Skip to content

22 Tháng Chín, 2011

Đứt dây chằng chéo trước và rách sụn chêm

TTO – Em bị chấn thương do chơi thể thao. Sau khi bị chấn thương lúc đầu em không gấp kịch được khớp gối phải (ngồi xuống khó khăn) nhưng sau đó thì em có thể đi lại bình thường nhưng bên gối và đùi phải có sưng (tấy), như kiểu là có nhiều dịch.

Đứt dây chằng chéo trước và rách sụn chêm

Hơn 1 tháng sau có lần em đang đi có cảm giác bị hụt chân và hơi nhói.

Sau khi chụp MRI bên bệnh viện quân đội 108 thì em được bác sĩ kết luận là:

1. Rách độ 2 sừng trước sụn chêm ngoài và sừng sau sụn chêm trong khớp gối phải

2. Đứt phần giữa dưới dây chằng chéo trước

3. Có dịch ở trong khớp và bao cơ tứ đầu đùi khớp gối phải.

Em có nhờ thêm bác sĩ bên ngoài tư vấn thì sau khi kiểm tra lâm sàng và coi film chụp MRI bác sĩ có nói là em có bị rách sụn chêm; tuy nhiên dây chằng trước của em vẫn còn sử dụng được. Bác sĩ có khuyên em là nên phẫu thuật nội soi cắt sụn chêm và trên cơ sở quan sát trực tiếp dây chằng trước sẽ đưa ra kết luận là có mổ để thay dây chằng mới hay không.

Em 25 tuổi, là nhân viên văn phòng.  Hiện tại em vẫn đi lại bình thường và có thể co gấp kịch gối phải nhưng em thấy chân phải không linh hoạt như chân trái và lúc đi không thật chân lắm (đầu gối có bị mỏi) và có 2 lần em phải lựa tự thế chân mới có thể gấp đầu gối lại được.

Có người tư vấn với em đi đắp lá thuốc để phục hồi lại dây chằng và sụn chêm nhưng em rất phân vân, không biết là đắp lá có tốt không hay là có ảnh hưởng xấu tới chấn thương hay không?

Bác sĩ cho em lời khuyên có nên tiến hành phẫu thuật cắt sụn chêm và cắt ghép dây chằng chéo trước hay không? Nếu như tiến hành phẫu thuật ở Hà Nội thì em nên tới trung tâm, cơ sở y tế hay bệnh viện nào để phẫu thuật?

Nếu như em phẫu thuật thì bao nhiêu lâu sau em có thể tự đi không phải dùng nạng ạ?

Bạn đọc

 – Trả lời của Ths, BS TĂNG HÀ NAM ANH- Phòng mạch online:

Theo những gì bạn cung cấp thì bạn đã bị rách sụn chêm và đứt dây chằng chéo trước. Về phần dây chằng chéo trước, MRI chỉ cung cấp hình ảnh tĩnh nghĩa là hình ảnh của dây chằng lúc gối đứng yên. MRI có thể cho hình ảnh đứt bán phần dù rằng dây chằng đứt hoàn toàn vì phần đầu đứt dính một ít mô xơ vào phía lồi cầu đùi.

Khi khám bệnh bác sĩ sẽ kiểm tra xem gối có bị mất vững ra trước bằng nghiệm pháp Lachman và kiểm tra sự mất vững xoay của khớp gối bằng nghiệm pháp gọi là pivotshift. Nếu các nghiệm pháp này dương tính nghĩa là gối bạn bị lỏng và có chỉ định mổ dù cho MRI đọc là đứt bán phần.

Chúng tôi xin nhấn mạnh ở đây một lần nữa vai trò quan trọng của người bác sĩ khi khám gối có bị mất vững hay không. Nếu bác sĩ chuyên khoa khám thấy gối có mất vững thì sẽ có chỉ định mổ. MRI chỉ là phương tiện hỗ trợ cho chẩn đoán trên lâm sàng.

Trường hợp của bạn có rách thêm sụn chêm thì lại càng có chỉ định phẫu thuật để sửa lại sụn chêm và làm lại dây chằng chéo. Lý do là vì với chấn thương như vậy thì dây chằng chéo cũng sẽ bị đứt, và chính vì dây chằng chéo trước bị đứt sẽ làm gối mất vững và sẽ làm cho sụn chêm hư hại nặng hơn theo thời gian.

Nếu sụn chêm hư hoàn toàn mà phải cắt bỏ thì gối của bạn sẽ mau chóng bị thoái hóa hay nói cách khác là bị hư khớp gối. Lúc đó việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Sau khi mổ khớp gối bạn phải mất khoảng hơn 1 tháng để có thể đi lại được và mất khoảng 3 tháng để đi lại bình thường nghĩa là có thể leo lên cầu thang, chạy nhẹ. Nếu bạn muốn chơi thể thao thì sẽ mất 6 tháng cho các môn chơi không đối kháng như cầu lông hay tennis. Bạn có thể tham khảo chương trình tập vật lí trị liệu và phục hồi chức năng trên trang web www.bacsinamanh.com để biết rõ hơn thời gian hồi phục của mình.

Nếu bạn ở phía Bắc bạn có thể tham khảo các bệnh viện như 108, 19-8, BV Việt Đức, BV Xanh Pôn, BV 103…để quyết định phẫu thuật.

Th.S BS TĂNG HÀ NAM ANH
(giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, trưởng khoa CTCH BV Nguyễn Tri Phương)

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân… Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

TTO thực hiện

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments