Skip to content

23 Tháng Chín, 2011

Khi bị thiếu tôn trọng trong công việc

Ảnh: businesstimemanagement.netTTO – Một đồng nghiệp không ngừng sử dụng điện thoại trong khi bạn đang phát biểu tại cuộc họp. Sếp thường xuyên để bạn chờ đợi cả tiếng đồng hồ trước khi gọi điện báo hủy cuộc họp với bạn… Đó là những hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng với người khác trong công sở.

Khi bị thiếu tôn trọng trong công việc

Dù chỉ là những hành động nhỏ nhưng chúng tác động lớn tới tâm trạng làm việc cũng như mối quan hệ của bạn với mọi người. Để giúp bạn ứng phó với sự thiếu tôn trọng trong công sở, các chuyên gia nghề nghiệp đã đưa ra một số lời khuyên sau:

Chỉ phản ứng khi cần thiết

Thông thường, cách tốt nhất đối phó những hành động thiếu tôn trọng của sếp hay đồng nghiệp là không làm gì cả. Steve Dinkin – tác giả cuốn sách Giải pháp cho những mâu thuẫn công sở – nói: “Nếu sự thiếu tôn trọng diễn ra không thường xuyên, bạn không nên phản ứng. Đây là biện pháp hạn chế mâu thuẫn công sở nghiêm trọng hơn có thể xảy ra”.

Không công kích đối phương

Khi hành động thiếu tôn trọng của đối phương lặp đi lặp lại, hẳn nhiên bạn phải lên tiếng để bảo vệ bản thân. Hãy hẹn gặp riêng và nói chuyện bình tĩnh với anh/cô ấy. Hãy chú ý ngôn từ của mình, nói rõ vấn đề là gì và nó ảnh hưởng ra sao tới bạn.

Chẳng hạn với việc đồng nghiệp sử dụng điện thoại khi bạn đang phát biểu, bạn có thể nói: “Khi đang thảo luận với mọi người, tôi nghe thấy tiếng điện thoại và như vậy thật khó tập trung”. Tránh nói công kích và gay gắt như “Anh/cô luôn luôn cản trở cuộc họp của tôi”. Sau đó chú ý lắng nghe phản ứng của đối phương để tìm ra tiếng nói chung giữa hai người.

Tập trung vào bức tranh toàn cảnh

Hãy nhớ mục đích của bạn là để bản thân không bị xao nhãng bởi tiếng điện thoại, nói chuyện trong cuộc họp chứ không phải đổ lỗi hay gây hấn với đồng nghiệp. Hãy ghi nhớ điều này trước khi bạn phát ngôn và hành động. Đừng để những cách cư xử thiếu suy nghĩ của đồng nghiệp ảnh hưởng mối quan hệ cũng như sự nghiệp lâu dài của bạn.

Không dằn vặt bản thân

Bạn không nên quá nhạy cảm với cách cư xử thiếu tôn trọng chốn công sở bởi có thể ảnh hưởng sự tập trung và năng suất làm việc của bạn. Đừng xem đó là sự thù địch nhằm vào riêng bạn, hãy nhìn nhận theo khía cạnh công việc tích cực hơn.

Chẳng hạn nếu bạn cảm thấy bị tổn thương khi sếp hủy cuộc họp với mình, hãy nghĩ rằng vấn đề bạn muốn thảo luận hiện chưa phải là ưu tiên hàng đầu của sếp. Hoặc nếu có người nào đó thường xuyên ngắt lời bạn, có thể anh/cô ấy cũng làm thế với những người khác. Càng bình tĩnh trước tình huống, bạn càng có khả năng kiểm soát chúng.

Ngoài ra, hãy chấp nhận sự thật rằng không phải ai cũng thích mình. Dù bạn không làm gì sai hay làm ảnh hưởng tới người khác nhưng đôi khi vẫn có người không ưa và muốn hạ thấp bạn. Do vậy đừng tự dằn vặt bản thân khi có người cố ý hành động thiếu tôn trọng với bạn.

Chia sẻ với người khác

Một đồng nghiệp đáng tin cậy hoặc người thân, bạn bè từng rơi vào tình huống tương tự có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích. Đừng cho rằng đó là “buôn chuyện” hay nói xấu sau lưng người khác, bạn chỉ cần chia sẻ quan điểm của mình và tham khảo ý kiến mọi người. Chia sẻ nỗi phiền muộn sẽ giúp bạn giải tỏa rất nhiều thay vì âm thầm chịu đựng một mình.

VŨ HUYỀN (Theo Monster)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments