Skip to content

14 Tháng Mười, 2011

“Vua hài đất Việt”: Không hơn một gêm-sô!

TTC – Đầu tháng 10-2011, Cuộc thi Vua hài đất Việt sẽ bước vào vòng chung kết với 24 thí sinh của hai miền Nam – Bắc tranh tài tại Hà Nội.

“Vua hài đất Việt”: Không hơn một gêm-sô!

Ba vị giám khảo NSƯT Hồng Vân, NS Đức Hải, Minh Nhí cứ lặp đi lặp lại một câu nói “Em có hiểu hông?” với hơn 300 thí sinh trong suốt hai vòng sơ tuyển & bán kết tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, khi giải thích cho thí sinh thế nào là hài sau khi xem vô số những tiểu phẩm hài vớ vẩn quá sức chịu đựng.

Các tiểu phẩm này đã khiến đa số người có mặt ở sân khấu Sai Gon Superbowl đều cảm thấy như “bị tra tấn”. 2/3 các tiểu phẩm dự thi đều là giả gái! Một thí sinh khi được hỏi vì sao thích diễn vai “hai hệ” với phấn son lòe lẹt, độn ngực, độn mông, đi đứng ẻo lả… đã trả lời tỉnh queo: “Vì như thế sẽ mau nổi tiếng như anh Hoài Linh, Thành Lộc” hoặc: “Em thấy bây giờ làm pê-đê dễ chọc cười nhất”.

Kiểu tư duy chủ đề tiểu phẩm đơn giản đến mức không thể tin nổi lại là nội dung của cuộc thi chọn “vua hài”!

Vì là thí sinh tự do, đến với cuộc thi với mong ước được trở thành vua hài và ẳm số tiền giải thưởng 100 triệu đồng, với nhiều trình độ, nghề nghiệp khác nhau, nhưng có một điểm chung là cách nhìn nhận tiếng cười ở tầng rất thấp, khiến cho những ai theo dõi vòng sơ tuyển và bán kết đều cảm thấy lo ngại. Bởi không trải qua các lớp học về nghệ thuật biểu diễn, đa số đều cóp-py thần tượng hài kịch. Phần nhiều đều bắt chước Hoài Linh, Thành Lộc, Xuân Hinh, Thúy Nga, Việt Hương, Vân Dung…

Do thi không kiểm duyệt trước kịch bản, nên các thí sinh tự nhiên quăng những câu nói dung tục, phản cảm. Hành động sân khấu thì lố lăng, như chuyện thay trang phục ngay trên sân khấu; vén quần, vén áo, đòi hỏi chuyện tình dục hoặc ví von, so sánh những đồ “phụ tùng” của các nhân vật giả gái rất cường điệu, kệch cỡm… Hội chứng pha giọng các vùng miền, đố tục giảng thanh thật khó chấp nhận. Có thí sinh bê nguyên xi tiểu phẩm, cách diễn của Hoài Linh để chọc nhưng cười không nổi!

Nếu sân khấu tấu hài đã từng được báo chí nhắc nhở, phản ảnh sự xuống dốc của tiếng cười với nạn giả gái, lời thoại dung tục, nhại giọng, pha tiếng, mang những ngôi sao của các lãnh vực khác ra làm trò cười, thì những gì diễn ra ở cuộc thi là bản sao thảm hại của tấu hài từng bị chê trách.

VTV3 làm thế nào để phát sóng những tiết mục nhố nhăng như vậy và sẽ giải thích thế nào với khán giả xem đài về cái chuẩn của tiếng cười? Riêng ba vị giám khảo thì luôn miệng phân tích để rồi “bó tay” khi thí sinh chẳng thể tiếp thu nổi ý kiến.

Có cả trường hợp ba vị giám khảo lần lượt ứng biến, leo lên sân khấu thử tài thí sinh, nhưng rồi cũng chẳng tạo được hiệu quả. NSƯT Hồng Vân thú nhận “Nếu đây là buổi tuyển sinh một lớp diễn viên trẻ thì sẽ rất thuận lợi, vì tất cả thí sinh rất tự tin. Sự tự tin của họ làm chúng tôi – những nghệ sĩ đang làm nghề phải nể. Vì có những tiểu phẩm họ tự tin diễn đến mức chúng tôi chóng mặt.

Cái khó của ban giám khảo là phân tích để các bạn trẻ hiểu tiếng cười mang mục đích gì trong diễn xuất và biểu cảm, cố gắng lau sạch những gì thừa thải và cố gắng chọn ra 12 thí sinh vào vòng chung kết. Nhưng rõ ràng chúng tôi chưa thể quyết định ngay mà phải xem lại băng đã quay để chọn cho chính xác”.

Như vậy, ngay cả ban giám khảo cũng cảm thấy lúng túng, họ sẽ làm gì nếu không tìm được một vị vua để bước lên ngai vàng?

Không khác gì một show truyền hình bình thường nhưng cuộc thi Vua hài đất Việt đã khiến không ít các nhà chuyên môn phải lên tiếng. Ngay trong buổi họp báo tại TP.HCM, đã có nhiều ý kiến cho rằng tham vọng của cuộc thi sẽ khó thành hiện thực. Bởi thực tế, để trở thành diễn viên hài có đẳng cấp được công chúng công nhận phải có thời gian lao động nghệ thuật và tạo được thương hiệu bằng tài năng riêng, không thể chỉ qua một cuộc thi. Muốn trở thành “vua hài” thì yêu cầu càng cao hơn nữa.

Minh Nhí – thành viên Ban giám khảo, bộc bạch: “Tôi boăn khoăn nhiều khi nghĩ đến tên gọi của cuộc thi. Mặc dù các nhà báo đã góp ý nhưng BTC vẫn để tên cuộc thi như hiện nay. Thế nhưng có thể vì những áp lực khác mà BTC vẫn giữ việc sẽ tìm ra… vua hài. Gần 35 năm phấn đấu cho nghề, bản thân tôi, Hồng Vân hoặc anh Đức Hải chưa bao giờ dám xưng mình là danh hài”.

Cùng tâm trạng với NS Minh Nhí, nghệ sĩ Đức Hải cũng rất băn khoăn với mỹ từ “vua hài” và việc chọn vua hài không phải chỉ là cách chấm điểm, bỏ phiếu kín để có ngay một “ngai vàng”.

Nhưng nói gì thì nói, cả ba vị giám khảo của cuộc thi tại khu vực phía Nam, đang đối diện với những lo âu khi cuộc thi được phát sóng. NSƯT Chí Trung – Nhà hát Tuổi Trẻ tâm sự: “BTC có mời nhưng tôi từ chối, vì không thể cho mình cái quyền chấm điểm để chọn ra một người làm vua hài của cả nước.

Cái tên của cuộc thi làm tôi ái ngại vô cùng”. Phải chi ba vị NSƯT Hồng Vân, Minh Nhí, Đức Hải “có gan” như NSƯT Chí Trung để từ chối làm giám khảo cho cuộc thi “Vua bắt chước các danh hài để giả gái, làm PD” này thì hay biết mấy. Bởi vì chính cái tên của Hồng Vân, Minh Nhí và Đức Hải đã làm tăng phần uy tín cho giải và sự phấn khởi của thí sinh. Chúng ta giả sử như anh Hai Cù Nèo, Cô Tú (Quán mắc cỡ)… làm giám khảo cho cuộc thi này thì có thí sinh nào thèm thi không?

Ở vòng chung kết tháng 10, chỉ mỗi NSƯT Hồng Vân được mời ra Bắc chấm thi. Theo BTC là “để đỡ kinh phí vì phải lo cho 12 thí sinh từ Nam ra Bắc”. Thế mới biết để chọn ra Vua hài còn phải thắt lưng buộc bụng…

HIỆP SĨ THƠM

 

Tuổi Trẻ Cười số 437 (01-10-2011)  hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments