Skip to content

6 Tháng Mười, 2011

Người mẫu nam sau ánh hào quang – Kỳ 5: Đường đến thành công

TT – Làng người mẫu đã có một câu chuyện thú vị: hai anh em cùng học một thầy và cùng trở thành những siêu mẫu được chú ý.

Người mẫu nam sau ánh hào quang – Kỳ 5: Đường đến thành công


Người mẫu Hồ Đức Vĩnh trên sàn diễn – Ảnh: Gia Tiến

Đó là Hồ Đức Vĩnh (sinh năm 1984), giải đồng Siêu mẫu VN 2003 và người em họ Đỗ Nguyễn Hoàng Long (sinh năm 1988), chủ nhân của giải vàng Siêu mẫu VN năm 2009.

Cậu bé phụ việc và chàng siêu mẫu

“Nhiều bạn trẻ bây giờ nghĩ về nghề đơn giản quá. Họ đến với nghề cũng dễ dãi quá. Chỉ cần làm mấy thứ vớ vẩn, nhảm nhí cũng đã được các trang thông tin mạng đưa lên tới tấp rồi tưởng mình là “sao”. Họ được công chúng biết đến không phải bằng tài năng hay cống hiến gì cho nghệ thuật mà là những chuyện đời tư tầm thường, những phát ngôn ngớ ngẩn”, siêu mẫu Hồ Đức Vĩnh ngán ngẩm nói.

Để đứng được trên sàn catwalk và tạo dựng một cái tên như hiện nay, Hồ Đức Vĩnh phải trải qua một thời gian dài học nghề từ những việc lặt vặt trong hậu trường.

Đầu năm 2002, Vĩnh đến Idecaf (Q.1) xin được học việc. Trước mỗi show diễn 8 giờ tối hằng tuần của Idecaf thì lúc 5g30 chiều Vĩnh đã có mặt để nhặt rác, quét dọn…, phụ dựng cảnh, treo màn, bắc ghế… Gần tới giờ lên sàn diễn, ai nhờ gì Vĩnh làm đó. Cậu bé hăm hở cầm đồ diễn đưa cho người mẫu thay rồi máng đồ của họ lên móc. Ai muốn ủi quần áo, Vĩnh ghim điện giùm hoặc ủi đồ diễn giúp. Khi buổi trình diễn kết thúc, người mẫu về nhà, còn Vĩnh thì lui cui xếp trang phục, bỏ vô thùng đưa cho nhà thiết kế mang về…

“Hồi đó làm những việc lặt vặt vậy nhưng mà thấy vui – Đức Vĩnh nói – Tôi thích trở thành người mẫu nhưng hoàn toàn không biết gì về nó nên muốn có một khoảng thời gian làm quen”.

Và Vĩnh đã cảm nhận được cả một kho tàng sống về thế giới người mẫu, biết tất cả các chuyện trên sàn diễn, trong hậu trường. Anh biết đóng từng cái đinh trên sàn diễn, trải tấm bạt trên đường băng để người ta bước đi. Đó là những giá trị nghề nghiệp mà chỉ có trải qua mới cảm nhận được.

“Tôi thấy thương nghề, thích nghề hơn từ những việc lặt vặt đó. Tôi biết trân trọng, nâng niu hơn từng trang phục diễn, từng bước đi của mình”, Vĩnh tâm sự.

Đức Vĩnh còn nhớ rất rõ ngày được thầy gọi lại bảo sẽ được diễn chung với các anh chị nổi tiếng trong chương trình hằng tuần của Idecaf. Chàng trai sướng lâng lâng cả ngày. Vĩnh đến từ rất sớm, ngồi đợi hậu đài tới phụ làm những việc lặt vặt như mọi lần và nôn nao chờ tới giờ diễn.

“Xúc động nhất là khi ánh đèn vàng đánh thẳng vô mặt. Lung linh, lạ lắm…”, Vĩnh hào hứng kể lại khoảnh khắc đẹp ấy. Anh kể tiếp: “Hồi đó ý thức của người mẫu cao lắm. Tối diễn thì cả ngày đó chạy phăng phăng ngoài nắng tới gặp tất cả các nhà thiết kế lấy trang phục. Mình phải chủ động gặp trước, năn nỉ nhà thiết kế cho thử đồ để khắc phục ngay những sự cố nhỏ như quần quá ngắn, quần hoặc áo hơi chật… Còn bây giờ nhà thiết kế phải mang đồ diễn tới tận nơi mà nhiều lúc người mẫu còn không thèm tới thử”.

Và khi Vĩnh tỏa sáng, vầng hào quang của nó đã mang đến cho Vĩnh những vinh dự mà nhiều người ao ước, trầm trồ: là người mẫu nam duy nhất xuất hiện trên sân khấu đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2008. Và chính anh cũng là siêu mẫu nam duy nhất được mời tham dự buổi dạ tiệc cùng tân Hoa hậu Hoàn vũ 2008 với gần 80 người đẹp nhất thế giới!

Chàng người mẫu cao 1,87m chia sẻ: “Tôi mê đường băng, bị cuốn hút bởi ánh đèn sân khấu, được thử thách bản thân khi diễn cho được cái thần, cái ý tưởng của từng kiểu trang phục chứ không phải vì được mặc những bộ quần áo sang trọng, đắt tiền. Sau này khi dạy cho các em, tôi luôn nói: Đừng nghĩ nghệ thuật là một nghề để mưu sinh, mà chỉ có hai chữ “cống hiến” thì nghề mới đem lại cho mình nhiều thứ”.

Bảy năm cho một danh hiệu

Năm 2002, khi tìm đến biên đạo chương trình Hoàng Ngọc Sự tầm sư học đạo, Hoàng Long mới 18 tuổi. “Từ lâu thầy đã không nhận học trò vì tuổi đã cao. Nhưng vì quý học trò ruột của mình là anh Hồ Đức Vĩnh nên thầy chịu nhận tôi”, Hoàng Long kể.

Mỗi tuần một lần, cậu đi xe buýt từ Củ Chi lên Bến Thành rồi đi bộ sang đường Phạm Ngũ Lão, nơi thầy ở trọ. Cái hành lang dài 6m, ngang nửa mét là nơi Hoàng Long chập chững bước chân non nớt học diễn catwalk, tập đi theo nhạc. Thầy Sự phải nép vào một bên chỉ cho cậu học trò đi từng bước chân như thế nào, động tác tay và biểu cảm gương mặt ra sao…

Hoàng Long kể: “Thầy bảo người mẫu nam khi diễn catwalk chân phải bước dài, vai, lưng và đầu phải luôn luôn thẳng. Khi bước đi phải cảm thấy mình là một người đàn ông thật sự”. Mỗi buổi chỉ học 80 phút. Thương học trò nghèo, thầy không lấy học phí lại còn cho tiền học trò đi xe buýt, ăn uống. Nhiều bữa trước khi tập, hai thầy trò mượn bếp chủ nhà nấu mì gói ăn. Học được bốn tháng, thầy bảo: “Con có thể tự bươn chải với nghề được rồi”.

Hoàng Long là một trong số 20 gương mặt được lựa chọn từ hơn 1.000 người đăng ký chương trình “Chào tuổi teen” (phát sóng trên HTV9 vào chiều chủ nhật hằng tuần trong một năm). Do mỗi lần quay để phát sóng cho tám số trong hai tháng nên mỗi buổi ghi hình kéo dài ba tiếng, từ 9g sáng đến trưa, có bữa tới chiều. Hoàng Long dậy từ 5g30, đi xe buýt từ Củ Chi lên Sài Gòn. 3g chiều tập xong lại đón xe buýt về nhà. Thù lao cho mỗi số xuất hiện trên truyền hình được 100.000 đồng, Long đều đưa mẹ giữ.

Để chạm đến danh hiệu cao nhất trong cuộc thi Siêu mẫu VN 2009, Hoàng Long đã trải hơn bảy năm âm thầm luyện tập, lặng lẽ theo đuổi niềm yêu thích của mình. Long từng nhận những show diễn mà thù lao chỉ 100.000-200.000 đồng. Chàng người mẫu trẻ không nề hà những chương trình nhỏ như diễn trong siêu thị Metro, đứng đón khách, làm lễ tân…

“Tôi nhớ lần làm ở Metro, diễn rất nhiều trang phục từ đồ của đầu bếp, bảo vệ cho đến những nhãn hiệu thời trang nhỏ của VN bán trong siêu thị. Đi từ 6g chiều đến 10g đêm kết thúc mới về Củ Chi”, Hoàng Long kể.

Dần dần Hoàng Long nhận được những show “ngon lành” hơn: quảng cáo cho máy chụp hình, sữa rửa mặt, xe máy, điện thoại di động… 500 USD là số tiền lớn đầu tiên Hoàng Long có được khi đóng quảng cáo cho một dòng xe máy.

Giữa năm 2008, Hoàng Long bắt đầu con đường người mẫu chuyên nghiệp. Sau khi đoạt giải siêu mẫu được yêu thích nhất trong cuộc thi Siêu mẫu VN năm 2008, Hoàng Long mới có đủ tiền mua chiếc xe Cub cũ, về sửa lại để chủ động đi lại. Một năm sau, Đỗ Nguyễn Hoàng Long đăng quang Siêu mẫu VN năm 2009.

Thu nhập diễn catwalk của Long cao hơn trước, trung bình 5-7 triệu đồng/tháng. Còn tiền dự các sự kiện từ 1-6 triệu đồng/“sô” nhưng không phải tháng nào cũng có.

Chỉ một năm sau khi đăng quang, chàng siêu mẫu cao 1,83m xa dần đường băng của sàn catwalk để đảm nhiệm vai trò nhân viên kinh doanh cho thương hiệu thời trang cao cấp Milano (Ý).

“Cái nghề này tuổi thọ rất ngắn, chỉ 5-7 năm là cùng. Tôi sợ cảm giác không biết trước ngày mai sẽ như thế nào. Tôi muốn tìm những bước chân vững chắc trên con đường tương lai của mình”, Long giải thích.

MY LĂNG

 ————————————

>> Kỳ 1: Nhọc nhằn với giấc mơ “sao”
>> Kỳ 2: Trọng – khinh sàn diễn
>> Kỳ 3: Bẫy rập cuộc đời
>> Kỳ 4: Tình, tiền và…

Ít ai biết người mẫu Bình Minh từng cảm thấy tương lai mờ mịt, định bỏ Sài Gòn để đi tàu viễn dương, từng khóc khi tết đến lang thang trong công viên 23-9, đi qua lại những cao ốc lung linh đèn màu để vơi đi chuyện cơm áo gạo tiền…

Kỳ tới: Đường băng của một siêu mẫu

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments