Skip to content

3 Tháng bảy, 2011

Các ngành đào tạo của ĐH Mở bán công TP.HCM

Sinh viên ĐH Mở bán công TP.HCM tra cứu tài liệu trong thư việnTTO – ĐH Mở bán công TP.HCM là mô hình trường ĐH đầu tiên ở VN hoạt động theo quy chế bán công và đào tạo theo phương thức mở. Hình thức đào tạo đa dạng tập trung, gồm: ĐH, CĐ, Cao học; Đào tạo từ xa bậc ĐH và CĐ.

Các ngành đào tạo của ĐH Mở bán công TP.HCM

Mã trường: MBS
Địa chỉ: 97 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP.HCM
ĐT: (08) 9301374 – 9300072
Website: www.ou.edu.vn

Việc đào tạo hệ CĐ hai ngành Tin học và Quản trị kinh doanh nhằm giúp SV sau khi tốt nghiệp đạt kết quả khá trở lên có cơ hội học tiếp hệ ĐH với thời gian 1,5 năm hoặc 2,5 năm tùy theo ngành đào tạo.

Riêng SV hệ ĐH không đủ điều kiện tốt nghiệp cử nhân ĐH nhưng đủ điều kiện của hệ CĐ sẽ được nhận bằng cử nhân CĐ. Điều này tạo thuận lợi cho SV học tập và tìm việc làm.

Đặc biệt phương thức đào tạo từ xa được thực hiện từ năm 1993, là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện loại hình đào tạo này, đào tạo bậc ĐH theo học chế tín chỉ với các ngành Tiếng Anh, Quản trị Kinh doanh, Kinh tế học, Kế toán, Kinh tế học, Tài chính – Ngân hàng, Tin học, Công nghệ sinh học, Xây dựng nông thôn, Công nghiệp nông thôn, Xã hội học (chuyên ngành Phụ nữ học), Đông Nam Á học.

Đào tạo từ xa là một phương thức đào tạo dựa trên cơ sở phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giảng viên và cung ứng học liệu trên cở sở đào tạo. Đối tượng của Giáo dục từ xa là mọi người có nhu cầu học tập, đặc biệt là người lao động và nhân dân ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Trung tâm đào tạo từ xa của ĐH Mở bán công TP.HCM đã liên đào tạo với các trường ĐH tại chức, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường CĐ cộng đồng các tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Buôn Mê Thuột, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. 

Dưới đây là các ngành đào tạo của ĐH Mở bán công TP.HCM:

1. Ngành Tin học (mã ngành 101)

Ðào tạo cử nhân Tin học có khả năng phân tích lập trình, phân tích hệ thống, thảo chương hệ thống, quản trị hệ thống thông tin, quản trị mạng, quản trị chất lượng sản phẩm, quản trị đồ án công nghệ thông tin; có thể giảng dạy tin học cho các trung tâm tin học và các trường CĐ.

Chuyên ngành đào tạo: Mạng máy tính, Cơ sở dữ liệu, Ðồ họa máy tính, Quản trị hệ thống, Công nghệ tri thức, Công nghệ phần mềm.

Sau khi tốt nghiệp SV có thể làm tại cơ quan, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất dịch vụ phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, các cơ sở nghiên cứu và các cơ sở đào tạo. Cụ thể, SV có thể đảm trách những công việc sau:

– Nếu tốt nghiệp cử nhân CĐ: Lập trình viên hoặc nhân viên sử dụng phần mềm; Kỹ thuật viên phòng máy tính.

– Nếu tốt nghiệp cử nhân ĐH: Phân tích lập trình; Phân tích hệ thống; Thảo chương hệ thống; Quản trị hệ thống thông tin; Tích hợp hệ thống; Quản trị mạng; Quản trị chất lượng sản phẩm; Quản trị dự án công nghệ thông tin; Kỹ sư cơ sở dữ liệu; Kỹ sư bảo đảm an toàn thông tin mạng; Kỹ sư đồ họa.

2. Ngành Xây dựng (mã ngành 102)

Ðào tạo kỹ sư Xây dựng có khả năng thiết kế thi công các công trình dân dụng và công nghiệp, công trình giao thông, công trình thủy lợi, quy hoạch các khu dân cư, thị trấn đô thị. Ngành này gồm các chuyên ngành Xây dựng dân dụng, Xây dựng cầu đường, chuyên ngành Kỹ thuật đô thị & môi trường. SV học xong được cấp bằng Kỹ sư Xây dựng.

SV tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ quan tư vấn thiết kế, thi công, cơ sở nghiên cứu ứng dụng, các nhà máy, công trường, xí nghiệp sản xuất, cơ sở dịch vụ kỹ thuật công nghệ thuộc ngành được đào tạo.

3. Ngành Công nghiệp (mã ngành 103)

Ðào tạo kỹ sư Công nghiệp có khả năng tổ chức khai thác, bảo quản thiết kế sửa chữa và thay thế các thiết bị cơ điện, điện – điện tử trong các nhà máy xí nghiệp sản xuất công nghiệp. Ngành này gồm các chuyên ngành Điện – Điện tử, chuyên ngành Điện cơ. SV học xong được cấp bằng Kỹ sư Công Nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp, SV có thể làm việc ở các cơ quan tư vấn thuộc ngành, cơ quan khảo sát thiết kế, thi công, các xí nghiệp, nhà máy, công ty thuộc trung ương và địa phương.

4. Ngành Công nghệ sinh học (mã ngành 301)

+ Chuyên ngành Công nghệ sinh học (chung)

Đào tạo các kỹ sư thực hành theo các hướng: công nghệ tế bào, công nghệ gen, sinh học nông nghiệp, sinh học môi trường.

SV tốt nghiệp ra trường có thể làm tại các cơ quan, trường, viện nghiên cứu, các công ty nhà nước, các công ty nước ngoài, các công ty tư nhân…

+ Chuyên ngành Công nghệ chế biến thực phẩm

Đào tạo các kỹ sư thực hành theo các hướng: công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch, các hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm…

SV sau khi ra trường đủ năng lực làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp về chế biến lương thực, thực phẩm. Mở các doanh nghiệp tư nhân về ngành thực phẩm: rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm, lương thực chế biến…

+ Chuyên ngành Công nghệ vi sinh

Đào tạo các SV chuyên sâu về kỹ thuật vi sinh: vi sinh thực phẩm, vi sinh y, dược học, vi sinh môi trường.

Các SV ra trường có thể làm việc tại các cơ quan, trường, viện nghiên cứu, bệnh viện, có liên quan đến kỷ thuật sinh khối vi sinh vất. Công nghệ vi sinh là ngành có thể ứng dụng rộng rãi từ thực tế sản xuất, và nghiên cứu khoa học, trong nhiều hoạt động của cuộc sống. 

Các hướng đào tạo của ngành Công nghệ sinh học: Đào tạo truyền thống kết hợp giữa dạy lý thuyết tập trung trên giảng đường, thực tập theo nhóm tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành và tổ chức các đợt đi thực tập thực tế, thực tập giáo trình tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, viện nghiện cứu trên khắp các tỉnh từ TP.HCM, miền đông Nam bộ, miền tây Nam bộ.

5. Ngành Quản trị kinh doanh (mã ngành 401)

+ Chuyên ngành Quản trị điều hành

Trang bị cho SV những kiến thức và kỹ năng cơ bản về Quản trị kinh doanh để có thể tạo lập doanh nghiệp mới, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp, tổ chức và điều hành doanh nghiệp để hoàn thành những mục tiêu đề ra.

SV tốt nghiệp được chuẩn bị để có thể giữ chức vụ Giám đốc điều hành doanh nghiệp.

+ Chuyên ngành Quản trị nhân sự

Ngoài những kiến thức và kỹ năng cơ bản của Quản trị kinh doanh, SV chọn chuyên ngành Quản trị nhân sự được đào tạo thành những chuyên gia về Quản trị nhân sự, có khả năng phân tích và xác định các yêu cầu của công việc làm cơ sở cho tuyển dụng, bố trí nhân sự, xây dựng chính sách tiền lương, phát triển tổ chức và am tường nghệ thuật, kỹ năng lãnh đạo.

SV tốt nghiệp có thể làm Giám đốc nhân sự hay các chuyên gia của phòng Nhân sự trong các doanh nghiệp.

+ Chuyên ngành Quản trị tiếp thị

Ngoài những kiến thức và kỹ năng cơ bản của Quản trị kinh doanh, SV chọn chuyên ngành Quản trị tiếp thị được đào tạo thành những chuyên gia về tiếp thị (Marketing); có khả năng hoạch định, thực hiện và kiểm tra các chiến lược, chương trình, hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc nắm bắt nhu cầu và thỏa mãn nhu cầu của thị trường.

SV tốt nghiệp sẵn sàng để đảm nhận các chức vụ liên quan đến Quản trị tiếp thị trong doanh nghiệp, hoặc làm việc trong các tổ chức chuyên về tiếp thị.

+ Chuyên ngành Quản trị vận hành

Ngoài những kiến thức và kỹ năng cơ bản của Quản trị kinh doanh, SV chuyên ngành Quản trị vận hành được đào tạo để có thể đảm nhận các công việc liên quan đến sản xuất trong doanh nghiệp, trên cương vị của nhà quản trị hoặc người kiểm tra các hoạt động sản xuất cụ thể trong doanh nghiệp.

SV tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị vận hành có thể giữ các chức vụ điều khiển trong tổ chức sản xuất như: tổ trưởng, quản đốc phân xưởng hoặc kiểm tra, giám sát sản xuất.

+ Chuyên ngành Quản trị dịch vụ

Đây là chuyên ngành có tính chất song hành với Quản trị vận hành; hướng vào khả năng kinh doanh các sản phẩm dịch vụ hiện đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong xã hội hiện đại.

SV chọn chuyên ngành Quản trị dịch vụ được đào tạo để có thể tổ chức và quản trị các cơ sở cung cấp dịch vụ cho thị trường như: chăm sóc sức khỏe, thể thao, văn nghệ, giáo dục…

+ Chuyên ngành Quản trị du lịch

Mục tiêu của chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh chuyên ngành Du lịch nhằm đào tạo những nhà quản trị trong lãnh vực du lịch; có khả năng điều hành một cơ sở kinh doanh du lịch: thành lập và quản lý doanh nghiệp du lịch, thiết lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh du lịch, tiếp thị du lịch…

SV tốt nghiệp có thể làm Giám đốc doanh nghiệp du lịch, hoặc cán bộ quản lý Sở du lịch và trong các doanh nghiệp du lịch công hoặc tư.

+ Chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế

Ngoài những kiến thức và kỹ năng cơ bản của quản trị kinh doanh, SV được trang bị kỹ hơn những kiến thức liên quan đến kinh doanh quốc tế. Cụ thể, SV được tiếp cận với phương thức kinh doanh hiện đại, trao dồi những kỹ năng, kiến thức cần thiết để có thể thực hiện được các nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, xây dựng được chiến lược và thiết lập phương án kinh doanh, marketing quốc tế, có khả năng thiết lập và quản trị các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

SV học chuyên ngành này có đủ kiến thức làm việc trong các cơ quan như: Bộ/ Sở Thương mại, Bộ/ Sở Kế hoạch và đầu tư; các công ty giao nhận, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, các ngân hàng trong và ngoài nước, các công ty kinh doanh ngoại tệ, các tổ chức quốc tế, các công ty liên doanh, đa quốc gia, các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, hoặc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…

6. Ngành Kinh tế (mã ngành 402)

+ Chuyên ngành Kinh tế học

Ngoài phần kiến thức chung của ngành Kinh tế, SV học chuyên ngành Kinh tế học sẽ được học chuyên sâu về Kinh tế học ứng dụng trong phân tích chính sách kinh tế của nhà nước và chính sách phát triển của các công ty.

Tốt nghiệp chuyên ngành này, SV có thể về làm việc tại Sở Kế hoạch – Đầu tư, Phòng nghiên cứu Ủy ban tỉnh, TP; Phòng Kế hoạch chiến lược của các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là nếu có điều kiện học lên cao học có thể trở thành giảng viên Kinh tế học ở các trường ĐH, CĐ.

+ Chuyên ngành Kinh tế phát triển

Ngoài phần kiến thức chung của ngành Kinh tế, SV học chuyên ngành Kinh tế phát triển sẽ được học chuyên sâu về kỹ năng hoạch định, phân tích, triển khai thực hiện và đánh giá các chính sách phát triển kinh tế của các vùng, các địa phương, các ngành; lập các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh, quận, huyện, phường xã.

Tốt nghiệp chuyên ngành này, SV có thể về làm việc tại các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của TP, tỉnh; các UBND TP, tỉnh, quận, huyện, phường, xã; Phòng Kế hoạch tài chính, công nghiệp, nông nghiệp; Phòng Kế hoạch chiến lược của các cơ quan, doanh nghiệp, hoặc tiếp tục học cao học để trở thành giảng viên ở các trường ĐH, CĐ.

+ Chuyên ngành Kinh tế đầu tư

Ngoài phần kiến thức chung của ngành Kinh tế, SV học chuyên ngành Kinh tế đầu tư sẽ được học chuyên sâu về phương pháp và kỹ năng lập, lựa chọn và quản lý các dự án đầu tư thuộc khu vực công hoặc các dự án của các địa phương và của các doanh nghiệp.

Tốt nghiệp chuyên ngành này, sinh viên có thể về làm việc tại các Sở Kế hoạch – Đầu tư, các Ban quản lý dự án, các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, các Quỹ đầu tư của các tổ chức quốc tế hoặc của chính phủ, các doanh nghiệp.

+ Chuyên ngành Quản lý nhà nước về kinh tế

Ngoài phần kiến thức chung của ngành Kinh tế, SV học chuyên ngành này sẽ được học chuyên sâu về phương pháp và kỹ năng quản lý các ngành kinh tế, cách triển khai thực hiện các chính sách kinh tế, phân tích đánh giá kết quả thực hiện chính sách, lập kế hoạch phát triển ngành.

Tốt nghiệp chuyên ngành này, SV có thể về làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế như Sở Công nghiệp, Thương mại – Du lịch, Nông nghiệp…; các Hiệp hội ngành nghề; các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài hoặc trong nước, các doanh nghiệp.

+ Chuyên ngành Quản lý khu vực công

Ngoài phần kiến thức chung của ngành Kinh tế, SV học chuyên ngành này sẽ được học chuyên sâu về phương pháp và kỹ năng quản lý trong khu vực công như cung ứng các dịch vụ công, các sản phẩm và dịch vụ công ích, hoạch định và triển khai thực hiện, đánh giá các chính sách công.

Tốt nghiệp chuyên ngành này, SV có thể về làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước như văn phòng UBND các cấp; các Sở, Ban, ngành thuộc thành phố và các tỉnh; các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài hoặc trong nước, các cơ quan và doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ công.

+ Chuyên ngành Quản lý môi trường

Chương trình này được thiết kế nhằm đào tạo các chuyên viên quản lý môi trường nên cung cấp những kiến thức và kỹ năng về hoạch định chính sách bảo vệ tài nguyên và môi trường, triển khai thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện chính sách, quản lý việc khai thác sử dụng tài nguyên và cải thiện môi trường sống.

Tốt nghiệp chuyên ngành này SV có thể về làm việc tại các Sở của TP hoặc tỉnh như Sở Khoa học – Công nghệ – Môi trường, Sở Giao thông công chánh, các công ty cung ứng các dịch vụ công ích và các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác.

+ Chuyên ngành Quản lý đô thị

Chương trình đào tạo này cung cấp những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về quản lý đô thị ở góc độ kinh tế để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của đô thị cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa.

SV tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở các Sở của TP và tỉnh như Sở Giao thông công chánh, Sở quản lý nhà đất, Sở địa chính…; văn phòng UBND các cấp ; các công ty kinh doanh địa ốc và cung ứng dịch vụ công cộng.

+ Chuyên ngành Quan hệ kinh tế quốc tế

Chương trình đào tạo chuyên ngành này cung cấp những kiến thức cơ bản về Kinh tế học và chuyên sâu về quan hệ kinh tế quốc tế để sau khi tốt nghiệp, SV sẽ trở thành chuyên viên hoạch định các chiến lược, chính sách kinh doanh quốc tế ở các doanh nghiệp.

Ngoài ra SV tốt nghiệp chuyên ngành này còn có thể làm việc ở các Sở Công nghiệp, Thương mại – Du Lịch, Nông nghiệp… và các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế khác ở địa phương.

+ Chuyên ngành Kinh tế – Luật

Là chuyên ngành đào tạo dạng song ngành nên ngoài phần kiến thức ngành Kinh tế, chương trình còn có phần kiến thức về Luật để SV học chuyên ngành này có những hiểu biết sâu về Luật.

Nơi làm việc thích hợp cho SV học ngành này là các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế như văn phòng UBND từ cấp tỉnh, TP đến cấp cơ sở là phường, xã; các Ban kinh tế của các tổ chức đoàn thể, văn phòng của các Hiệp hội ngành nghề, Công an kinh tế, Phòng tổ chức hành chánh của các doanh nghiệp…

7. Ngành Tài chính – Ngân hàng (mã ngành 403)

+ Chuyên ngành Tài chính công ty 

Trang bị cho SV những kiến thức Kinh tế – Tài chính công ty hiện đại, hiểu biết về các hoạt động tài chính trong một công ty thông qua việc nắm vững các kiến thức về: Phân tích – Hoạch định và dự toán tài chính, thực hiện quản trị hệ thống ngân sách của công ty, phân tích và đánh giá hiệu quả và rủi ro của một dự án đầu tư, xây dựng cơ cấu vốn tối ưu…

SV tốt nghiệp có thể làm việc tại bộ phận tài chính trong các công ty sản xuất kinh doanh, các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng, các quỹ đầu tư.

+ Chuyên ngành Đầu tư tài chính 

Trang bị cho SV những kiến thức cơ bản về thị trường tài chính và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán. Nắm vững các kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán như: hoạt động của thị trương chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, mua bán và môi giới chứng khoán… Ngoài ra SV còn nắm vững các kiến thức về định giá chứng khoán, xây dựng và quản trị một danh mục đầu tư chứng khoán hiệu quả.

SV tốt nghiệp chuyên ngành Đầu tư tài chính có thể làm việc ở các công ty chứng khoán (ở các vị trí như: nhân viên phân tích thị trường, nhân viên môi giới, nhân viên tư vấn đầu tư và niêm yết…), các quỹ đầu tư, bộ phận đầu tư chứng khoán ở các loại hình doanh nghiệp khác. Ngoài ra SV cũng có thể làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán như: Ủy ban chứng khoán nhà nước, các trung tâm giao dịch chứng khoán.

+ Chuyên ngành Ngân hàng 

Cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản và nâng cao về tiền tệ – ngân hàng. Nắm vững các nghiệp vụ trong hoạt động của một ngân hàng thương mại như: tín dụng, kế toán ngân hàng, thanh toán quốc, kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh chứng khoán… Đồng thời SV còn có khả năng hoạch định các chính sách về tiền tệ và tín dụng.

SV chuyên ngành Ngân hàng có thể đảm nhận tốt các công việc được giao trong ngân hàng như: Cán bộ tín dụng, nhân viên kế toán, kế toán viên phòng thanh toán quốc tế, nhân viên kinh doanh ngoại tệ. Đồng thời SV tốt nghiệp cũng có thể làm việc tại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính – ngân hàng và các loại hình doanh nghiệp khác.

8. Ngành Kế toán (mã ngành 404)

Trang bị cho SV những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp và chuyên môn Kế toán. Trên cơ sở nắm vững các chế độ Tài chính – Kế toán do Bộ Tài chính và Nhà nước ban hành, SV có khả năng tổ chức điều hành công tác kế toán, kiểm toán nội bộ và tài chính ở mọi loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế. Có khả năng hoạch định chính sách kế toán, kiểm toán và am hiểu quy trình công nghệ kế toán. 

SV tốt nghiệp ngành Kế toán và có thể làm công tác Kế toán – Kiểm toán ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng và các bộ phận chức năng về kế toán và kiểm toán tại các Bộ, các ngành và các cơ quan nhà nước khác.

9. Ngành Đông Nam Á học (mã ngành 501)

Chương trình đào tạo Cử nhân Đông Nam Á học (Southeast Asian Studies) nhằm đào tạo những SV có kiến thức về Khoa học xã hội nhân văn nói chung, nắm vững kiến thức cơ bản về khu vực học, những khả năng chuyên sâu về nghiên cứu và hoạt động văn hóa, kinh tế Đông Nam Á và có khả năng vận dụng tri thức vào thực tế công tác có liên quan đến ngành học.

Mục tiêu cụ thể là đào tạo SV sau khi tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học có khả năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch, chính trị, giáo dục, khoa học hoặc các công ty, xí nghiệp của nước ngoài, nhất là các nước Đông Nam Á đang và sẽ đầu tư hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài khối kiến thức đại cương và hai ngoại ngữ (tiếng Anh và một ngôn ngữ ở châu Á) cùng với khả năng sử dụng công nghệ thông tin, chương trình Đông Nam Á học gồm ba chuyên ngành: Văn hóa; Du lịch; Kinh tế.

Với một kiến thức được cung cấp đủ rộng, SV tốt nghiệp có khả năng thích ứng cao với những biến động thường xuyên của nền kinh tế thị trường. Sau khi tốt nghiệp, SV có thể học tiếp ở các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài.

10. Ngành Xã hội học (mã ngành 601)

Ngành nào đào tạo các chuyên ngành Giới và phát triển; Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng.

Ngành Xã hội học nhằm cung cấp cho SV những kiến thức, phương pháp và kỹ năng căn bản của ngành Xã hội học trong bối cảnh liên ngành của các KHXH&NV. Chương trình đồng thời cũng kế thừa truyền thống của khoa Phụ nữ học là nhìn và phân tích các vấn đề xã hội dưới góc độ giới và giải quyết bằng những kỹ năng của công tác xã hội, phát triển cộng đồng và các khoa học xã hội ứng dụng khác, nhưng luôn luôn đặt vấn đề trong một bối cảnh xã hội toàn diện hơn.

SV tốt nghiệp ngành Xã hội học có kiến thức và kỹ năng để hiểu và phân tích những vấn đề xã hội từ cấp độ cá nhân, cộng đồng cho đến những vấn đề xã hội bao quát hơn; có kiến thức và kỹ năng thực tế để có thể tự mình hoặc cùng với tập thể tham gia các chương trình, hoạt động góp phần giải quyết những vấn đề thuộc lãnh vực phát triển xã hội.

11. Ngành Công tác xã hội (mã ngành 602)

Ngành Công tác xã hội đào tạo SV có khả năng cung ứng dịch vụ xã hội cho cá nhân (thuộc mọi lứa tuổi) và gia đình để họ tự khắc phục khó khăn qua tư vấn hoặc giới thiệu đến các cơ sở chuyên môn khác (trong lãnh vực tâm lý, xã hội, giáo dục, sức khỏe, kinh tế…)

Xây dựng, xúc tác các nhóm tự nguyện nhằm mục đích trị liệu, xã hội hóa hay hành động giải quyết các vấn đề xã hội (giáo dục trẻ em bình thường, trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn…). Phát hiện các vấn đề cũng như tiềm năng ở cộng đồng, huy động và liên kết người dân trong cộng đồng để giải quyết các vấn đề này.

Tham gia hay điều hành các dự án phát triển (xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tín dụng tiết kiệm…). Làm công tác quản lý nhân sự, công tác xã hội ở cơ quan, xí nghiệp. Tự mình hay tham gia nghiên cứu các vấn đề xã hội. Giảng dạy hay trợ lý giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành công tác xã hội tại thực địa cho cán bộ xã hội bậc CĐ, trung sơ cấp.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ sở, chương trình xã hội công lập (thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Tòa án, trường học, bệnh viện, xí nghiệp…), dân lập hay tư nhân, thuộc môi trường nông thôn hay thành thị. Các chương trình nghiên cứu xã hội, cải tiến dân sinh, quy họach đô thị, bảo vệ môi trường, chương trình tài trợ, hợp tác quốc tế và phát triển xã hội, phát triển cộng đồng.

12. Ngành Tiếng Anh (mã ngành 701)

Chương trình Cử nhân Tiếng Anh ở bậc ĐH đào tạo theo hai chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy tiếng Anh; Biên – phiên dịch thương mại và du Lịch. Chương trình đào tạo nhằm cung cấp kiến thức ngôn ngữ, văn hóa, xã hội Anh – Mỹ để ứng dụng trong công tác chuyên môn và hội nhập xã hội.

Trong quá trình học tập SV có cơ hội học tập và thực hành các kỹ năng tiếng Anh trong phòng học tiếng và truyền thông đa phương tiện hiện đại, tham gia các hoạt động học thuật như câu lạc bộ tiếng Anh, và nghiên cứu khoa học. SV được rèn luyện phẩm chất đạo đức, tinh thần tự học để tự hoàn thiện và khả năng hội nhập xã hội cao.

Về kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng thực hành, SV được trang bị khả năng thích ứng cao về ngoại ngữ ứng dụng trong giao tiếp, thông thạo các kỹ năng văn phòng và giao dịch bằng tiếng Anh, có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa, văn học Anh – Mỹ, được trang bị lý thuyết và phương pháp thực hành giảng dạy tiếng Anh ở bậc phổ thông và các trung tâm ngoại ngữ, có kiến thức tổng quát và kỹ năng biên – phiên dịch thương mại và du lịch, kế toán, văn phòng. Ngoài ra, sinh viên được chọn học một trong hai ngoại ngữ Hoa/Pháp ở trình độ căn bản có thể giao tiếp và tham khảo tài liệu.

SV tốt nghiệp cử nhân Anh văn có năng lực làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các công ty liên doanh về giao dịch thương mại, kế toán, du lịch, giảng dạy tiếng bậc THPT hay các trung tâm Anh ngữ, làm công tác biên – phiên dịch thương mại và du lịch, theo học các chương trình thạc sĩ Anh văn trong nước và quốc tế.

QUỐC DŨNG tổng hợp

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments