Những phụ nữ thế thân
Nghe theo lời hứa hẹn và vì món lợi trước mắt, nhiều phụ nữ đã trở thành kẻ thế thân trong những chuyến vận chuyển ma túy cho các đối tượng người nước ngoài.
Từ ngày 23 đến 28/6, TAND TPHCM xét xử vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy đối với Ben Blessed (SN 1980, quốc tịch Nigeria) và đồng phạm. Ngày 28/6, TAND TPHCM sẽ tiếp tục đưa ra xét xử vụ án liên quan đến đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, quốc tế đối với Nguyễn Thị Xuân Hương và đồng phạm.
Bị lôi kéo phạm tội
Theo cáo trạng, ngày 21/7/2009, tại một khách sạn trên địa bàn quận Bình Tân-TPHCM, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) – Bộ Công an bắt quả tang Phạm Thị Thanh Trang (SN 1978) đang mang theo một cuốn sổ bìa cứng, bên trong có 2 túi ni lông màu đen chứa heroin và đôi dép da, trong đế dép có 2 túi ni lông chứa heroin.
Tại cơ quan điều tra, Trang khai nhận cuốn sổ, đôi dép là của Ozogu John (SN 1980, quốc tịch Nigeria, bạn trai của Trang) và Ben Blessed đưa cho Trang để chuyển cho một phụ nữ Việt Nam khác mang sang nước thứ 3. Cũng trong ngày 21/7/2009, Bộ Công an bắt quả tang Anyanwu Chima Stanley (SN 1978, quốc tịch Nigeria, được Ben Blessed thuê khâu lại đế dép) đang cất giữ một đôi dép da màu nâu, trong đế dép có chứa heroin và một túi dụng cụ dùng để khâu dép.
Khám xét chỗ ở của B.T.H.H (bạn gái Ben Blessed), công an thu giữ 68 cúc áo, bên trong chứa bột màu trắng nghi là heroin (chất bột màu trắng này sau khi giám định không phải là heroin, song về ý thức chủ quan, Ben Blessed nghĩ là heroin nhờ H. cất giữ và đang định vận chuyển sang nước thứ 3, Ben Blessed phải chịu trách nhiệm hình sự về 68 cúc áo này). Ben Blessed được xác định là kẻ cầm đầu đường dây, lôi kéo một số phụ nữ Việt Nam vận chuyển gần 693g heroin từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó đưa sang nước thứ 3 để tiêu thụ.
Bị cáo Ben Blessed (bìa phải) và đồng phạm tại tòa ngày 23/6.
Cũng như nhiều đồng hương khác, Ugah Victor Uchenna (tức Frank, SN 1971, quốc tịch Nigeria) nhập cảnh Việt Nam theo đường du lịch, hết hạn visa không về nước mà cư trú bất hợp pháp tại TPHCM. Frank chung sống như vợ chồng với Cao Thị Mỹ Dung (SN 1961), cùng Dung lôi kéo Nguyễn Thị Xuân Hương (SN 1955, bạn của Dung) cùng một số người khác vào đường dây mua bán, vận chuyển ma túy.
Hương được Philip (quốc tịch Nigeria) yêu cầu thuê thêm người cùng Hương nhiều lần mang 4 hộp nước trái cây (2 hộp to trọng lượng khoảng 2 kg/hộp, 2 hộp nhỏ có trọng lượng 1,5 kg/hộp) chứa heroin về giao cho Philip. Sau đó, Philip đặt vấn đề thuê Hương bán số heroin đó với giá 100 triệu đồng/hộp nhỏ và được Hương nhận lời. Để thực hiện trót lọt, Hương đã lôi kéo con gái, con rể cùng tham gia. Sau khi bán được 500 g heroin, Hương và đồng phạm bị bắt quả tang với gần 6,4 kg heroin. Ngoài ra, từ tháng 8/2008 đến 6/2009, Hương đã tham gia vận chuyển hoặc giới thiệu người đi Ấn Độ 3 lần lấy hàng và 9 lần sang Trung Quốc để giao hàng cho Philip.
Cái giá phải trả
Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/6, Ben Blessed cùng hai đồng phạm gốc Phi không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng lời khai nhận của Trang là dối trá, bản thân họ không biết gì. Thậm chí bị cáo Ozogu John cho rằng việc Trang nhận lời vận chuyển ma túy cho Ben Blessed là việc của Trang. “Trang hỏi bị cáo là Trang có thể đi không, bị cáo nói tùy Trang nhưng Trang nói cần tiền nên nhận lời’’- Ozogu John khai.
Còn Trang, mỗi lần có dịp nhìn về phía sau, chị ta lại bật khóc. Không nghề nghiệp ổn định, sau khi ly dị chồng, cuộc sống của Trang thực sự khó khăn khi phải nuôi hai con còn nhỏ. Rồi Trang tình cờ gặp Ozogu John và làm quen với nhóm bạn gốc Phi của anh ta. Được anh ta ân cần chăm sóc, hứa hẹn, Trang đã tin tưởng chung sống cùng John và dần dần được đưa vào đường dây vận chuyển ma túy. Là người trực tiếp mang heroin từ Pakistan về Việt Nam, sau đó tìm người vận chuyển sang Trung Quốc, Trang bị truy tố khoản 4, điều 194 BLHS, có mức án từ 20 năm, tù chung thân, tử hình, hai đứa con một 13 tuổi, một 8 tuổi phải sống nương nhờ vào bà ngoại tuổi tác đã cao.
Còn Nguyễn Thị Xuân Hương mua bán với số lượng trên 6 kg heroin, bị truy tố theo khoản 4, điều 194. Kẻ chủ mưu người gốc Phi đã cao chạy xa bay còn gia đình chị ta thì tan nát khi có đến 3 người phải ngồi tù, trong đó, con gái của chị ta đã chết trong thời gian bị tạm giam.
Trong vụ án còn có Cao Thị Mỹ Dung, người phụ nữ hai lần gãy gánh, sau đó chung sống như vợ chồng với Frank, trở thành công cụ, phương tiện đắc lực của anh ta, lôi kéo bạn bè, người thân tham gia đường dây vận chuyển ma túy. Em trai của Dung tham gia đường dây này đã bị bắt và bị xử lý tại Trung Quốc.
Diễn biến phức tạp Hội nghị sơ kết công tác giải quyết các vụ án về ma túy có đối tượng là người nước ngoài do VKSND Tối cao tổ chức vào tháng 4/2011 tại TPHCM đã công bố trong 3 năm (2008 – 2010), các cơ quan chức năng đã bắt giữ và khởi tố trên 35.000 vụ phạm tội về ma túy, trong đó, khởi tố 92 vụ, với 127 đối tượng người nước ngoài. Đặc biệt, các đối tượng người châu Phi, chủ yếu là người Nigeria lợi dụng một số phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ, cả tin, có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết để kết bạn, làm tình nhân hoặc lấy làm vợ, biến họ thành một mắt xích vận chuyển ma túy thuê. Mỗi chuyến trót lọt, những phụ nữ này được hưởng số tiền 300 – 1.000 USD. Tuy nhiên, nếu bị bắt, cái giá họ phải trả có thể là cả sinh mạng của họ và người thân. |
TheoVy Thư
Người lao động
Source: Báo Dân Trí