Skip to content

22 Tháng Chín, 2011

Cải cách giáo dục từ khâu đột phá nào?

(Dân trí) – Dưới đây là bài viết của GS. NGND Nguyễn Ngọc Lanh phát biểu ý kiến về chủ đề này bằng kinh nghiệm và nghĩ suy sâu sắc của cả cuộc đời làm Thầy và làm khoa học. >> Bằng cấp giả mới chỉ là một vấn đề >> Giáo dục Việt Nam: Học để thi >> Giáo dục Việt Nam báo động ở mọi cấp >> Cảnh báo về chất lượng giáo dục đại học

Giáo dục nước nào cũng phải giải quyết cả loạt mâu thuẫn là điều không lạ. Điều lạ là chúng rất giống nhau giữa các nước, chỉ khác nhau ở mức độ gay gắt, mà nguyên nhân là giàu hay nghèo và cách giải quyết là đúng hay sai.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nói cách khác, nước nghèo không được phép sai lầm khi giải quyết các mâu thuẫn này. Chẳng hạn, không tìm được khâu đột phá, mà cứ thụ động chạy theo từng mâu thuẫn cụ thể mỗi khi nó phát triển quá mức – theo kiểu “rách đâu, vá đấy”. Thấy “học thêm” đã trở thành tai họa thì ra lệnh “cấm dạy thêm”; thấy thi cử bát nháo thì phát động “nói không với gian lận”; thấy học sinh quá vất vả thì ra chỉ thị “giảm tải”…

 

Xin nói ngay: Cái chủ trương giảm tải vừa vội vã ban hành cho năm học 2011-2012 này, hoàn toàn không phải là giảm tải toàn diện và triệt để mà bài này muốn đề cập.   

 

Các mâu thuẫn

 

Các mâu thuẫn của giáo dục là thường trực và bất tận, nguyên nhân là cuộc sống cứ phát triển, mâu thuẫn mới cứ nảy sinh; còn giáo dục bao giờ cũng có một sức ỳ. Giải quyết mâu thuẫn trong giáo dục là cuộc chạy và đuổi triền miên.

 

Những mâu thuẫn phổ biến và bất tận

 

Khó có nước nào thoát khỏi những mâu thuẫn triền miên dưới đây. Nhưng bài này xin phép đặt chúng trong hoàn cảnh nước nghèo, và chia chúng thành 2 nhóm.

 

 1) Nhiệm vụ ngày càng lớn nhưng đầu tư chưa theo kịp. Nhiều nước giầu hơn ta đang gặp khó khăn khi muốn phổ cập cấp 3; nhưng chưa gian khổ bằng nước ta muốn phổ cập tiểu học (cấp 1) – vì đầu tư không kịp với đà tăng dân số.

 

Cứ giả sử, nếu cả chất và lượng tiểu học ở ta đã đạt mức “vừa ý”, thì lập tức một mâu thuẫn khác lại nảy sinh: vì nhu cầu xã hội đòi phổ cập cấp 2. Mâu thuẫn bất tận là vì thế.

 

2) Số lượng tăng, khó mà giữ được chất lượng. Mỗi năm nước ta có một triệu trẻ em vào lớp 1; nhiều hơn số học sinh kết thúc lớp 9 và 12. Trường lớp không tăng kịp, khiến mỗi buồng học phải nhốt tới 50, rồi 60 học sinh (thay vì 15-20, như Phần Lan, Đức) làm sao đảm bảo chất lượng? Hệ quả là có học sinh hết tiểu học không làm nổi phép nhân đơn giản; nhiều trường đại học đành tuyển cả thí sinh chỉ đạt 3 điểm cho mỗi bài thi. 
 

(ảnh minh họa – nguồn ảnh: internet)

 

3) Điều kiện dạy và học thấp kém; nhưng chương trình cứ nặng thêm (với hy vọng “đuổi kịp thời đại”).  

 

 4) Mục tiêu (cái khách quan) dễ bị lẫn lộn với kỳ vọng (cái chủ quan). Nước nghèo thường sốt ruột, dễ đưa ra những mục tiêuhoành tráng, xuất phát từ những triết lý cao siêu, nhưng mơ hồ (đào tạo “con người toàn diện”; dạy “làm người”…), khiến không ai có cách nào đo đạc để kiểm định. Mái trường XHCN tồn tại đã trên ba chục năm, có tới 40-50 triệu người đã qua đào luyện ở đó, nhưng ai dám khẳng định quá nửa dân Việt Nam hiện nay là những “con người XHCN”?

 

– Bốn mâu thuẫn trên phải giải quyết ở cấp vĩ mô: bằng triết lý và bằng nguồn đầu tư. Sự mất cân đối giữa nguồn lực (ít ỏi) với nhiệm vụ (nặng nề) – nếu lại thêm những kỳ vọng chủ quan dưới dạng “triết lý” – khiến người ta không tìm được những điểm nút để tập trung tháo gỡ. Ấn tượng chung sau 30 năm là “càng gỡ càng rối”, “càng chỉnh càng đốn” và “càng đầu tư càng lãng phí”.

– Sẽ rất đúng, nếu đề ra được một triết lý có nội dung phù hợp.

– Nhưng trước tiên, cần phải thống nhất về hình thức cái đã:

     a) Làm rõ khái niệm triết lý (là gì). Có triết lý, mới đề ra mục tiêu; rồi mới soạn chương trình. Triết lý chưa xác định đúng, mục tiêu sẽ chập chờn, chương trình sẽ ở dạng bao vây, và sách giáo khoa sẽ thay đổi soành soạch.

     b) Triết lý phải từ thực tiễn; triết lý của ta phải phù hợp với nước nghèo. Triết lý không sinh ra từ thiện chí và ước muốn chủ quan. Không nên treo lên một bức tranh mỹ nhân rồi nhào nặn mọi đứa trẻ theo dung nhan đó.  

     c) Triết lý phải dễ hiểu, phải trúng (được 20 triệu người học – và cha mẹ họ – “vồ lấy”); nghĩa là trở thành tâm thức và tâm niệm cả đời của họ. Họ sẽ đòi một triệu thầy cô và vài ngàn nhà quản lý phải răm rắp theo đó mà thực hiện – quý vị được dân giao việc, chứ quý vị không phải là người ban phát thứ triết lý ân huệ.  

 

5) Kho kiến thức nhân loại tăng nhanh, khiến xu hướng dạy cụ thể tăng lên, do vậy dễ lơ là dạy kỹ năng và dạy phương pháp. Trong đầu học sinh ngổn ngang kiến thức, nhưng vẫn không tạo được kỹ năng tư duy. Đống vật liệu nhặt nhạnh không thành ngôi nhà.

 

6) Sự nhồi nhét khiến người học phải huy động tối đa trí nhớ, do đó mất năng lực tư duy độc lập, mất khả năng tự học, trở thành thụ động cả đời.

 

7) Khoa học tiến nhanh nhưng năng lực thầy có hạn, không kịp cập nhật và không biết cần cập nhật cái gì, để dạy cho trúng với yêu cầu của xã hội;

 

8) Nội dung phải học thì “một đường”; nhưng thực tế lại “một nẻo”. Tỷ lệ “vô bổ” rất cao.

 

– Bốn mâu thuẫn trên liên quan tới công việc của thầy cô. Nó nói lên nhà trường – mà trực tiếp là thầy cô – chưa đếm xỉa đến yêu cầu của xã hội.

– Đúng ra, xã hội và gia đình có quyền đòi hỏi nhà trường phải dạy con em họ thật trúng những gì xã hội cần, để các cháu sau này dễ kiếm việc nuôi thân và có nhiều cơ hội được trọng dụng. Học Sử để “đạt” 0 điểm thi, thì lỗi tại ai? tại người dạy? người học, hay người ra đề?

– Thoạt nhìn, có vẻ như một triệu thầy cô đã bất chấp yêu cầu của 20 triệu học sinh và 30 – 40 triệu cha mẹ họ. Nhưng đúng hơn, chính là vài ngàn người quản lý mới có thực quyền quy định nội dung dạy và cách dạy. Lần lên cao nữa, đó là vài chục người có quyền đề xuất triết lý, mục tiêu, chương trình và ra đề thi…    

 

Một số mâu thuẫn đã phát triển thành tai hoạ
 
Mà một tai hoạ đã hiển hiện là sự quá tải toàn diện, không thể chịu đựng thêm. Quá tải về khả năng đầu tư của nền kinh tế (7000 tỷ là nhiều hay ít?); quá tải về cơ sở vật chất nghèo nàn so với số học sinh quá đông; quá tải về số học sinh quá đông so với số thầy, quá tải về % ngân quỹ gia đình chi phí cho học tập của con cái; quá tải về công sức học hành của 20 triệu trẻ em so với phần thật sự bổ ích thu nhận được; quá tải về mức độ lãng phí – trong đó lớn nhất là lãng phí tuổi xuân của nhiều thế hệ và công lao dạy dỗ của thầy – nghĩa là lãng phí thời gian…
 
Cuối cùng, sự kiên nhẫn của dư luận, cũng như sự chịu đựng chê bai của  các nhà quản lý… cũng quá tải nốt,
Nguyên nhân trực tiếp nhất (và việc khắc phục là trong tầm tay): 1) chương trình quá nặng, dung chứa quá nhiều thứ vô tích sự; khiến quá tốn thời gian, tiền của và công sức để thực hiện cái chương trình hàn lâm này;
 
2) mục tiêu quá tham lam, không thực tế, vì xuất phát từ một triết lý tuy rất bay bổng, lung linh – nhưng đồng nghĩa với… mờ ảo.
 
3) Tất nhiên còn những nguyên nhân khác, không dễ sửa ngay: Đất nước còn nghèo, đầu tư còn hạn chế cho giáo dục; tỷ lệ sinh đẻ còn cao… 

 

Hãy lấy hết can đảm để giảm tải toàn diện: Từ 12 năm chỉ còn 10 năm
 
Chớ hiểu rằng giảm tải chỉ để các cháu học sinh đỡ khổ sở. Mục đích này nhiều lắm chỉ là một-vài %. Giảm tài phải là giảm toàn diện, vì (như trên đã nói) quá tải đang lộng hành toàn diện; gồm cả quá tải về năng lực quản lý, lãnh đạo và quá tải về sức chịu đựng thiếu thốn trong đời sống của thầy cô… Giảm tải là để chấm dứt một tai họa “chết người” của giáo dục nước nhà.
 
Bài toán đặt ra là chỉ học 10 năm (cấp 1, 2 và 3 chỉ cần học 4, 3 và 3 năm), nhưng đảm bảo bổ ích, đồng thời thầy cô và học sinh đều đỡ vất vả. Chủ yếu là tinh giản, thiết thực, chứ không phải là cắt xén. Ở cấp 3, có thể dành ra 20% thời gian để học sinh tự chọn học sâu 3 môn (phù hợp với năng lực riêng), chuẩn bị cho nghề nghiệp sau này. Dù đầu tư chưa tăng, nhưng sự căng thẳng về cơ sở vật chất, lương bổng, chi phí của gia đình… đều giảm bớt rõ rệt.      

 

Một số cơ sở để học 10 năm thay vì 12 năm
 

– Để đọc và viết tiếng Việt, chỉ cần 3 tháng, trong khi mọi thứ tiếng khác cần hàng năm. Đây là lợi thế “trời ban”, để rút ngắn chương trình học.

 

Nếu thực tế cuộc sống chỉ đòi hỏi học sinh học xong trung học phải viết câu văn đúng chính tả, đúng ngữ pháp, diễn tả (bằng viết và nói) được đầy đủ và chính xác mọi ý nghĩ, tình cảm của mình một cách gọn gàng, trôi chảy… thì môn Văn ở bậc trung học chỉ cần dạy đến vậy – và phải dạy cho đến khi mọi học sinh làm được như vậy. Nực cười là nhiều học sinh viết “bất thành cú” mà vẫn phải bình luận văn học. Đáng lo, là họ mắc bệnh hành văn chính trị.
 
Hãy đề ra mục tiêu phù hợp cho môn Văn, đồng thời có biện pháp phát hiện sớm những cháu có năng khiếu. Với tất cả các môn khác cũng vậy.
 

– Chuyện “vở sạch chữ đẹp” phù hợp với thời xa xưa (từ thuở Nho học còn thịnh hành), nay gây tốn thời gian không ít. Học sinh ngày nay vẫn cần tập viết, sao cho đủ nét, đủ dấu, để người khác có thể đọc được. Còn muốn trình bày văn bản dưới mọi dạng, mọi kiểu chữ… hãy dạy (từ tiểu học) cách sử dụng bàn phím. Trung bình, một học sinh lớp 3 chỉ cần 30 giờ là sử dụng tốt bàn phím (dùng cả 10 ngón tay). Nhớ rằng, để rèn luyện sự khéo léo của bàn tay, xưa và nay đều cần, nhưng cách làm đã khác nhau rất xa.

 

– Tuyệt đối tránh những bài toán lắt léo, khiến cha mẹ có trình độ đại học mà vẫn tốn không ít thời gian để giải bài lớp 2 của đứa con. Toán loại này chỉ thích hợp với những học sinh năng khiếu. Với đại trà, không dạy hàn lâm mà cần dạy năng lực vận dụng ở mức tối đa có thể.
 

Dạy học sinh lớp 2 thuộc bản cửu chương “lần hai” không khó (hai lần một là hai; hai lần hai là bốn…), nhưng dạy vận dụng nó vào cuộc sống cho đứa trẻ 7, 8 tuổi mới quan trọng. Lãng phí biết bao, khi đứa trẻ học xong cấp 2 (9 năm) mà không hiểu “mét vuông” là gì, không đo được diện tích căn buống đang sống, không chỉ ra được vị trí cơn bão trên bản đồ (cho biết tọa độ địa lý), không vạch được hướng di chuyển của nó (ví dụ, hướng tây – tây-bắc)…

 

– Tinh giản chương trình

Tất nhiên, ở bậc phổ thông, học sinh cần có kiến thức phổ thông; nhưng cần tinh giản để phù hợp với số năm học: 10 năm.

Đã là thế kỷ XXI, chương trình phổ thông có thể bớt tham lam (nhồi nhét), dành thời gian để dạy học sinh kỹ năng tự tìm kiếm kiến thức và mọi thứ khác mà họ cần (trên mạng). Đây là kỹ năng khiến các thầy yên tâm khi giảm tải chương trình vì học sinh từ chỗ “được đào tạo” trở thành “tự đào tạo”. Nhiều trẻ em giỏi hơn người lớn khi tự tìm kiếm trên mạng. Vấn đề là chúng tìm kiếm cái gì. 

 

Số lượng kiến thức cũng cần, nhưng học kiến thức phải dần dần tạo được kỹ năng tư duy mới quan trọng. Dưới đây là 3 mức của kỹ năng tư duy, có thể dạy ngay từ tiểu học:

       1) Học sinh phải hiểu thấu đáo điều đã học, thể hiện bằng tự trình bày được nội dung kiến thức bằng lời văn của chính họ (trách nhiệm của môn Văn). Nói nôm: đó là “hiểu và thuộc bài”.

Chúng ta thường dừng lại ở mức này. Công sức thầy và trò chủ yếu dành cho mức này.

       2) Tiếp, phải trả lời được những câu hỏi “tại sao nó thế” do thầy nêu ra. Đó là sự vận dụng kiến thức để giải thích những hiện tượng xảy ra quanh ta. Nghĩ ra những câu “tại sao” để hỏi trò mới là việc chính của thầy. 

       3) Tiếp, phải đưa ra được giải pháp, trước loạt câu hỏi của thầy: Nếu gặp tình huống thế này, em sẽ làm cách nào… Đây là mức cao nhất của kỹ năng tư duy.

Tóm lại, dạy kiến thức phải dần dần tạo được kỹ năng tư duy cho người học. Đây mới là cái quý nhất trong hành trang vào đời, có giá trị ngang với kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử…

 

– Thi cử. Đã học là phải thi. Có nhiều cách thi mà ta có thể chọn để ưu điểm của mỗi cách phát huy tối đa trong trường hợp cụ thể. Có những cuộc thi mà giám khảo phải trực tiếp gặp thí sinh, khảo sát đủ điều, kể cả giọng nói, ngoại hình (để tuyển người cụ thể cho một vị trí cụ thể)… Còn ở đây, chỉ là cuộc thi đại trà, để đánh giá một trình độ phổ cập cho số đông. Để giảm tải về kinh phí và công sức tổ chức, thì cách thi bằng trắc nghiệm là phù hợp nhất. Sự phản đối thi trắc nghiệm thường do 3 nguyên nhân: chưa hiểu đầy đủ ưu-nhược và cách áp dụng; bộ câu hỏi không đạt yêu cầu và áp dụng không đúng đối tượng. Xin nhớ rằng thi tiếng Anh (để tuyển du học sinh bậc đại học và trên đại học) là bằng trắc nghiệm. Đừng ngại tốn tiền để có một ngân hang dữ liệu câu hỏi thi trắc nghiệm. Chỉ bằng 1% kinh phí thay sách giáo khoa thôi.

 

Không bao giờ được quên câu danh ngôn: Thi thế nào, học thế ấy. Thay đổi cách thi sẽ tất yếu dẫn đến thay đổi cách học, vì… “học để thi đậu” là động lực trực tiếp nhất và mạnh mẽ nhất đối với mọi thí sinh.

Chẳng hạn, nếu tuyển sinh đại học bằng cuộc thi moi móc trí nhớ và kỹ sảo sẽ đưa đến cách học (và học thêm) nhồi nhét. Nhưng nếu thi bằng vận dụng kiến thức thì cách học sẽ thay đổi ngay.   

 

                                   GS. NGND Nguyễn Ngọc Lanh    

 

LTS Dân trí – Những nhận định về những mâu thuẫn sâu sắc mà nền giáo dục của chúng ta đang gặp phải cũng như đề xuất  của tác giả về triết lý và mục tiêu giáo dục sao cho thiết thực; cách dạy cũng nhu thi cử cần chú trọng hàng đầu đến  kỹ năng tư duy. Và kiến nghị mạnh bạo về việc giảm tảỉ toàn diện – triệt nội dung chương học phổ thông từ 12 năm xuống 10 năm là những điều thật sự đáng quan tâm không chỉ đối với các cấp quản lý giáo dục mà còn liên quan tới mọi gia đình đều có con cháu đị học.

 

Chúng tôi hy vọng nhận được nhiều ý kiến tiếp tục trao đổi về những vấn đề hệ trọng này của giáo dục..

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments