Skip to content

20 Tháng Tám, 2011

“Đừng gọi các nhà làm phim là con buôn nghệ thuật”

(Dân trí)- “Ngày xưa, khi đi xin tiền làm phim, tôi có thể nói với người ta, “chúng tôi có một câu chuyện và có sự tâm huyết, hãy đầu tư cho chúng tôi”. Bây giờ nếu đi xin tiền, tôi nói như thế, người ta sẽ cười cho!”- Charlie Nguyễn chia sẻ về dòng phim thị trường. >>  “Làm phim bây giờ, càng giả dối, càng nhiều tiền”

“Là đạo diễn, tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền của nhà sản xuất”

Được biết, khi đoàn làm phim Long ruồi của anh tổ chức casting, Hồng Ánh đã đến tham gia thử vai Bích (sau này thuộc về Phi Thanh Vân). Hồng Ánh là một diễn viên có năng lực, có sự xả thân, tâm huyết với nghề. Anh từ chối cô ấy vì anh không tin vào sức biến hóa của Hồng Ánh, hay anh cảm thấy, sự ngổ ngáo của Phi Thanh Vân “an toàn” hơn cho vai diễn, và bán vé cũng dễ hơn?

Có nhiều diễn viên đã đến tham gia casting khi chúng tôi chuẩn bị làm Long ruồi, không chỉ có Hồng Ánh. Tiêu chí chọn diễn viên của tôi rất đơn giản, tôi không quan tâm đến việc cô ấy đã đoạt những giải thưởng gì, ngoài cuộc sống đã tạo scandal ra sao, tôi chỉ quan trọng việc, cô ấy có phù hợp với vai diễn hay không thôi.

Có thể, với Hồng Ánh, cô ấy sẽ có sức biến hóa, sẽ có tài năng trong diễn xuất. Tuy nhiên, khi bạn xem phim, bạn sẽ nhận thấy ngay, Hồng Ánh không hợp với vai Bích. Vai diễn đó hợp với Phi Thanh Vân hơn. Ngay khi Phi Thanh Vân bước vào phòng casting, tôi đã thấy từ vóc dáng đến phong thái của cô ấy hợp với vai diễn này rồi.
 
Một cảnh trong phim Long ruồi.

Và cũng phải thừa nhận, cái tên Phi Thanh Vân với những scandal ồn ã dễ kéo khán giả đến rạp hơn. Anh đã từng làm Dòng máu anh hùng, Để mai tính… Tất cả những phim anh làm đều đặt cao mục tiêu doanh thu. Doanh thu là điều quan trọng nhất khi các Việt kiều về nước làm phim?

Khi làm Dòng máu anh hùng, tôi không nghĩ đến doanh thu. Đó là bộ phim đầu tiên, nên tôi chỉ nghĩ, sẽ làm một bộ phim tôi thích. Chúng tôi không nghĩ đến cả số tiền đã bỏ ra đầu tư cho Dòng máu anh hùng. Bộ phim ấy gần như là một cuộc chơi nghề nghiệp của anh em chúng tôi. Chúng tôi làm phim với tất cả những gì mình có, làm phim với một lý tưởng vô hình. Và quả thật, phải không nghĩ đến doanh thu, không nghĩ đến số tiền bỏ ra đầu tư, mới có thể có được một bộ phim như Dòng máu anh hùng.

Bây giờ, điều kiện làm phim đã khác. Tất cả các nhà sản xuất khi bắt tay vào một dự án phim, họ đều tính đến 2 điều kiện trước tiên: kinh phí bỏ ra sản xuất và doanh thu có được. Ngày xưa, khi tôi đi xin tiền làm phim, tôi có thể nói với người ta, “chúng tôi có một câu chuyện và có sự tâm huyết nhiệt tình với điện ảnh, hãy đầu tư cho chúng tôi”. Bây giờ, nếu đi xin tiền đầu tư, tôi nói như thế, người ta sẽ cười cho!

“Bạn là khán giả khó tính? Nhà sản xuất sẽ không hướng đến bạn!”
 

Đạo diễn Charlie Nguyễn

Áp lực về tiền, về doanh thu có thể thấy rõ qua hai bộ phim của anh, Dòng máu anh hùng và Để mai tính. Dòng máu anh hùng, anh làm vì lý tưởng, nên phim vừa có tính giải trí, nhưng cũng có những ngôn ngữ điện ảnh nhất định của nó. Đến Để mai tính, đó đã là một phim giải trí đơn thuần, với kịch bản nhàn nhạt, phim gần như không có tình tiết nào đáng kể ngoài chuyện đồng tính gây cười của nhân vật do Thái Hòa đóng. Rõ ràng, khi có sự điều khiển của đồng tiền, nghệ thuật đã trở nên bình dân. Anh sẵn sàng bình dân hóa bản thân để kiếm tiền?

Khi bắt tay vào làm Để mai tính, bản thân tôi phải nghĩ đến số kinh phí nhà sản xuất đã bỏ ra cho mình làm phim, và thậm chí, sẽ phải ước lượng số tiền doanh thu có thể thu được. Đó đã không còn là cuộc chơi nữa, mà là trách nhiệm với nhà đầu tư.

Trước đây khi làm phim, tôi nghĩ đến tác phẩm đầu tiên. Nhưng bây giờ, điều đó là một khó khăn. Tôi phải ưu tiên trước hết cho vị trí của nhà sản xuất, sau đó đến khán giả, rồi mới đến bản thân mình. Tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền mà nhà sản xuất đã bỏ ra.

Tôi quay Dòng máu anh hùng trong hơn 3 tháng, với 3 máy quay. Tôi làm Để mai tính trong 6 tuần với 2 máy quay. Và gần nhất, tôi làm Long ruồi với 4 tuần và 1 máy quay. Tất cả những điều đó đều nói lên kinh phí sản xuất và áp lực hoàn vốn của các dự án phim.

Nói cách khác, vì doanh thu, vì áp lực hoàn vốn, anh phải quên đi cái tôi nghệ thuật của mình để hướng bộ phim đến những giá trị giản đơn cho số đông khán giả?

Tôi là người làm phim thị trường, phim dành cho khán giả, khán giả thích món gì, tôi làm món đó. Khi tôi đến với nhà sản xuất, họ sẽ hỏi tôi, “anh định làm phim gì?”, tôi nói, “tôi sẽ làm một phim hành động”. Vậy có nghĩa, tôi phải làm cho được những màn hành động đẹp mắt để khiến số đông khán giả vừa lòng. Nhà sản xuất, họ chỉ quan tâm đến thị hiếu của số đông, họ sẽ không xét đến những khán giả khó tính, ví như bạn chẳng hạn (cười). Bạn sẽ không phải là khán giả mà các nhà sản xuất phim hướng tới.

Cá nhân tôi cũng phải đặt sở thích của khán giả lên trên sở thích của mình. Phim của tôi hướng đến số đông. Nếu không, tôi sẽ mất khoảng 10 năm mới được làm một phim. Tôi còn có những hoài bão, những dự định, những mong muốn được làm nghề. Tôi không đủ kiên nhẫn ngồi đợi 10 năm, 20 năm thai nghén cho một tác phẩm.

Cá nhân tôi rất hoan nghênh, rất khâm phục những đạo diễn làm phim nghệ thuật. Họ thật kiên cường, kiên trì, dũng cảm. Lối đi ấy ít người lựa chọn, và lối đi ấy khó khăn hơn rất nhiều so với dòng phim làm cho khán giả.
 
Dòng máu anh hùng là bộ phim được đánh giá là tốt nhất của Charlie Nguyễn. Theo Charlie Nguyễn, anh đã làm Dòng máu anh hùng bằng tâm huyết và không bị chi phối bởi kinh phí sản xuất cũng như doanh thu hoàn vốn.
 
 
Theo anh, nghệ thuật khi đặt cạnh đồng tiền, nghệ thuật có bị rẻ hơn?

(Im lặng)… Khi tôi làm Long ruồi, có những điều tôi muốn đầu tư nhiều hơn, cảnh quay đẹp hơn, nhưng kinh phí đầu tư chỉ có thế. Lúc ngồi dựng phim, có một vài phân cảnh tôi muốn làm lại, nhưng điều đó là không thể, vì phim còn phải kịp thời gian phát hành, còn phải ra rạp để thu hồi vốn…

“Đừng gọi chúng tôi là những con buôn nghệ thuật”

Ai đó đã nói, khi đã bắt tay vào làm nghệ thuật, nếu anh tính toán quá nhiều với đồng tiền, tức là, anh chỉ là một con buôn nghệ thuật. Charlie Nguyễn có thấy mình là một con buôn với nghệ thuật? Khi tất cả những dự án phim anh đã và đang làm đều phải tính toán quá nhiều đến kinh phí sản xuất và thu hồi vốn?

Đừng gọi là con buôn nghệ thuật. (cười). Hãy nhìn một cách thật thẳng thắn, điện ảnh hiện tại đang là một thị trường, nó không còn đơn thuần là một bộ môn nghệ thuật dành cho một cá nhân nào đó. Nếu anh vẽ tranh, sáng tác nhạc, tác phẩm của anh là của một cá nhân. Anh không phải chịu trách nhiệm với những người khác. Điện ảnh lại khác! Bộ phim là sản phẩm của cả một tập thể với rất nhiều khâu khác nhau.

Trong đó, nhà sản xuất đã bỏ ra một số vốn lớn để cho tôi làm phim, tôi phải có trách nhiệm thu hồi vốn cho họ. Nhà sản xuất không sai. Họ phải tính đến một số kinh phí an toàn, và một sản phẩm có thể thu hồi vốn nhanh nhất. Chính vì thế, phim phải chiều theo thị hiếu của số đông khán giả. Nếu không có các nhà sản xuất, chúng tôi sẽ không thể làm phim.
 
“Thị trường điện ảnh hiện tại không có cơ hội cho những bộ phim nghiêm túc”

Chiều theo thị hiếu của số đông khán giả chính là cách nhanh nhất để các đạo diễn bình dân hóa quan điểm làm phim của mình. Hàng loạt những phim giải trí nhảm nhí, chẳng có nội dung gì đã và đang ra rạp, bán vé nhanh, doanh thu nhiều tỷ đồng. Nhiều nhà sản xuất đã nhận thấy, việc kiếm tiền trên thị trường điện ảnh quá dễ dàng. Họ có thể bội thu với một tác phẩm nhàn nhạt, chất lượng trung bình. Anh thì sao? Anh có thấy việc kiếm tiền ở thị trường điện ảnh VN hiện tại quá đơn giản?

Tôi nghĩ, thị trường điện ảnh ở Việt Nam hiện tại không dễ kiếm tiền cho những bộ phim rẻ tiền, nhưng cũng không phải là thị trường của những bộ phim nghiêm túc. Những bộ phim nghệ thuật sẽ không có cơ hội ở thị trường điện ảnh hiện tại. Rất khó bán vé!

Có câu chuyện, một nữ đạo diễn đã ấp ủ suốt 10 năm một dự án phim nghệ thuật. Bộ phim mang nặng những trăn trở, suy tư về thân phận người. Phim giàu tính nhân văn. Tuy nhiên, nữ đạo diễn ấy chia sẻ rằng, chị lo ngại khi (rất có thể) sẽ chẳng có nhà phát hành nào đứng ra nhận phát hành phim nghệ thuật của chị. Phát hành phim nghệ thuật ở thị trường điện ảnh VN là một việc mạo hiểm. Là người đã từng học điện ảnh, là người yêu điện ảnh thực sự, anh nghĩ như thế nào về câu chuyện trên?

Tôi thấy xót xa.

 
Hiền Hương thực hiện

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments