Skip to content

11 Tháng Mười, 2011

Học và dạy Đại học ở Bỉ

(Dân trí) – Bài này không có chủ đích quảng cáo cho Đại học Bỉ. Những miêu tả dưới đây đi từ quan sát của một người nhiều năm nghiên cứu trong ngành xã hội học về giáo dục chứ không phải là người lo marketing cho các trường.

Không có một phương pháp học và dạy Đại học duy nhất. Yếu tố cá nhân rất quan trọng. Bên cạnh đó, khác trình độ, khác Phân khoa, phương pháp cũng khác.

 

Về phía sinh viên, học Đại học thì phải làm gì?

 

Mỗi năm, vào khoảng sau lễ Phục Sinh tháng tư, các trường Cao Đẳng và Đại học ở Bỉ thường tổ chức những ngày “sinh hoạt mà cửa rộng mở” cho học sinh trung học đến dự thính, xem cách sinh hoạt của các trường để các em hiểu rõ hơn trước khi chọn lựa học môn học, ngành học. Sau khi quyết định, các sinh viên tương lai còn có thể ghi tên dự khóa học “dự bị vào Đại học” thêm, vào tháng 8, trước khi nhập học. Các khoá này giới thiệu những phương pháp làm việc ở Đại học, giúp bồi dưỡng ngắn ngày cho vài môn khó như Toán, Lý Hóa để ôn tập lại vốn hiểu biết tối thiểu cần thiết cho những sinh viên dự định theo các ngành này mà trước đó, lúc học Trung học, chưa thu thập đầy đủ.

 

Nhưng ngỡ ngàng trước thềm Đại học có thể là tâm trạng của một số sinh viên trẻ. Các em thành người lớn, hết được dẫn dắt như hồi còn ở trung học. Chỉ còn người hướng đạo khoa học. Giáo sư Đại học không biết tên sinh viên trừ những nhóm bài tập do các phụ giảng đảm trách. Không có kiểm tra hiện diện – trừ số ứng dụng ở phòng thí nghiệm, một lần nữa, ở đây cũng do các trợ tá của giáo sư đảm nhiệm. Không có bài kiểm tra mỗi tuần.

 

Học Đại học không có nghĩa là chỉ đi nghe các bài giảng. Về nhà học thuộc và sau đó đi thi. Mà là hòa mình vào môi trường, thiết lập và nắm vững chương trình học của bản thân để đi dự các khóa, gặp bạn đồng môn, gặp thầy, tổ chức thời gian, tìm và áp dụng phương pháp học thích hợp, thường xuyên xem những chỗ nào cần nắm thấu đáo, những khó khăn cần vượt qua, tự đi tìm hiểu sâu hơn những gì các giáo sư giảng (đọc thêm sách, tra cứu, … ), xem thời dụng biểu các kỳ thi, nghiên cứu những yêu cầu của các môn thi và … không quên dành thì giờ cho bản thân (sinh hoạt cộng đồng, tiêu khiển, thể thao,…).

Phải thích nghi với nếp sống mới, ý thức được mặt trái của cái “tự do” này là bổn phận phải học cho mình. Nếu không thì tới lúc cận kề ngày thi sẽ trở tay không kịp. Nhất là môi trường Đại học thì lúc nào cũng đầy những sinh hoạt hấp dẫn – lễ nhập học, lễ đỡ đầu, lễ mừng Giáng sinh, sinh hoạt thể thao, xi nê, kịch, hòa nhạc, …hầu như tuần nào cũng có dịp để “giải trí, chơi bời” và … uống rượu. Dĩ nhiên, phương pháp học của sinh viên còn thay đổi tùy theo ngành học.

 

Cuối cùng, nếu cần các em còn có thể đi gõ cửa cơ quan tư vấn về tâm lý và phương pháp học của Đại học để nhờ giúp cho trường hợp riêng của mình.

 

Không thích ứng được với môi trường mới, chọn không đúng ngành, không đúng sở thích cũng có thể là một nguyên nhân giải thích thất bại năm đầu.

 

Nguồn gốc gia đình có thể là một rào cản: thật vậy, học Đại học không nằm trong vũ trụ của những biểu tượng của tất cả thanh niên và thanh nữ tốt nghiệp trung học vì những lý do xã hội và văn hóa. Lý do tài chính không quan trọng bằng. Rốt cục, con cái những gia đình không có truyền thống Đại học có nhiều khả năng chọn theo đường cha mẹ dù các em có khả năng,  dù rằng tiền học không nặng, dù có thể xin trợ cấp và học bổng khi cha mẹ không giàu.

 

Cấu trúc chương trình học theo tín chỉ

 

Thêm một chi tiết bắt sinh viên tự lập tự chủ. Lên phương án chương trình riêng cho mình theo các tín chỉ, tổ chức thời dụng biểu cá nhân…

 

Một cách khái quát, tham khảo trang nhà của Đại học Liège hay bất cứ Đại học hoặc trường Cao đẳng nào ở Bỉ ta thấy cấu trúc của chương trình học theo tín chỉ. Mỗi tín chỉ tương đương với 24-30 giờ làm việc của sinh viên (trong đó có giờ nghe giảng bài, giờ theo làm các bài tập ứng dụng với trợ giáo, giờ thực tập ở phòng thí nghiệm hay trên thực tế – xí nghiệp, bệnh viện, giờ làm khảo cứu, viết báo cáo, ôn tập ở nhà hay để chuẩn bị bài vở cho kỳ thi).

 

Thông thường, các phân khoa khoa học tự nhiên và kỹ sư định nghĩa 24 giờ cho một tín chỉ trong khi đó, các phân khoa học xã hội thì tính 30 giờ cho một tín chỉ.

 

Số tín chỉ của các môn đã được “ấn định” bằng số trung bình của cả giáo sư và sinh viên qua kết quả một cuộc khảo sát điều tra hoàn chỉnh và khoa học (để hoàn thành chủ đích của môn này phải cần bao nhiêu thời gian ?) trước đó.
 

(hình minh họa – nguồn ảnh: internet)

 

Sự ấn định này dựa trên ý kiến của giáo sư phụ trách môn và  trên nhận định của sinh viên nên nhiều khi, cùng một môn học, của một giáo sư dạy nhưng số tín chỉ khác nhau vì sinh viên các ngành khác nhau, nhận định môn học khó dễ khác nhau.

 

Thí dụ môn Thần kinh học 45 giờ trên giảng đường của một giáo sư được tính 4 tín chỉ cho sinh viên ngành Phạm tội học trình độ Thạc sĩ nhưng 6 tín chỉ cho sinh viên Luật khoa ở trình độ Cử nhân và 3 tín chỉ cho sinh viên Thạc sĩ Sinh học.

 

Một năm học cần 60 tín chỉ. Trường Cao Đẳng 3 năm tốt nghiệp, ra đi làm trực tiếp được. Đại học 3 năm đầu, sau 180 tín chỉ, bằng Bachelor chưa chuyên khoa, theo nguyên tắc không đi làm được mà để học tiếp lên thạc sĩ.

 

Chương trình Thạc sĩ 2 năm thì thêm 120 tín chỉ nữa (có vài loại Thạc sĩ chỉ cần 1 năm hay 60 tín chỉ).

 

Trong mỗi chương trình có những môn bắt buộc, nhất là trong những năm đầu, để mỗi sinh viên đều có những hiểu biết nền tảng tối thiểu, ngoài ra là những môn tự chọn tùy theo sở thích, sở trường và dự định đường hướng tương lai cá nhân của mỗi sinh viên.

 

Từ định nghĩa của tín chỉ tới phương pháp sư phạm

 

Trên thực tế, đa số các bài giảng ở Đại học, nhất là ở bậc cử nhân, vẫn theo lối diễn thuyết – ex cathedra – với những phương tiện nghe nhìn hỗ trợ nhưng vẫn là lối “truyền hiểu biết”.

 

Mỗi giáo sư nhiều khi phải đứng trước một giảng đường với nhiều “thành phần” sinh viên khác nhau vì sinh viên các ngành khác nhau tự do thiết lập chương trình học của mình, phải làm sao cho môn mình trong sáng với diễn tiến theo một vận tốc phù hợp để tất cả mọi người đều theo được. Điều này là một khó khăn rất lớn.

 

Bên cạnh bài giảng, còn có những bài tập thực hành giúp sinh viên ứng dụng ngay những hiểu biết vừa tiếp thu. Những bài tập này đa dạng, có thể là những bài làm của từng nhóm, của cá nhân, làm với giáo sư, với các trợ giáo, hay tự làm một mình. Thực hành ở phòng thí nghiệm cho các môn khoa học thiên nhiên và kỹ sư, mổ xẻ tử thi cho y khoa và thú y, 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Những tiểu luận có hướng dẫn cũng nằm trong chương trình, giúp sinh viên phát triển khả năng tự học, bắt đầu đi vào nghiên cứu, tìm tòi, tự bó buộc mình phải rèn luyện cách viết báo cáo khoa học, …

 

Trong chương trình Thạc sĩ, sinh viên còn có thể có những thời kỳ thực tập để quen với môi trường nghề nghiệp và mang vào ứng dụng những kiến thức lý thuyết vừa học.

 

Những chủ nhiệm phụ trách các sinh viên thực tập là những người hành nghề có sứ mang truyền kinh nghiệm – một sứ mạng sư phạm – , Họ ở ranh giới giữa môi trường nghề nghiệp ròng và Đai học. Đi thực tập, sinh viên chuyển tiếp một cách nhẹ nhàng từ “trường” qua “sở”, từ lý thuyết qua thực hành, từ “sinh viên” qua “chuyên viên”.

 

Khoa học gia và khả năng dạy?

 

Tất cả những giáo sư ở Đại học đều là những khoa học gia có trình độ cao. Nhưng tất cả những nhà khoa học không là những nhà sư phạm bẩm sinh.

 

Ta không thể dạy như chính bản thân đã được dạy? Thời thế đã đổi thay. Ở Bỉ chúng tôi chứng kiến nhiều biến chuyển về vấn đề này. Đến năm 2007, một Tiến sĩ nếu muốn dạy Đại học, phải thực hiện thêm một luận án khoa học thứ nhì, bảo vệ luận án này và hoàn thành một bài giảng “mẫu” để Hội đồng giám khảo phán đoán về khả năng sư phạm của ứng viên. Bằng này tiếng Pháp gọi là Agrégation de l’enseignement supérieur tương đương với bằng Habilitation (bằng có khả năng điều khiển các nghiên cứu) bên Anh. Thành ra các giáo sư thời ấy thường là đã trên 40 thậm chí 50 tuổi.

 

Sau 2007, bằng Tiến sĩ và từ hai đến bốn năm nghiên cứu sau Tiến sĩ là đủ. Bù lại, phải hội đủ số các bài báo khoa học và các bằng phát minh – brevet hay Patent – và qua Hội đồng bổ nhiệm của Phân khoa.

 

Song song với đó từ 2007, một chương trình đào tạo sư phạm thành gần như bó buộc cho tất cả nhân viên giảng huấn từ trợ giáo đến giáo sư chưa bổ nhiệm (vì nguyên tắc tự do hàn lâm nên hiện chương trình này không là bó buộc tuyệt đối. Có  thể trong tương lai sẽ khác đi).

 

Chương trình sư phạm này gồm một số “bài giảng” chung cho các phân khoa. Bên cạnh đó là những môn đặc thù hơn về các kỹ thuật sư phạm – sinh hoạt nhóm nhỏ, nhóm lớn, dạy học bằng dự án, tổ chức dạy lý thuyết từ trường hợp cụ thể, các hình thức đánh giá, … Tất cả chương trình hiện là 54 buổi, nhân viên giảng huấn muốn có chứng chỉ sư phạm phải dự ít nhất là 10 buổi và viết một bài tổng kết kinh nghiệm.

 

Một giáo sư “giỏi”?

 

Chữ “giỏi” được đặt trong dấu ngoặc vì phạm trù này không chính xác. Có thể nói một cách khác, khách quan hơn  : các vai trò của một giáo sư  thì đúng hơn .

– chia sẻ đam mê để gây hứng thú cho sinh viên

– kêu gọi và tạo cơ hội cho sinh viên “nhập cuộc” dù trong một giảng đường 400 người, đưa ra những lý do biện minh cho bài giảng, chủ đích và ích lợi thực tiển của bài giảng, phương pháp áp dụng, chờ đợi của người giảng và thực tiễn nhất, nêu rõ những gì sinh viên cần nhớ sau mỗi bài.

– chú ý tới những giới hạn về tâm sinh lý của sinh viên bằng cách cho nghỉ giải lao, thay đổi chủ đề, ngừng giảng, thay đổi cường độ ánh sáng trong giảng đường hay phòng học, quản lý thời gian một cách rành mạch, dùng khôi hài như một trong những kỹ thuật dạy học để gây chú ý và “hạ nhiệt” giảng đường ,…

– có giáo trình hoàn chỉnh, cập nhật để giúp sinh viên dễ định hướng, theo bài giảng

– nghe phản hồi từ phía sinh viên, giải quyết những khó khăn của sinh viên

– tự đánh giá hàng ngày qua quan sát sự chăm chú của sinh viên hay cường độ tiếng ồn trong giảng đường

– mỗi năm, qua tỷ lệ sinh viên thi đỗ, thi rớt môn của mình, tự đặt câu hỏi về trách nhiệm của mình.

 

Sinh khí và hồ hởi

 

Nếu sinh viên năm đầu bước vào Đại học có “ngỡ ngàng” thì một sinh viên như tôi, hồi trước, đã rất hồ hởi khi được học với Pierre Bourdieu, Renée Fox, Edgard Morin, Raymond Boudon, Alain Girard, … các nhà xã hội học lớn của ngành này. Chẳng những các giáo sư này “kể chuyện” rất trong sáng, họ còn có sức lôi cuốn sống động – vì họ trình các “con đẻ” (công trình nghiên cứu khoa học) mà họ nâng niu chăm chút từ lúc mới cấu thành đến lúc vững chãi. Đi cùng họ vào căn nhà khoa học còn thú vị hơn là … được đi xem vườn Thượng uyển của các bậc vua chúa thời xưa.

 

                                                                  Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                         Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí – Tùy theo truyền thống văn hóa và lịch sử, mỗi nước xây dựng và phát trển đại học có những nét riêng, không thể lặp lại hoàn toàn kinh nghiệm của nước khác, tuy nhiên có những nguyên lý giáo dục ở bậc đại học có tính phổ biến, chúng ta có thể tìm thấy ở bài viết trên. Đó là việc nâng cao tính tự lập, tự chủ của sinh viên; việc giảng dạy lý thuyết gắn liền với việc làm các bài tập ứng dụng và thực hành ở phòng thí nghiệm; sinh viên còn phải làm các tiểu luận giúp nâng cao năng lực tự học và bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học.

 

Yêu cầu đối với giáo sư giảng dạy đại học ở Bỉ phải là một nhà khoa học thực thụ, đồng thời cũng nắm vững phương pháp sư phạm. Giáo sư vẫn dùng phương pháp thuyết giảng là chủ yếu, có sự trợ giúp của các phương tiện nghe nhìn, và đương nhiên còn gợi ý cho sinh viên những tài liệu cần đọc thêm. Nhiều bài giảng của giáo sư được chắt lọc ra từ chính những công trình nghiên cứu khoa học của mình, thêm vào đó là cách trình bầy sinh động, tạo ra sức cuốn hút đối với số đông sinh viên. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân  tạo nên sự hào hứng và say mê học tập, nghiên cứu của sinh viên để làm nên chất lượng của giáo dục đại học.

 

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments