Skip to content

2 Tháng bảy, 2011

Nhà báo và họp báo

TTC – Họp báo là một trong những hoạt động nghiệp vụ không thể thiếu của phóng viên báo chí, để thông tin cho bạn đọc. Thế nhưng, không phải phóng viên nào cũng đi dự họp báo một cách nghiêm túc. Một số phóng viên đi họp báo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” với mục đích chạy sô nhận phong bì là chính.

Nhà báo và họp báo

Hễ ai kêu là chạy

Tôi có anh bạn làm phóng viên của báo P. Ngày thường anh chỉ làm việc theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, thỉnh thoảng mới thấy vài cái tin ngắn ngủn hơn trăm chữ trên báo, viết về các hoạt động văn hóa nghệ thuật của TP. Làm thì ít, chơi thì nhiều, nhưng muốn tìm anh để uống ly cà phê, nói chuyện nghề nghiệp, chuyện văn chương thật khó. Gọi điện thoại lúc nào cũng bảo: “Tớ đang bận, đang làm dự án lớn”. Hỏi kỹ thì anh mới khó nhọc trả lời: “Chạy họp báo kiếm tiền “làm banh” (cá độ đá banh).

Nghe mà xót xa cứ như không có tiền “làm banh” một ngày là cả bộ tộc nhà anh đi “bán muối” hết không bằng. Và không chỉ chạy họp báo đúng với mảng mình phụ trách, anh còn chạy thuê cho bạn bè ở các báo khác để hưởng phần trăm phong bì. Nhưng nếu đó là những sô cùng với mảng mình phụ trách thì cũng xem như “đúng chuyện môn”, đằng này bất cứ có ai kêu là anh chạy, từ mảng kinh tế – giáo dục cho đến thể thao. Vì đi “họp thuê” để nhận phong bì, và “trái tuyến” nên cứ vào phòng họp, anh chỉ có mỗi việc duy nhất là mở máy ghi âm ra rồi ngồi như pho tượng.

Không chỉ những buổi họp báo kiểu “giới thiệu chương trình giải trí” mới có cảnh chạy sô, mà nhiều buổi họp báo, lớp tập huấn quan trọng mang tầm quốc tế như “Lớp tập huấn dành cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí (khu vực phía Nam) tuyên truyền về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa qua (7-8-2010, tại hội trường Thông tấn xã Việt Nam) do Bộ Thông tin Truyền thông làm “chủ xị” cũng diễn ra cảnh chạy sô để nhận phong bì thì hết biết.

Nhìn cảnh các anh chị phóng viên, áo quần láng bóng, chạy vào kí tên, nhận phong bì, tài liệu xong, nhìn xem có ai để ý không liền co giò dọt như ma đuổi. Có nhà báo lịch sự hơn thì ký tên nhận tài liệu có kèm phong bì xong, vào nghế ngồi chưa nóng bàn tọa đã dáo dác như kiểu “ai kêu tui đó” rồi tia mắt “một vòng trái đất” xem có ai để ý mình không, liền lặn một hơi mất dạng.

Bệnh xài giờ “dây thun”

Đã có rất nhiều nhà báo, nhiều bài báo phê phán căn bệnh xài giờ dây thun trong các tiệc cưới. Thế nhưng, lại có không ít phóng viên lây nhiễm căn bệnh không có thuốc chữa này. Căn bệnh này lây sang các phóng viên có nhiều lý do. Một là do bận chạy sô nơi khác, hai là do bản tính lề mề và cuối cùng là thích đi trễ để gây sự chú ý cho nhiều người.

Anh H., giám đốc truyền thông công ty T, nạn nhân của các phóng viên xài giờ dây thun cho biết: “Mỗi khi có họp báo, công ty thường trừ hao từ 30 – 60 phút so với giờ chính thức, nhưng hầu như ít có nhà báo nào đi đúng giờ, ngoại trừ khách mời là đối tác của công ty”.

Còn nhớ cách đây không lâu, tại một cuộc họp báo ra mắt đoàn làm phim ở trung tâm tiệc cưới lớn trên đường Hoàng Văn Thụ cũng xảy ra tình trạng này. Theo giờ ghi trên thiệp thì 17h đón khách, 17h30 vào lễ chính thức, thế nhưng hơn 18 giờ vẫn còn vài phóng viên mới chịu “hiện hình”. Dĩ nhiên, chuyện xài giờ dây thun của phóng viên, nhằm lôi sự chú ý của các diễn viên “chân dài” và được nhiều người chú ý, nhưng mà khổ nỗi là chú ý bằng con mắt hình viên đạn. Bởi lẽ, chiêu thức rẻ tiền của các phóng viên này không ai còn lạ gì, nhưng rõ ràng nó đã làm loãng không khí của buổi ra mắt đoàn làm phim.

Rồi không chỉ xài giờ dây thun, nhiều phóng viên còn mắc thêm bệnh về sớm, như tại lớp tập huấn cho các phóng viên dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chẳng hạn: Theo thông báo, lớp tập huấn sẽ diễn ra 2 ngày, nhưng sau đó rút ngắn lại 1 ngày.

Thế nhưng, chỉ chưa hết buổi sáng, vào giờ giải lao cho các phóng viên ăn bữa lỡ, đã có nhiều phóng viên ăn uống no say thì “biến”. Báo hại vị cán bộ trong ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cứ thắc thỏm không biết có phải vì mình nói dở không mà sau buổi ăn bữa lỡ, số lượng phóng viên tham dự vơi đi rất nhiều.

“Cách đây khoảng 1 tháng, công ty tôi tổ chức hợp báo đơn vị X ra mắt sản phẩm mới. Giấy mời ghi giờ rõ ràng, nhưng nhiều phóng viên vẫn cố tình đi trễ, rồi khi vào họp, lãnh đạo công ty lên phát biểu chưa hết bài, lúc ngẩng đầu nhìn xuống chỉ còn lác đác vài người khiến cho vị lãnh đạo này “chết đứng” như Từ Hải vì ngượng.

Sau vụ đó, công ty tôi bị đối tác trừ phân nửa tiền trong hợp đồng.” – Ông L. chuyên gia tổ chức sự kiện công ty X than thở giọng bức xúc. Việc chạy sô họp báo vừa kể trên chỉ rải rác trong một số ít nhà báo, tuy nhiên đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến cái nhìn của các giới về tác nghiệp của các nhà báo chân chính. Buồn thay!

DÃ QUỲ

 

Tuổi Trẻ Cười số 430 (15-06-2011)  hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments