Skip to content

28 Tháng Tám, 2011

Đào tạo giáo viên: Thừa và yếu

Sự phát triển các trường sư phạm không được định hướng bởi một quy hoạch tổng thể và thật sự xuất phát từ nhu cầu nhân lực giáo dục.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc các trường sư phạm được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Những năm qua, quy mô đào tạo khối ngành sư phạm tăng nhưng không được giám sát chặt chẽ về chất lượng.

 

Tốt nghiệp loại khá vẫn thất nghiệp

Tính đến nay, cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; gồm 14 trường ĐH sư phạm (4.400 giảng viên), 49 trường ĐH có khoa/ngành sư phạm, 39 trường CĐ sư phạm (4.462 giảng viên), 24 trường CĐ có khoa/ngành sư phạm, 3 trường trung cấp sư phạm và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

 
Ông Nguyễn Vinh Hiển chỉ rõ, sự phát triển này phần lớn do nhu cầu nội tại của các trường chứ không phải được định hướng bởi một quy hoạch tổng thể và thật sự xuất phát từ nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo dục xét cả ở tầm địa phương và cả nước.

 

Các thí sinh thi vào Đại học Sư phạm TPHCM.

 

Theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không kiếm được việc làm phổ biến ở tất cả các địa phương. Có giáo viên 10 năm đi dạy vẫn không được vào biên chế. Bà Đoàn Thị Minh Công, Phó Giám đốc sở GD-ĐT Hải Dương, cho biết ở Hải Dương, sinh viên sư phạm  ra trường rất thừa, nhiều người tốt nghiệp loại khá vẫn không tìm được việc làm. Ông Phạm Minh Hùng cho biết thêm, do giáo viên có thu nhập thấp so với mặt bằng chung nên học sinh giỏi không chọn thi ngành sư phạm, chất lượng đào tạo thấp.

 

Liên kết với trường phổ thông

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong phần phát biểu của mình tại buổi trực tuyến đã nhất trí cao với đề xuất của nhiều đại biểu về mô hình gắn đào tạo ở trường sư phạm với trường phổ thông. Phó Thủ tướng cho rằng nếu doanh nghiệp là các vệ tinh đào tạo của khối kinh tế thì các trường phổ thông là vệ tinh của các trường sư phạm.

Thống nhất quan điểm này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng phải làm sao để các trường phổ thông không chỉ là nơi kiến tập, thực tập mà là nơi sinh viên sư phạm thử nghiệm cuộc sống của mình. Bộ trưởng chỉ đạo, các trường, khoa sư phạm phải làm việc với các trường phổ thông, điều này không phải là sức ép, là gánh nặng mà nó giúp các trường phổ thông tăng thêm cả nguồn lực cũng như tri thức cho trường mình. Trước hết, hai trường ĐH sư phạm trọng điểm là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM cần phối hợp với hai sở GD-ĐT để bàn về cơ chế, giải pháp thích hợp.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, vào tháng 10 – 2011, Bộ GD-ĐT phải ban hành quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở này, sẽ thực hiện quy hoạch cho từng địa phương. Cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo cũng như đổi mới công nghệ của các trường sư phạm. Bên cạnh việc xây dựng đề án hiện đại hóa công nghệ đào tạo ở các trường sư phạm, cần hình thành hội đồng hiệu trưởng của các trường. Hội đồng này sẽ ngồi lại với nhau để xây dựng một chương trình giáo dục thích hợp, tránh để các trường lâm vào tình trạng “giật mình” với những phương pháp mới.

Hạn chế về chuẩn nghề nghiệp

Bà Đoàn Thị Minh Công cho rằng: Giáo viên mầm non hiện nay đúng là thiếu, nhưng việc đào tạo thì rất đáng lo ngại. Rất nhiều học sinh tốt nghiệp THPT không thi  hoặc thi trượt ĐH được xét học bạ đào tạo trung cấp mầm non, một tháng học từ 7-10 ngày, sau hai năm tốt nghiệp 100%.

Tất cả số này sau đó lại được liên thông lên ĐH, CĐ với thời gian 3 – 3 năm rưỡi, một tháng lại học vài buổi và ra trường có bằng ĐH nhưng chuẩn nghề nghiệp, năng lực đứng lớp rất hạn chế.

 

Theo Hoàng Lan Anh

Người Lao Động

Source: Báo Dân Trí

Read more from Tin tức

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments