Skip to content

11 Tháng Mười, 2011

90% vi phạm của luật sư liên quan đến đạo đức và ứng xử

Liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết, trong các vi phạm của luật sư hiện nay có khoảng 80-90% thuộc về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Tuy nhiên, đa số các đoàn luật sư không xử lý vi phạm này.> Cấm luật sư quan hệ bất chính với khách hàng

Ngày 10/10, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật luật sư năm 2006 – những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sau 5 năm thi hành Luật Luật sư, số lượng luật sư tăng lên rất nhanh. Riêng tại TP HCM tăng 380%. Nếu cuối năm 2006, thành phố này có gần 1.500 luật sư và luật sư thực tập thì nay con số này tăng thành hơn 4.000.

Ông Tâm cho biết, thực tiễn các luật sư có giúp đỡ nhau trong hành nghề và trong sinh hoạt giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, vẫn có luật sư còn thiếu tôn trọng đồng nghiệp, thực hiện các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh để giành khách hàng về cho mình, vi phạm quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Thái Thịnh.
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Thái Thịnh.

Con số của Liên đoàn đưa ra có đến 80- nghề nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có Đoàn luật sư Hà Nội và TP HCM xử lý nhiều, còn lại các Đoàn luật sư khác bỏ qua. “Kể từ khi Luật Luật sư có hiệu lực, đến đầu tháng 7, Đoàn luật sư TP HCM đã khiển trách một người, cảnh cáo 6, tạm đình chỉ tư cách thành viên 6 tháng với một luật sư, xóa tên 6 người”, luật sư Nguyễn Minh Tâm dẫn chứng.

Theo ông Tâm, trong đội ngũ luật sư hiện còn tình trạng chưa thực sự tận tâm, chưa thực sự dũng cảm đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Họ coi nghĩa vụ của mình chỉ là một loại dịch vụ để kiếm sống.

Có một thực trạng là nhiều người chỉ muốn lấy bằng chứng chỉ để đánh bóng tên tuổi chứ không sống bằng nghề luật sư. Luật sư Nguyễn Thế Phong đến từ Đoàn luật sư tỉnh Long An cho biết, ở tỉnh này chỉ có một nửa luật sư sống bằng nghề còn lại sống bằng nghề buôn bán.

Luật sư Phan Hoài Trung (Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi Luật sư Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng, quá trình thi hành Luật Luật sư cho thấy sự phát triển “nóng” về số lượng. Tuy nhiên, con số này chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của thị trường dịch vụ pháp lý, bởi hiện nay kỹ năng hành nghề của một số luật sư, nhất là người trẻ còn hạn chế và thiếu kinh nghiệm.

Luật sư Nguyễn Thế Phong cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là người tập sự hành nghề luật sư hiện nay có rất ít cơ hội được tiếp cận với những quy định mới của pháp luật. Hầu hết kiến thức pháp lý là lý thuyết được trang bị từ lúc học chương trình cử nhân luật. “Luật luật sư không cho phép người tập sự tham gia tố tụng nên không tạo ra cơ chế để thực hành nghề nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng việc tập sự bị rơi vào hình thức, chất lượng kém”, ông Phong nói.

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) dẫn chứng trong quá trình tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp cũng như tham gia chấm thi các kỳ kiểm tra hết tập sự bà phát hiện các bài thực hành đại đa số sinh viên chuẩn bị ở một số lĩnh vực như tư vấn thành lập doanh nghiệp và tư vấn hôn nhân gia đình. Trong khi đó tư vấn thành lập doanh nghiệp đã có mẫu sẵn ở Sở Kế hoạch đầu tư.

Luật sư Nga nhấn mạnh, nếu không cho luật sư tập sự một công việc cụ thể thì khó phát huy tính sáng tạo. Bà ví như vậy chẳng khác nào cho họ xuống biển mà không được bơi. “Theo tôi nên quy định cho người tập sự hành nghề luật sư được tham gia tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm. Đây là cơ hội để họ cọ sát thực tế”.

Một trong những vấn đề được nhiều luật sư đặt ra đó là tình trạng bị cản trở trong quá trình tác nghiệp.

Cũng như luật sư Hằng Nga, luật sư Trần Mỹ Thoa, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM cho biết, kể từ khi Luật Luật sư được ban hành thì quyền của luật sư có thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều vụ luật sư vẫn gặp khó khăn khi tham gia giai đoạn điều tra.

Có luật sư cho rằng bị kéo dài thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, khuyên người bị tạm giữ hoặc bị can, bị cáo từ chối luật sư… Ngoài ra, họ chỉ đóng vai trò “nhân chứng” và “hỗ trợ tinh thần” cho thân chủ của mình mà không có bất kỳ sự can thiệp nào vào quá trình thẩm vấn. “Điều này ảnh hưởng đến quyền hành nghề của luật sư và lợi ích khách hàng”, luật sư Nga nói.

Để Luật Luật sư được hoàn thiện hơn trong thời gian tới, ông Trần Hữu Huỳnh (Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam) cho rằng phải xem nghề luật sư là một dạng cung cấp dịch vụ. Ông nói, bất cứ hành vi hoặc quy định nào cản trở tiến hành các dịch vụ này khiến phí dịch vụ tăng đều phải rà soát sửa đổi cho phù hợp.

“Tôi nghĩ, khi sửa đổi Luật cần phải đa dạng hóa các thành phần. Có thể chúng ta mời Viện kiểm sát, cơ quan cảnh sát điều tra đến để họ phản biện lại những quan điểm của luật sư chúng ta”, ông Huỳnh gợi ý.

Luật Luật sư được Quốc hội khóa 11 thông qua tháng 6/2006, có hiệu lực từ tháng 1/2007. Sau hơn 5 năm thi hành đã phát sinh những bất cập, vướng mắc về một số vấn đề như đào tạo nghề luật, tập sự hành nghề luật sư… Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 của Quốc hội.

Thái Thịnh

Source: Báo VNExpress

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments