Skip to content

2 Tháng bảy, 2011

Trẻ béo phì tăng 6,2 lần, vì sao?

TTO – Kết quả điều tra dinh dưỡng năm 2009 vừa công bố tại Hà Nội cho thấy nhiều con số khiến các bậc cha mẹ phải giật mình: chỉ trong 9 năm, tính từ cuộc điều tra năm 2000, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì đã tăng 6,2 lần.

Trẻ béo phì tăng 6,2 lần, vì sao?

Một phần nguyên nhân là chế độ ăn “hiện đại”. Ông Lê Danh Tuyên, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nói với Tuổi Trẻ Online:

Ông Lê Danh Tuyên – phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia

Những thay đổi về cơ cấu và khẩu phần ăn uống đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Lượng chất béo động vật trong bữa ăn tăng, xuất hiện các thức ăn nhanh mà trẻ em rất thích. Trong khi đó, thời gian hoạt động thể lực chưa được tương xứng, trẻ em không có chỗ chơi, xem TV quá nhiều. Tâm lý các bà mẹ cũng thích con mình trông bụ bẫm hơn.

Các trạm y tế xã phường đều có biểu đồ tăng trưởng của trẻ, nhưng cha mẹ ít chú ý đến theo dõi biểu đồ tăng trưởng, so sánh cân nặng của con mình với mức chuẩn.

So sánh với điều tra năm 2000, tỉ lệ trẻ béo phì đã tăng 6,2 lần, nhưng tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng vẫn còn 18,9%; suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi lên tới 32,9%. Theo ông, vấn đề nào đáng ngại nhất với tình trạng dinh dưỡng của trẻ em VN hiện nay?

VN đang tồn tại song song hai gánh nặng mà giới chuyên môn hay gọi là gánh nặng kép. Trong đó, thiếu dinh dưỡng chưa giải quyết xong, ở nhiều vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi rất cao, cứ 10 bé dưới 5 tuổi có hơn 3 bé thấp còi.

Nhưng ở thành phố thì tình hình ngược lại, tỉ lệ trẻ béo phì, thừa cân tăng nhanh. Nhiều người nghĩ người lớn thừa cân, béo là giàu có, khá giả, nhưng thực tế thời thơ ấu của người đó có thể bị suy dinh dưỡng và dẫn đến hậu quả hiện tại.

Béo phì ở trẻ em cũng rất nguy hiểm, hậu quả của béo phì ở trẻ em có thể là rối loạn dung nạp đường, rối loạn lipit, có bé béo quá có khi ngưng thở khi ngủ. Những người béo thường có tỉ lệ mỡ trong máu và cholesterol xấu cao.

Còn với suy dinh dưỡng thể thấp còi phải can thiệp nhiều thế hệ mới giải quyết được, ví dụ như mẹ thấp còi có thể đẻ ra con thấp còi, ảnh hưởng chiều cao đạt được qua nhiều thế hệ.

Cái gì quá cũng không hay, béo quá hay suy dinh dưỡng đều là những vấn đề cần quan tâm can thiệp.

Việc “can thiệp” như ông nói sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý phải là trọng tâm, khuyến cáo người dân thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng. Viện Dinh dưỡng cũng đang biên soạn và xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về hoạt động thể lực, bảo vệ sức khỏe. Hoạt động thể lực phải tùy theo lứa tuổi.

Có những hướng dẫn là mỗi người cần tập thể dục, đi xe đạp, chạy bộ… ít nhất 30 phút, theo tôi chưa chính xác. Thời gian, môn thể thao hay loại hình hoạt động thể lực phải tùy lứa tuổi, tùy người khỏe hay ốm, trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên hay người già, phải xây dựng chế độ đặc thù cho từng nhóm.

Hoạt động thể lực cũng có mặt trong 10 lời khuyên dinh dưỡng. Bộ Y tế đang chỉ đạo xây dựng chiến lược dinh dưỡng cho giai đoạn mới. Trong đó, vấn đề ưu tiên là giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi và hướng dẫn bữa ăn hợp lý như đủ năng lượng, chất dinh dưỡng, phòng chống được suy dinh dưỡng thấp còi, chống thừa cân béo phì, bởi đây chính là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh mãn tính không lây có thể làm tăng tỉ lệ tử vong.

Lối sống hiện đại khiến bữa ăn ngoài gia đình – ăn tiệm đang ngày càng phổ biến. Điều này có ảnh hưởng gì đến vấn đề dinh dưỡng?

Kinh tế phát triển thì bữa ăn ở ngoài gia đình sẽ tăng, đó không chỉ là xu hướng ở VN. Nếu không chọn những địa điểm cung cấp bữa ăn có chất lượng thì ăn ở ngoài có thể có những nguy cơ như mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đồ ăn quá nhiều chất béo…

Một vấn đề nữa là nhiều đồ ăn nhanh, ăn sẵn thường mặn, trong khi ăn mặn là yếu tố liên quan đến tăng huyết áp.

Hiện nay có đến 27% dân số trên 25 tuổi tăng huyết áp và là một vấn đề đáng chú ý liên quan đến ăn uống.

LAN ANH thực hiện

Tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2000 ở mức 0,86% ở thành thị và 0,5% ở nông thôn. Năm 2009, tỉ lệ tương ứng là 5,7% và 4,2% (tỉ lệ chung toàn quốc là 4,8%, trong khi năm 2004, tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì nói chung ở mức 1,7%).

Trong khi đó, Viện Dinh dưỡng nhận định suy dinh dưỡng thấp còi là thách thức lớn, với 32,9% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt là ở nhóm trẻ 30-36 tháng tuổi.

(Nguồn: Điều tra dinh dưỡng năm 2009 của Viện Dinh dưỡng quốc gia)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments