Skip to content

12 Tháng Mười, 2011

Tôi học nghề “nề kép” 

TTC – Nhà đông anh em nên tôi phải nghỉ học chữ sớm để học nghề. Ba tôi nói muốn vừa học vừa có tiền để phụ giúp gia đình thì chỉ có nghề làm thợ nề kép là phù hợp với tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, có chút hoa tay và thân hình còm nhom của tôi hơn cả.

Chuyện vui nghề nghiệp

Tôi học nghề “nề kép” 

Thấy tôi lưỡng lự, ba tôi nói “Hiện giờ người ta đang cần làm mới, tu tạo nhiều đình chùa, lăng mộ, miếu đền, nhà thờ họ… nên thợ nề kép được ưu ái trọng vọng lắm”. Được khen “có hoa tay” tôi xuôi tai ngoan ngoãn theo ba đi bái sư.

Sư phụ tôi là nghệ nhân có tiếng trong ngành. Ông hành nghề đã gần nửa thế kỷ và đã để lại nhiều dấu ấn “Long-Ly-Qui- Phụng”, “Tùng-Trúc-Cúc-Mai” trên nhiều công trình cổ xưa tại địa phương tôi. Theo thầy học nghề tôi cũng lắm gian nan.

Cũng như nhiều đồng nghiệp, mỗi khi lên giàn tác nghiệp, thầy tôi đều tỏ ra nghiêm nghị, trịnh trọng và pha chút… bí mật. Đúng như câu dân gian thường nói “Thợ lên giàn như Thành hoàng về đình”, đó chính là lúc người học nghề dưới giàn bị sai chạy không kịp thở. Ngoài vật liệu, vôi vữa còn nước tưới, nước uống, lửa hút thuốc… thợ học việc phải trèo lên giàn đưa tận tay, có khi phải kề tận miệng nếu tay thợ chính bị dính vôi vữa.

Tôi được một anh đã bỏ nghề (chắc không có hoa tay!) rỉ tai: “Muốn học mau phải quan sát kỹ thao tác của thầy. Cậu có nhớ cái chuyện thầy lấy ngón tay chọc vào đống phân rồi đưa lên mút và bảo học trò làm theo không? Đấy! Phải quan sát kỹ ngón nào chọc, ngón nào mút. Mấy ông Thợ kép này cũng hay có động tác… giấu nghề lắm.” Nghe lời anh ta, để có nhiều thời gian quan sát, tôi “tống” lên đầy hộc vữa, chất đầy vật liệu, nước nôi lên giàn. Tôi đang cố nhét cho đầy giàn thì nghe ông la toáng lên: “Chi rứa ? Sập giàn chừ !” Thế là tôi lại phải lọ mọ “hạ tải”.

Kế này không xong, tôi tranh thủ những lúc bưng nước uống cho thầy, tôi đứng nấn ná trên giàn “quan sát”. Không biết cố ý hay theo thói quen, uống nước xong ông mở gói thuốc Cẩm Lệ ra vấn vấn vê vê! Không nói tôi cũng phải hiểu đó là dấu hiệu “Xuống lấy tí lửa lên đây!”.

Từ trên độn cát cao (thầy trò đang làm lăng ở vùng biển) mà xuống nhà dân, giữa trời nắng chang chang, cát nóng như rang để chỉ xin một cục than củi cho ổng hút thuốc đúng là hành trình gian khổ. Một lần oải quá, tôi ngồi lì dưới làng hơi lâu, đinh ninh thế nào cũng bị la rầy.

Nhưng khi tôi đem cục than về thì thấy ông đang phì phà điếu sâu kèn Cẩm Lệ trên môi. Thấy tôi ngơ ngác, ông móc cái bật lửa xăng ra nói: “Cực chẳng đã phải dùng cái ni. Chứ cái hơi xăng nó đã độc mà còn làm điếu thuốc… mất ngon”.

Hôm sau đi làm tôi đem theo mấy gốc cây khô đượm than, kê 3 cục gạch làm bếp, bắc lên ấm nước chè tươi rồi… “nổi lửa lên em”. Thế là thầy tha hồ hút thuốc, uống nước. Còn tôi tha hồ quan sát thao tác của thầy… Đã vậy còn được thầy khen: “Thằng ni… được” làm tôi phổng mũi!

Tình thầy trò ngày dần khăng khít. Những lúc làm lăng mộ giữa đồng không mông quạnh hay độn cát nóng rát da, ông đã thân mật rỉ rả những chuyện vui buồn, kinh nghiệm nghề nghiệp ông đã nếm trải từ thuở “điếu đóm, bưng bê” cho đến khi được “lên giàn như Thành hoàng về đình”. Tôi chăm chú lắng nghe và áp dụng để nâng cao tay nghề. Duy có một bí mật dù được được bật mí nhưng cho đến nay tôi vẫn không thể làm theo ông được, đó là cứ hết ngày làm việc, ông không rửa tay ngay mà tìm chỗ khuất để “tự… tưới tay”.

Xong xuôi, đứng nhìn trời ngó đất một chút rồi mới đi rửa tay bằng nước. Theo ông thì “Cái anh vôi vữa kị cái thằng nước tiểu. Nhờ hắn (nước tiểu) mà mấy chục năm hành nghề ông không bị vôi ăn nứt nẻ, rỉ máu tay”.

ĐÀO QUANG BẮC (Huế)

 

Tuổi Trẻ Cười số 437 (01-10-2011)  hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments