiến người này người kia bị thương tích như thế là mỗi lần chị tưởng như mình sắp nghẹt thở vì đau lòng, nhưng sau đó chị lại tất tả, chạy ngược chạy xuôi.

Trong lần anh đánh bị thương người nhân viên đường sắt, chị không nhớ mình đã phải xuống gia đình nạn nhân xin lỗi không biết bao nhiêu lần, để họ nguôi giận và miễn tố cho anh. Những lúc đó là những lúc chị thấy tủi thân đến cùng cực, cứ nghĩ đến chồng là thấy nước mắt ứa ra. Chị không nhớ mình đã bao nhiêu lần đi thăm nuôi chồng trong tù.

Nhưng mỗi lần nhìn thấy anh chịu cảnh tù tội, chị lại thấy thương chồng, bao nhiêu giận hờn tan biến. Mỗi lần anh được tha về, là mỗi lần chị khóc, xin anh bỏ thói giang hồ. Nhưng anh vẫn chứng nào tật đấy.

Có lần quá thất vọng vì chồng, chị đã đưa con về nhà mẹ đẻ ở, chấp nhận để hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Nhưng bỏ anh đi rồi, chị lại thấy nhớ anh, thương anh, lo lắng cho anh ở nhà không ai chăm sóc. Anh đã có 2 đời vợ. Chị cũng đã một lần lỡ dở. Chị không muốn cuộc hôn nhân của anh chị tan vỡ thêm một lần nữa, để sau này con cái lại phải chịu những tiếng eo sèo của người đời.

Cái khó khăn lớn nhất của chị trong cuộc sống gia đình với anh là việc anh ngày càng nghiện nặng. Hai vợ chồng cũng cố gắng kinh doanh nhiều thứ để cải thiện đời sống gia đình, nhưng cứ được bao nhiêu tiền là anh lại nướng vào ma túy. Có những khoảng thời gian khi nghiện nặng, anh “đốt” gần 1 triệu/1 ngày để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Vì thế nhiều năm kết hôn, hai anh chị vẫn tay trắng.

Chị bảo có chồng nghiện ngập, kinh tế khó khăn là một chuyện, nhưng cái chuyện lớn hơn chính là danh dự của gia đình. Ở cơ quan, chị là một công chức gương mẫu. Nhưng đến lúc bình bầu, xếp loại thi đua, dù mọi người có bình bầu cho chị tốt, chị cũng không dám nhận, bởi hoàn cảnh gia đình như thế, chồng lại nghiện ngập, chị mặt mũi nào mà nhận mình tốt so với các chị em khác. Con gái chị cũng khổ sở không kém.

Có lần nó về nhà, ôm lấy bố khóc và nói: “Con xin bố hãy cai nghiện. Bố không cai, con còn chưa ngẩng mặt lên nhìn bạn bè được. Dù con có học giỏi, có ngoan đến mấy, bọn chúng cũng chỉ gọi con là con thằng nghiện”.

Những lời nói tha thiết của vợ và con đã khiến lần đầu tiên trong đời, Lại Thế Sơn xem lại mình. Anh nhận ra những thiệt thòi, mất mát mà vợ con anh đã dành cho anh là quá lớn. Muốn bù đắp cho vợ con, muốn sửa chữa những sai lầm của mình, muốn đem lại hạnh phúc cho cả gia đình, một buổi sáng thức dậy anh đã tuyên bố với vợ từ bỏ kiếp sống giang hồ và quyết tâm cai nghiện.

Những ngày anh cai nghiện là những ngày vô cùng chật vật, khó khăn với gia đình chị. Chị xin nghỉ không lương ở bệnh viện, để có thời gian ở nhà chăm sóc, trông coi anh mỗi khi lên cơn, hay quản lý anh để anh không có điều kiện giao lưu với bạn bè xấu.

Mẹ con chị thay nhau thức đêm, thức ngày, vừa trông anh, vừa bóp chân, bóp tay cho anh đỡ mỏi, vừa nói chuyện để xoa dịu anh. Con gái riêng của chị cũng chia sẻ khó khăn đó với chị, túc trực bên anh thường xuyên để chăm sóc bố dượng.

Những ngày tháng khó khăn cuối cùng cũng ra đi. Giờ thì Lại Thế Sơn đã hoàn toàn dứt bỏ được ma túy. Đúng như lời anh hứa với vợ con, sau khi cai nghiện, anh cũng giã từ luôn cuộc sống giang hồ của mình để trở về với cuộc sống đời thường, làm một người đàn ông làm ăn lương thiện, tu chí. Chị Oanh bảo, đến bây giờ nhìn chồng, nhiều lúc chị vẫn ngạc nhiên vì sự thay đổi của chồng.

Từ ngày cai nghiện, đừng nói là ma túy, mà ngay cả rượu, bia, thuốc lá, anh cũng không động tới. Ngày ngày anh sống một cách điều độ, sáng đi tập thể dục rồi về trông coi hàng quán. Thương vợ vất vả công việc nhà nước, nên chuyện dọn dẹp nhà cửa, anh cũng tự làm chứ không đợi vợ về làm như nhiều ông chồng khác.

Không còn nghiện ma túy, nhờ đầu óc làm ăn của mình, Lại Thế Sơn bắt đầu xây dựng kinh tế. Anh mua cái này, bán cái kia và làm giàu nhờ tài kinh doanh của mình. Mảnh đất của gia đình anh nằm trên quốc lộ 1A được anh biến thành nơi “hái ra tiền”, nuôi sống cả gia đình.

Không một mặt hàng gì anh không kinh doanh trên khu đất rộng của mình: từ bán điếu thuốc, cái kẹo, gói bim bim, đến bán đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và thậm chí là cả quan tài.

Giờ đến Diễn Châu – Nghệ An, nhiều người đã gọi Lại Thế Sơn là tỉ phú, với cơ ngơi bề thế mà anh tạo dựng được. Nhưng nhắc về con đường trở về của mình, anh nói: “Tôi tu chí thành người, sống hướng thiện như ngày hôm nay là nhờ cả vào vợ. Nếu không có cô ấy, cuộc đời tôi giờ cũng không biết ra sao. Sau 2 cuộc hôn nhân thất bại và những năm dài sống trong sai lầm, tình yêu của vợ đã giúp tôi chọn ra con đường đúng nhất và bình yên nhất cho cuộc đời mình”.

Theo Phunutoday



Source: Zing

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments