Skip to content

7 Tháng Mười Một, 2011

Lương thực tế của những nghề trong mơ phim Hollywood

Nhiều năm qua, phim ảnh đã tạo nên hào quang cho vô số nghề nghiệp, từ điệp viên, hầu bàn cho đến bảo vệ. Tuy nhiên, mức lương thực tế của các công việc này lại không phải trong mơ.

CNBC đã tiến hành một cuộc khảo sát, lấy dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ và các trang web tìm việc uy tín để xác minh xem liệu rằng tiền lương thực tế của những công việc đó có giúp các nhân vật mua được căn hộ nọ, lái chiếc xe kia hay ăn ở nhà hàng đó hay không.

1. Nhân viên lắp cáp

Phim: The Cable Guy
Mức lương thực tế: 34.000 USD/năm

Trong bộ phim “The cable guy” do Jim Carey thủ vai chính năm 1996, anh đã đưa người bạn thân nhất đến ăn tối tại Medieval Times. Trên thực tế, theo ông Ricardo Salazar, giám đốc marketing của Medieval Times, thì bữa ăn cho hai người ở chỗ VIP tại đây có giá tới 128,3 USD. Mức giá như vậy là quá xa xỉ đối với một người chỉ nhận được 654 USD/tuần.

2. Lập trình viên

Phim: Office Space
Mức lương thực tế: 71.380 USD/năm

Trong bộ phim “Office Space” năm 1999, Ron Livingston đóng vai một lập trình viên cáu kỉnh. Dù không đạt doanh thu phòng vé cao, nhưng bộ phim cũng gây được tiếng vang lớn nhờ những câu thoại hài hước.

Office Space đã khắc họa chính xác cuộc sống của một lập trình viên, đặc biệt là về tài chính. Với mức lương trung bình là 71.380 USD, nhân vật chính hoàn toàn có thể trả tiền thuê hàng tháng cho một căn hộ đơn, mua xe hơi cỡ trung bình và chi trả cho dịch vụ giặt quần áo.

3. Điều tra sự việc kỳ bí

Phim: Ghostbusters

Trong bộ phim “Ghostbusters” năm 1984, Bill Murray, Dan Aykroyd, và Harold Ramis đóng vai các cảnh sát điều tra những sự việc thần bí. Đầu phim, cả ba đều gặp rắc rối với vấn đề tài chính, nhưng về sau, khi họ liên tục thành công với việc bắt được yêu tinh, thì tiền bạc lại rất rủng rỉnh.

Thực tế là, cuộc sống của những điều tra viên không đẹp đẽ được như vậy. Họ không chỉ không có lương hàng tháng, mà thậm chí nhiều người còn chẳng nhận được đồng nào. Ngay cả Jason Hawer – ngôi sao của show truyền hình thực tế “Săn ma” – cũng vẫn phải bám trụ vào nghề lắp ống nước để đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

4. Trợ lý kho

Phim: The 40-Year-Old Virgin
Mức lương thực tế: 21.290 USD/năm

Bộ phim “The 40-Year-Old Virgin” làm năm 2005 kể về một trợ lý kho do Steve Carell đảm nhiệm vai chính. Anh làm cho một cửa hàng điện tử, sống một mình trong căn hộ đơn tại một chung cư. Với mức lương 21.290 USD mỗi năm, lẽ ra nhân vật này phải tìm thêm một bạn cùng phòng để chia sẻ tiền thuê hàng tháng. Nhưng để bù lại, anh ta đã chọn cách đi làm bằng xe đạp thay vì ô tô. Nhờ đó, anh có thể để dành tiền cho việc thuê nhà, trả phí bảo hiểm ô tô và tiền gas.

5. Bảo vệ

Phim: Roadhouse
Mức lương thực tế: 23.920 USD

“Roadhouse” được sản xuất năm 1989 do Patrick Swayze thủ vai chính. Nhân vật của anh là Dalton – một bảo kê được thuê đến một quán bar chỉ để làm hai việc: uống cà phê và tống khứ những vị khách quá chén. Dalton tốt nghiệp Đại học New York và có biệt tài đánh người ta đến gẫy xương mà không hề suy chuyển một cọng tóc.

Bảo vệ quán bar cũng được coi là một nhánh của ngành công nghiệp an ninh và lương trung bình cho những người làm nghề này là 23.920 USD/ năm. Đây không phải là số tiền lớn, thế nên nhân vật của Swayze chỉ có thể chi trả 100 USD tiền thuê nhà hàng tháng. “Roadhouse” đã hoàn toàn phản ảnh đời sống chân thực của một bảo vệ quán bar.

6. Nhà văn

Phim: Sex and the city

Đây là bộ phim điện ảnh được dựng dựa trên seri phim truyền hình nổi tiếng cùng tên trên HBO năm 2008. Trong đó, Sarah Jessica Parker thủ vai Carrie Bradshaw – một nhà văn làm việc tại tạp chí Vogue. Cô có một căn nhà sang trọng tại khu cao cấp Manhattan và có sở thích đặc biệt với những đôi giày xa xỉ.

Gần như tất cả các nhà văn đều thừa nhận rằng cuộc sống xa hoa này là quá phi thực tế. Ngay cả tác giả của Sex and the city – bà Candace Bushnell – cũng tiết lộ rằng mình đã phải vật lộn rất nhiều năm trong tình trạng thiếu thốn, thậm chí có năm bà chỉ nhận được 8.000 USD.

7. Trợ lý cá nhân

Phim: The Devil wears Prada
Mức lương thực tế: 39.000 USD

Bộ phim “The Devil wears Prada” năm 2006 có sự góp mặt của diễn viên Meryl Streep trong vai tổng biên tập độc đoán. Ann Hathaway đóng vai cô trợ lý tội nghiệp, không mấy quan tâm đến thời trang và phải luôn chân luôn tay để hoàn thành được hết những đòi hỏi vô lý của vị sếp khó tính.

Với mức lương thực tế là 39.000 USD, cộng với việc ở cùng bạn trai đã có công ăn việc làm, thì việc cô thư ký có thể thuê được một căn nhà giá rẻ ở Manhattan là hoàn toàn có lý. Hơn nữa, những bộ quần áo mà cô mặc trong phim dù đắt tiền và thời trang nhưng chúng đều được lấy từ tủ quần áo mẫu của Vogue, và hoàn toàn miễn phí.

8. Nữ bồi bàn

Phim: As Good As It Gets
Mức lương thực tế: 20.790 USD/năm

Trong bộ phim hài năm 1997 “As Good As It Gets”, Helen Hunt đóng vai một nữ phục vụ trong nhà hàng. Thoạt nhìn thì 20.790 USD có vẻ thấp, nhưng trên thực tế, thu nhập của những người làm nghề này chủ yếu đến từ tiền boa của khách, và nó còn cao hơn nhiều so với lương cứng. Như vậy thì thực tế, lương mà nhân vật của Hunt nhận được có thể lên tới 40.000 USD/năm, vì vậy, việc cô mua được một căn hộ tại Brooklyn cũng không phải là khó tưởng tượng.

9. Phi hành gia

Phim: Apollo 13
Mức lương thực tế: 82.921 USD

Khi trẻ con được hỏi chúng muốn làm gì khi lớn lên, đa phần chúng đều trả lời rằng muốn trở thành cảnh sát, lính cứu hỏa hay phi hành gia. Bộ phim “Apollo 13” năm 1995 đã làm dấy lên khao khát bay vào vũ trụ và thám hiểm những vì sao của rất nhiều người trẻ tuổi.

Trên thực tế, không chỉ bản thân nghề này rất hấp dẫn, mà mức lương cũng thực sự rất cao. Những người làm cho General Schedule 12 của Mỹ kiếm được 65.140 USD/năm, còn các đồng nghiệp của họ tại GS 13 lại được trả tới 100.701 USD. Vì vậy, cuộc sống trung lưu dư dả của Tom Hanks trong phim cũng chẳng có gì phải bàn cãi.

10. Bảo vệ đêm

Phim: Night at the museum
Mức lương thực tế: 27.000 USD/năm

“Night at the museum” là bộ phim hài được sản xuất năm 2006 do Ben Stiller thủ vai chính. Trong phim, anh là một nhân viên bảo vệ ca đêm cho Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ tại New York. Mọi chuyện trở nên rắc rối khi vào ban đêm, tất cả các mẫu vật trưng bày tại đây đột nhiên sống lại, anh phải đối đầu với bộ xương khủng long khổng lồ, tượng sáp của tổng thống Theodore Roosevelt và cả xác ướp nữa.

Tuy nhiên, sang đến phần 2 “Night at the Museum: Battle of the Smithsonian” năm 2009, nhân vật của Stiller lại chuyển nghề sang làm kinh doanh và trở thành một doanh nhân giàu có. Đây là một chuyển biến lớn đối với anh ta vì mức lương thực tế dành cho một bảo vệ đêm chỉ có 27.000 USD/năm.

Hà Thu (theo CNBC)

Source: Báo VNExpress

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments