Skip to content

12 Tháng Mười, 2011

Làm dâu xứ Hàn – Kỳ 1: Lạc lối ở Seoul

TT – Nhắc đến Hàn Quốc, người ta thường nghĩ ngay đến những hình ảnh lãng mạn, những khuôn mặt điển trai của các ngôi sao màn bạc. Cùng với trào lưu phim ảnh thời trang…, hai từ Hàn Quốc đang trở thành địa danh của “miền đất hứa”.

Làm dâu xứ Hàn – Kỳ 1: Lạc lối ở Seoul

Đó là nơi mà nhiều cô gái Việt chọn như một quê hương thứ hai, bên một gia đình chồng nơi phương trời xứ lạ…

Phóng viên Tuổi Trẻ đã sang tận Hàn Quốc để khắc họa một cách đầy đủ và chân thật nhất chân dung cô dâu Việt tại nơi được xem là “miền đất hứa” này.

Cô dâu Đặng Thị Hai và chú rể Kim Yoon Kyu trong đám cưới ra mắt gia đình chồng tại Hàn Quốc – Ảnh: THẾ ANH

Chúng tôi đáp chuyến bay từ TP.HCM đến Incheon khi trời Hàn Quốc vừa sáng. Hành khách trên chuyến bay chủ yếu là những đôi vợ chồng Hàn – Việt vừa về thăm quê. Lẫn trong dòng người làm thủ tục là khoảng 20 cô dâu Việt mới lần đầu đặt chân đến Hàn Quốc với đôi giày không vớ và chiếc áo khoác mỏng manh dù ngoài trời âm 10 độ. Ở bàn làm thủ tục, nhiều người bối rối trước tờ khai, tiếng í ới gọi nhau như ong vỡ tổ. Nỗi lo sợ hiện rõ trên khuôn mặt còn rám nắng của những cô dâu trẻ.

Hội ngộ nơi quê chồng

Tranh thủ trong lúc chờ làm thủ tục, chúng tôi bắt chuyện với cô dâu Nguyễn Thị Hoa, quê ở Bạc Liêu. Hoa cho biết: “Được bạn bè giới thiệu, tôi đăng ký lấy chồng Hàn qua một số người môi giới. Sau khi đăng ký, tôi được gọi lên TP.HCM ở trong một ngôi nhà tại quận Tân Bình với khoảng 50 người nữa. Ban ngày thì phụ chủ bán cà phê, lúc nào có người Hàn đến xem mặt thì họ chở đến một khách sạn gần đó. Để tránh công an, nhiều lúc cuộc xem mặt được sắp đặt vào lúc giữa khuya. Chờ đợi đến hơn ba tháng thì tôi mới được chọn. Qua chọn vợ cùng chồng tôi là mẹ chồng.

Sau khi xem mặt xong thì đám cưới được tổ chức ngay ngày hôm sau. Xong đám cưới mẹ chồng tôi về trước, còn tôi với chồng đi Vũng Tàu chơi một ngày rồi anh ấy cũng về luôn, tôi ở lại chờ hoàn tất thủ tục mới bay qua sau. Tưởng sau đám cưới sẽ có chút đỉnh tiền giúp cha mẹ, nhưng ai ngờ những người môi giới chỉ đưa cho gia đình tôi được 5 triệu đồng…”.

Khi được hỏi về thông tin của chồng, Hoa thật thà: “Tôi cũng chẳng biết ảnh làm nghề gì, thu nhập bao nhiêu, gia đình có bao nhiêu người. Chỉ biết ảnh năm nay 45 tuổi, đã có một đời vợ và hiện đang sống ở Seoul. Hi vọng là không gặp xui, vì tôi thấy ở quê mình ai đi lấy chồng Hàn Quốc cũng xây cho cha mẹ được nhà tường hết”.

Sợ chúng tôi không tin, Hoa rút từ túi quần ra một tờ giấy đã nhàu ghi tên người chồng theo cách phiên âm rồi nói thêm: “Tên ảnh tôi còn không nhớ nữa mà, lâu lâu phải lôi tờ giấy ra đọc cho quen. Qua đây tôi chỉ có số điện thoại của ảnh hà, ảnh mà không đón thì cũng chẳng biết đi về đâu…”.

Vừa qua khỏi cổng hải quan, những cô dâu trẻ đã nháo nhác tìm chồng. Ở sảnh sân bay, những ông chồng trông bằng tuổi cha chú họ cũng láo liên tìm kiếm. Người thì mang theo bó hoa, người thì cầm theo chiếc áo khoác, nửa mừng, nửa thẹn thùng dìu nhau về giữa gió tuyết. Đấy là lần thứ hai họ gặp mặt nhau dù đã là vợ chồng!

Hơn một giờ sau, ở sảnh chờ của sân bay chỉ còn lại một mình cô dâu Đặng Thị Vân. Trên tay cô cầm tờ giấy ghi số điện thoại của chồng, cô chạy đi chạy lại trước chiếc điện thoại công cộng. Nhiều lần gọi điện cho chồng nhưng không liên lạc được, Vân bật khóc: “Có ai giúp tôi với, giờ chồng không ra đón thì tôi biết đi về đâu”.

Sau một hồi chờ đợi, cuối cùng chồng Vân cũng tới trong bộ đồ công nhân vừa tan ca đêm. Như nhiều cô dâu Việt khác trong ngày đầu tiên đặt chân về nhà chồng, Vân cũng chẳng biết điều gì sẽ chờ đợi mình ở phía trước.

Bất chợt tôi nhớ đến lời tâm sự của một cô dâu đã ly dị chồng gặp trên chuyến bay: “Ngày mới qua tôi như một đứa trẻ con lớn xác. Tiếng không biết, chữ nghĩa cũng không, lại không nghề nghiệp, mọi thứ đều lệ thuộc vào gia đình chồng. Với đa số, khi lấy chồng Hàn Quốc nghĩa là chấp nhận cuộc chơi đỏ đen của số phận. Nhiều người đã cảm thấy lạc lối ngay từ ngày đầu tiên bước chân đến nhà chồng…”.

Những cô gái VN xếp hàng để các chú rể Hàn chọn tại một trung tâm môi giới ở quận Tân Bình, TP.HCM… – Ảnh: T.A.

Thiên đường ảo vọng

“Qua Hàn Quốc, mỗi cô dâu Việt giữ một quả đồi”, đó là câu nói cửa miệng nửa đùa nửa thật của nhiều người mà chúng tôi thường nghe thấy trong hành trình khắc họa những chân dung cô dâu Việt ở xứ sở kim chi. Họ nói về cảnh cô quạnh, theo nghĩa đen và bóng, của những người con gái Việt khi đến xứ Hàn. Với cô dâu Nguyễn Thị Vân cũng vậy, những tưởng qua Hàn sẽ được làm dâu ở một thành phố hiện đại, ai ngờ nơi chị về làm dâu cũng hẻo lánh chẳng khác gì miền núi Bắc Giang quê chị. Vẫn đèo núi heo hút, vẫn những cánh đồng bậc thang với cái cuốc, luống cày…

Vân sinh năm 1982, quê huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Chị biết đến người chồng của mình qua những người môi giới cách nay ba năm. Vân nhớ lại: “Trong một lần về thăm quê, người hàng xóm của tôi lân la bắt chuyện rồi kể về cuộc sống ở Hàn Quốc như một thiên đường. Người này nói chỉ cần đăng ký lấy chồng Hàn, khi đặt chân đến sân bay Hàn Quốc rồi thì chẳng bao giờ muốn về VN nữa. Hai tháng sau, người hàng xóm cùng những người môi giới dẫn về một người đàn ông mà theo họ nói là một giám đốc ở Seoul, mới 40 tuổi…”.

Đám cưới vội vàng diễn ra ngay sau ngày gặp mặt. Chồng chị về nước trước, còn Vân được người môi giới đón qua sau. Sự thật phũ phàng bắt đầu hiện ra sau cái ngày Vân bước về nhà chồng. Cô kể trong tiếng cười chua chát: “Qua đến sân bay, những tưởng nhà chồng ở ngay thành phố, ai ngờ người môi giới chở đi hoài đi hoài mới tới. Vừa bước ra khỏi xe thì tôi hỡi ôi, xung quanh bốn bề là núi non, căn nhà của chồng lọt thỏm giữa cánh đồng heo hút. Đón tôi ở cổng là một bà già ngoài 80 tuổi, trên tay cầm củ khoai lang nhai móm mém… Tôi bật khóc và đòi về nước ngay, nhưng những người môi giới không cho nên đành buông xuôi theo số phận!”.

Nơi Vân về làm dâu là một làng quê nghèo thuần nông ở ngoại ô thành phố Dangjin, cách Seoul gần 200km. Chồng Vân không phải là một giám đốc như người ta từng giới thiệu, mà chỉ là một nông dân bình thường, đã có một đời vợ với hai đứa con riêng. Người đàn ông đó cũng không còn trẻ như cô từng biết mà đã ngoài 52 tuổi, gần gấp đôi tuổi Vân. Và ngoài việc làm vợ, hằng ngày cô còn phải chăm sóc người mẹ chồng già nua, lẩm cẩm…

Không biết lấy một từ tiếng Hàn để giao tiếp, không biết gì về văn hóa nhà chồng, Vân cô độc trước những câu hỏi lớn của đời mình: Chấp nhận ở lại hay quay về? Nếu ở lại, mình sẽ là nàng dâu hay người ở? Và rồi Vân đã chấp nhận ở lại, vì dù sao cũng đã lỡ bước sang ngang… Cứ thế, cuộc sống trôi qua một cách buồn bã và tẻ nhạt. Ngày hè thì Vân ra đồng phụ chồng hái ớt, trồng rau; ngày đông thì chăm con, phục vụ mẹ chồng già nua… Giữa chốn đồi núi heo hút, chỉ mình Vân với nỗi tủi hổ làm dâu xứ lạ. Từng mùa đông cứ lặng lẽ đi qua, mặc cho những nếp nhăn trái mùa hằn nỗi buồn lên tuổi xuân đời cô…

THẾ ANH

—————————————-

Một tay xoa bụng bầu, Lan kể có lần do không biết tiếng, mẹ chồng bắt chị quỳ gối, hai tay nâng ghế suốt đêm. Có lần xích mích, mẹ chồng xé hết quần áo rồi đuổi ra ngoài trong trời giá rét… Không phải là chuyện phổ biến nhưng ở nhà tạm lánh này đó là chuyện thường tình…

Kỳ tới: Chuyện từ nhà tạm lánh

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments