Skip to content

3 Tháng bảy, 2011

10 lời khuyên khi đi mua sắm cùng trẻ nhỏ

Ảnh minh họa: InternetTTO – Với những bậc cha mẹ bận rộn đi làm suốt cả tuần, đi mua sắm cùng các con là một dịp để gia đình gần gũi nhau hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý những điểm sau để cha mẹ và con đều hưởng niềm vui khi cùng nhau mua đồ.

10 lời khuyên khi đi mua sắm cùng trẻ nhỏ

1. Hãy nhớ rằng trẻ con có những giới hạn: nếu bạn đi mua sắm cùng tụi trẻ, hãy để ý đến các nhu cầu của trẻ. Liệu trẻ có mệt mỏi, đói, bị kích động quá mức bởi tiếng ồn và sự lộn xộn hay trẻ chỉ cần chút không khí trong lành hoặc một cái ôm yêu thương?

2. Trẻ luôn tò mò và đó là cách chúng tìm hiểu về thế giới xung quanh. Nếu trẻ muốn xem xét một đồ vật hấp dẫn, đừng rầy la trẻ. Hãy giúp trẻ cầm đồ vật đó một cách an toàn, hoặc để trẻ hiểu đồ vật đó chỉ được ngắm mà không được sờ vào. Bạn có thể nói  “Đó là đồ dễ vỡ, vậy nên chúng ta chỉ nhìn thôi nhé”. Kể cả khi bạn không mua đồ vật đó cho trẻ, việc chia sẻ niềm vui thích với trẻ cũng rất có ý nghĩa.

3. Đi mua sắm cùng trẻ nhỏ dưới hai tuổi: việc mua sắm cùng trẻ sẽ dễ dàng hơn nếu trước đó trẻ đã được nghỉ ngơi và cho ăn. Trẻ nhỏ dễ bị thiếu nước trong không khí khô của những trung tâm mua sắm, do vậy các bà mẹ nhớ thỉnh thoảng cho trẻ bú hoặc uống nước quả.

Trẻ nhỏ thường thích được bế ẵm. Vì vậy, dùng túi đeo để bế trẻ sẽ đem lại cho trẻ cảm giác thoải mái và an toàn về cảm xúc nhiều hơn là cho trẻ vào xe đẩy. Một món đồ chơi nhỏ để bé chơi có thể giúp bố mẹ rảnh tay hơn vì trẻ sẽ đỡ “quấy rối” hơn. Nhưng thỉnh thoảng nhớ dừng lại nựng trẻ, cười đùa với trẻ hoặc ôm trẻ nhẹ nhàng.

4. Đi mua sắm cùng trẻ đang chập chững tập đi: trẻ ở độ tuổi nào cũng thích được tự mình lựa chọn các mặt hàng. Để cuộc mua sắm dễ chịu hơn, bố mẹ có thể hỏi trẻ những câu như “Con thấy quả đào nào ngon hơn?”. Có thể mang theo nước quả, món bim bim trẻ thích hay một cuốn truyện tranh…

Trẻ nhỏ có thể cảm thấy hoảng sợ khi bị một đám đông người lớn bao quanh, nhất là khi cửa hàng đông đúc. Có thể bế trẻ bằng túi đeo sau lưng để trẻ thấy hài lòng khi ở vị trí cao hơn. Đồng thời bố mẹ cũng tránh được nguy cơ thông thường là bị lạc trẻ trong đám đông.

5. Đi mua sắm cùng trẻ lớn hơn: trẻ lớn hơn sẽ có thể giúp bạn trong việc mua sắm. Ví dụ, trẻ có thể giúp bố mẹ tìm các món hàng có trong tờ quảng cáo. Trẻ lớn tuổi hơn cũng có thể tự mình chọn đồ, do vậy chuyến đi mua sắm sẽ nhanh hơn vì trẻ có thể tìm các món đồ cần thiết giúp bố mẹ và bỏ vào xe đẩy hàng.

6. Tránh những đám đông: không nên đi mua sắm vào thời điểm trước giờ ăn tối khi các cửa hàng đông nghịt và cả bố mẹ lẫn con đều đói mệt. Nên đi mua sắm vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều những ngày cuối tuần, hoặc ăn tối sớm hơn thường lệ và đi mua sắm vào khoảng 6-7 giờ tối.

7. “Đối phó” với quầy thu tiền: quầy thu tiền thường có những thanh kẹo sặc sỡ và hấp dẫn có thể khiến trẻ thích mê, nhất là khi vào cuối buổi mua sắm, cả bố mẹ và trẻ đều mệt và đói. Bố mẹ có thể nói với trẻ : “Túi kẹo kia trông đẹp thật nhưng không bổ dưỡng đâu. Chúng ta đã mua bánh qui và nước quả rồi mà”.

8. Khi cần nói “không”: điều quan trọng nhất của câu nói “không” là chuyển đến trẻ thông điệp rằng chúng ta đứng về phía chúng, mặc dù ta không thể đáp ứng tất cả mong muốn của trẻ ngay lập tức. Bạn có thể nói : “Món đồ đó dễ thương nhỉ. Con xem xét kỹ đi và khi về nhà chúng ta sẽ bổ sung nó vào danh sách các đồ con muốn nhé”!

9. Nếu mệt mỏi hay giận dữ, hãy thể hiện một cách tích cực: nếu bạn đã quá mệt khi mua sắm, có thể nói: “Bố (mẹ) mệt quá. Chúng ta cần nghỉ ngơi một chút”. Giải lao đôi chút cũng giúp cả bố mẹ và trẻ thấy dễ chịu hơn.

10. Khi trẻ mệt mỏi: đôi khi, dù bạn đã áp dụng một số điều trên nhưng trẻ vẫn không thể tiếp tục “hành trình” mua sắm cùng cha mẹ nữa. Khi đó, hãy tôn trọng trẻ. Việc mua sắm có thể để sau, cần phải ưu tiên trước hết khi trẻ mệt mỏi hoặc đói.

TRÁC NHI (Theo Tehrantimes)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments