Thu Minh: ‘Fan của tôi phần lớn là giới tính thứ ba’
“Người thuộc giới tính thứ ba cảm thụ nghệ thuật nhạy hơn người bình thường và tôi nhận ra họ có đồng cảm lớn với tôi”, Thu Minh thẳng thắn chia sẻ.
Múa không hề là lợi thế của tôi trong Bước nhảy hoàn vũ
– Là dân múa, lại từng chinh chiến với nhạc dance, khiêu vũ với chị hẳn không là một cửa ải khó vượt?
– Để đổ mồ hôi và vất vả thì tôi không ngại. Nhưng cái khó cho tôi lại chính là cái mà mọi người tưởng là lợi thế. Bởi tiếng là gần nhau nhưng ballet và khiêu vũ rất khác nhau về động tác kỹ thuật, và đó là hai trường phái khác hẳn nhau. Ngay bản thân tôi lúc đầu cũng đã lầm tưởng thế khi tập điệu valse và vấp ngay những lỗi căn bản. Chẳng hạn nhảy thì phải di chuyển bằng hai gót chân và hai chân trụ sát vào nhau thì đây tôi lại cứ đi bè ra và bước bằng mũi chân. Thói quen này phải mất 4, 5 ngày tôi mới sửa được. Nhưng tới lúc vào bài lại quên.
– Tại sao từ đầu chị lại không theo hát nhỉ?
– Nói là học múa, nhưng tôi vẫn thừa biết mình sinh ra là để hát. Bởi trước đó, hồi còn học phổ thông, tôi đã từng giành những giải hát về cho trường mình. Nhưng ngày ấy nhìn vào các giải thưởng phong trào kiểu ấy, mấy ai dám mơ trở thành ca sĩ. Tôi nhìn những Nhã Phương, Bảo Yến, Cẩm Vân, thấy nghề ca sĩ nó cao xa lắm. Bố mẹ tôi thì hướng tôi thi vào trường múa, chỉ mong kiếm được cái bằng, rồi ra về một đoàn nghệ thuật nhà nước nào đấy mà làm nghề cho vững…
– Chị có hình dung được mình sẽ thế nào không, nếu đi theo con đường đó?
– Cũng có nhiều lần, tôi gặp lại những bạn học chung với mình ngày trước trong trường múa. Họ vẫn là diễn viên múa, làm trong các đoàn chuyên nghiệp. Tôi cũng chợt nghĩ, nếu như số phận đã không lôi ra khỏi múa, thì bây giờ tôi cũng thế. Kể cũng hơi buồn, nhưng đất của ngành múa đâu có nhiều…
– Nghề hát thì “béo bở” hơn nhiều?
– Thực sự là lúc nào tôi cũng vái tạ tổ nghề vì đa cho tôi được như thế này. Tôi chưa bao giờ là số một. Nhưng đối với tôi, ngôi sao số một không phải là ca sĩ hát hay nhất. Tôi có niềm tự hào về bản thân tôi. Tôi có được sự nghiệp, có sự tôn trọng của mọi người, có sự đánh giá tốt từ giới chuyên môn, từ người nghe. Và hơn nữa, nghề hát này nuôi sống tôi. Tôi được như vậy là quá tốt, hơn biết bao nhiêu người rồi.
– Chị có sợ thất bại?
– Nếu là sợ thì không, nhưng đương nhiên không ai mong muốn mình thất bại rồi. Ai chẳng có những lúc gặp thất bại, nhưng thất bại cũng có khi khiến người ta “được” chứ không chỉ là “mất”. Tôi ngẫm ra, những người thành công hoài cũng mệt lắm, vì chính họ sẽ gặp những áp lực tự thân, rằng lúc nào cũng sẽ phải thành công. Mà leo cao thì té đau, nên tôi luôn cố cân bằng điều đó.
Để có được vị trí hôm nay, cá nhân tôi cũng chẳng phải một sớm một chiều mà đạt được. Gần 20 năm theo nghề, tôi đã nhìn thấy biết bao nhiêu người cùng xuất phát điểm với mình đều đã rời đường đua, trong khi tôi vẫn ở đây. Vậy chặng đường dài phía trước của mình thì sao, tôi phải bình thản thôi để mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn. Tôi ghét tôi hoặc bất cứ ai bắt tôi phải làm cái này cái kia và tạo áp lực cho tôi…
“Fan của tôi phần lớn là… giới tính thứ ba”
– Không ai phủ nhận chị có một giọng hát tuyệt vời. Chị có tự hào?
– Tự hào chứ! Điều tôi tự hào nhất chính là giọng hát. Vì không ai bắt chước nó được đâu. Biết bao nhiêu người hát lại những bài hát của tôi, nếu muốn hay hơn thì chỉ cón cách là hát khác đi.
– Giọng hát và lối hát của chị rất nữ tính. Thậm chí ai tiếp xúc ở ngoài sẽ thấy chị còn rất dịu dàng đúng kiểu gái Bắc. Vậy tại sao trên sân khấu luôn là một quả bóng rất căng, như luôn chực trào bùng nổ?
– Đơn giản là bởi vì mọi người vẫn đang nhớ nhiều đến hình ảnh của tôi khi hát nhạc Tây hoặc nhạc dance. Đó là một Thu Minh của sân khấu. Tôi làm nghệ thuật, tôi phải hiểu mình đang làm gì, hát nhạc gì phải ra loại nhạc đó. Nếu khi hát dân ca hay nhạc Trịnh chẳng hạn, tôi dịu dàng lại ngay.
– Một lý do nữa là chị hẳn biết rõ lợi thế ngoại hình của mình?
– Đúng! “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Tôi sẽ không nhận làm cái gì nếu tôi cảm thấy mình không tự tin. Ngay cả chuyện cách đây mấy năm, chẳng ai nghĩ là tôi có thể đóng cải lương được. Nhưng tôi tự tin mình làm được, và mọi người cũng bất ngờ đúng không?
– Chị thử nghĩ xem, khán giả của chị là ai: đàn ông hay đàn bà?
– Phần lớn “fan” của tôi là… giới tính thứ ba. Tất nhiên vẫn có cả đàn ông, đàn bà, và đa số là nhân viên văn phòng. Người thuộc giới tính thứ ba cảm thụ nghệ thuật nhạy hơn người bình thường và tôi nhận ra họ có đồng cảm lớn với tôi. Còn những người khác, nếu họ có một tư duy mở hơn, hiện đại, thích sự mới mẻ và phóng khoáng thì mới thích tôi được. Người thủ cựu chắc chắn họ sẽ khó chịu, vì nghĩ tôi quá mạnh mẽ.
– Đàn bà chắc sẽ phải ghét chị chứ, vì chị quyến rũ đàn ông?
– Không, tôi không nghĩ như vậy. Tôi cũng có nhiều “fan” là nữ, nhưng họ đều là mẫu phụ nữ hiện đại, quyết đoán, tự tin, có kiến thức, sự nghiệp… Nhưng như chị nói, nếu chị hát nhạc ngoại thì vẫn luôn bị người ta nhìn nhận là một bản sao.
– Trong khi với album “Thiên đường” chẳng hạn, nó lại tạo ra được một diện mạo rất riêng của chị?
– Tôi không phủ nhận, tôi sẽ là một bản sao của những Whitney Houston hay Celine Dion, vì tôi học hỏi những cái hay của họ mà. Điều anh vừa nói cũng đúng, với nhạc dance như Thiên đường, tôi đã làm được một bước tiến trong mình. Đa số người ta nghe nhạc dance là chú ý đến beat và sound của âm nhạc, nhưng với nhạc dance của tôi, người ta cảm nhận được cái cảm xúc phiêu linh và cái máu nghệ sĩ.
– Chị thích nghệ thuật cấp tiến như thế hay những cách làm nhạc pop thời trang và dễ dàng?
– Tôi làm cả hai chứ, tại sao cứ phải chọn một? Với cá nhân tôi, tôi yêu nghề hơn vì mục đích danh vọng. Tôi hát là hát cho tôi đầu tiên. Nếu tôi hát mà cảm thấy mình sướng thật sự, thì cảm giác say mê ấy sẽ cuốn hút người nghe hơn sự giả lả và khiên cưỡng. Quanh đi quẩn lại mà cứ hát mãi một kiểu, thì cũng chẳng khám phá được bản thân.
Tất nhiên, làm cái gì thì cũng phải tùy thuộc vào cái câu “biết mình biết ta” vậy, trong khả năng của mình thì hãy làm. Chẳng hạn tôi không dại dột gì mà nhảy qua nhạc rock. Nhưng một ngày tôi nghe một bản nhạc pop bình dân thôi, tôi thấy nó cũng dễ nghe và mình thì có thể làm hay hơn thì tôi sẽ làm. Đĩa Giác quan thứ sáu đó, người ta bảo nó là nhạc thị trường, nhạc sến, nhưng anh nghe có thấy sến không? Vẫn là tôi đấy chứ? Chỉ đơn giản là một công việc mới, dành cho một đối tượng khán giả khác mà thôi.
– Nhưng hình như chị thực hiện đĩa nhạc này với mong muốn chinh phục thị trường hải ngoại cơ mà, đâu đơn giản là “một ngày thích thì làm”?
– Cũng đúng, tôi muốn nhiều người nghe âm nhạc của mình hơn, kể cả khán giả hải ngoại hay khán giả trong nước. Tất nhiên, album ca sĩ trong nước mà muốn bán được ở thị trường hải ngoại thì phải hát những thứ âm nhạc đặc thù. Chứ còn nếu làm nhạc R&B hay electronic, dance thì người nghe hải ngoại họ đâu cần! Ở đó có cả trăm, cả ngàn ca sĩ quốc tế đang làm những thứ âm nhạc đó, thì chẳng phải chở củi về rừng à?
Quan niệm yêu của tôi không hề thoáng
– Lấn sân thị trường hải ngoại, thực ra chị còn có lý do nào khác?
– Cũng một phần là lý do gia đình. Tôi đã định lấy chồng và người đó là Việt kiều Mỹ. Nếu kết hôn thì tôi sẽ phải qua đó với anh ấy. Nhưng cuối cùng lại thôi! Mối tình này đã thành quá khứ.
– Tức là lại… ế?
– Hiểu đơn giản thì… thế!
– Chắc chuyện yêu đương ở thời điểm này, sự chọn lựa sẽ kỹ lưỡng hơn vì phải nghĩ nhiều đến hai chữ “hôn nhân”?
– Tôi chưa bao giờ yêu mà lại không nghĩ đến hôn nhân cả! Kể cả mối tình đầu khi mới đôi mươi.
– Thật không?
– Suy nghĩ của tôi trong tình yêu không hề thoáng như mọi người có thể nghĩ. Thậm chí có thể nói tôi rất khó tính trong tình yêu nữa. Tôi không dễ hài lòng với bản thân và kể cả đối với đối phương. Tôi luôn muốn hướng đến một gia đinh tốt và một tương lai tốt cho con cái.
– Kể cả với Hoài Sa?
– Kể cả Sa! Trong suốt 8 năm yêu nhau, tôi lúc nào cũng hối thúc anh ấy tiết kiệm, dành tiền cho tương lai. Không hẳn là lúc đó tôi nghĩ chúng tôi sẽ cưới nhau ngay lập tức mà chỉ đơn giản là vì tôi thấy cả nhà anh ấy sống trong một căn nhà nhỏ xíu. Rồi anh ấy lấy vợ về thì ở đâu? Còn nhớ ngày đó tôi cũng giữ tiền cho Sa, nhưng thỉnh thoảng lại thấy anh ấy nói: “Em ơi, anh muốn đổi đàn”. Mà cái đàn là nghề của anh ấy, lại phải đầu tư thôi!
– Đó là mối tình dài nhất của chị?
– Vâng, dài nhất!
– Có lúc nào trong đầu chị thoáng nghĩ rằng, nếu cuộc tình này mà thành thì làng nghệ lại có thêm một cặp đôi nghệ sĩ lý tưởng?
– Nhiều lúc tôi nhìn lại, và ngay cả những người quen biết hai chúng tôi đều nhận thấy, chia tay là đúng. Có thể, mọi người nhìn thấy chúng tôi là một đôi đẹp trên sân khấu, việc hợp tác nghề nghiệp cũng đem lại hiệu quả. Nhưng trong cuộc sống thì khác, tôi thấy đúng là anh ấy phải lấy người như vợ anh ấy bây giờ.
– Vậy còn chị thì nên lấy một người đàn ông thế nào?
– Tôi chưa bao giờ cần người đàn ông giàu có. Nhưng tôi vui cái cảnh hai vợ chồng cùng kiếm tiền, cùng hướng đến một cuộc sống đầy đủ, xây nó từng bước một. Cái câu “của chồng công vợ” là để nói đến cái thành quả chung, là cả hai cùng xây chứ không phải trông vào cột dựa. Cái gì hưởng sẵn, không phải do mình làm ra thì đều không bền. Tuy nhiên, ở vào vị trí của tôi, ngẫm ra cũng là một phụ nữ có vị trí xã hội, nghề nghiệp, lại có thu nhập dễ dàng hơn những người bình thường. Điều đó vô hình trung là một áp lực cho những người đàn ông đến với mình.
– Những đổ vỡ có khiến chị thể tất hơn trong những lựa chọn tiếp?
– Giờ thì khó nói lắm! Cứ nói là đạt tiêu chuẩn này rồi lại thấy lộ ra những điểm khác không phù hợp. Không có gì hoàn hảo hết. Lần chia tay nào nào xong, tôi cũng đều nghĩ, không – tôi không cần tiền, không cần địa vị. Tôi chỉ cần một người có đạo đức, có trách nhiệm và đủ tư cách để trở thành một người cha tốt của con cái sau này thôi. Nói chung, hôn nhân sẽ bền vững khi hai người có thể chấp nhận những nhược điểm của nhau.
– Vậy lý do chia tay có phải chính là ở chỗ đó: không chấp nhận được những nhược điểm?
– Chuyện của tôi nên hiểu thế này. Khi tôi quen anh ấy, một người đàn ông tốt và lấy được lòng tin của tôi, tôi đã hạnh phúc và cảm thấy mình có thể bỏ tất cả ở đây và qua Mỹ làm vợ, làm mẹ. Tôi đã tính như thế, qua Mỹ nhiều lần và lần gần nhất, tôi đã ở lại rất lâu. Rồi một lúc nào đó, tôi hết hồn với bản thân mình. Tôi đã thẫn thờ nhận ra mình không còn là mình nữa, khi hoàn toàn mất đi sự tự chủ của mình. Tôi rất hoang mang và tự đặt ra câu hỏi đây có phải là cuộc sống của mình không? Mình có thể sống như thế này được bao lâu…
– Chị có cực đoan quá không? Vì cho dù chị là ngôi sao đi chăng nữa thì rồi cũng có lúc phải trở thành người phụ nữ của gia đinh chứ?
– Đúng. Tôi có sự nghiệp, con đường và mục đích của mình. Ngay cả đường sự nghiệp thì cũng sẽ có lúc chán, lúc ngưng. Tôi biết điều đó nhưng khi nhìn trực diện vào nó, tôi cảm thấy một cá tính mạnh như mình sẽ không chịu được lâu (?!)
– Cá tính mạnh, chị chắc chứ? Hay đằng sau vẻ cứng rắn ấy, biết đâu lại là một mẫu phụ nữ rất dễ mềm lòng?
– Điều đó đúng. Trông vậy thôi, nhưng quả thực tôi rất dễ mềm lòng.
– Mềm lòng có đủ để tạo đường về cho người vừa rời tay khỏi chị?
– Không đâu! Dù cho đến lúc này, tôi vẫn luôn trân trọng anh ấy. Bởi anh ấy là người đàn ông tốt và vẫn là người bạn tốt của tôi. Nhưng thời điểm này không phải là lúc tôi chọn lựa sự hy sinh ấy: Chia tay sự nghiệp quá sớm để nhận lại một cuộc sống không phải là mình. Tất nhiên đó cũng không hẳn là lý do chính, mà chỉ là động lực để tôi quyết định chia tay. Gắn bó một thời gian, tôi hiểu là có những tính cách bất đồng đang lộ ra.
– Chị có hay soi gương không?
– Nhiều.
– Chị nhìn thấy điều gì?
– Xinh lúc vui, xấu lúc mệt.
– Xinh hay xấu nhiều hơn?
– Mình phải tự tạo động lực cho cuộc sống của mình chứ! Không thể lúc nào cũng bi quan mà phải luôn làm cho mình thấy phấn chấn yêu đời!
Theo Đẹp
Source: Zing