Skip to content

18 Tháng Tám, 2011

Cơ chế “xin-cho” – trở lực lớn với các tân khoa!

(Dân trí) – Việc làm cho hàng trăm nghìn tân khoa “ra lò” hàng năm là một vấn đề nan giải đối với xã hội cũng như bản thân mỗi tân khoa. Góp phần làm tăng thêm bức xúc của những trí thức trẻ đi tìm việc làm chính là cơ chế “xin – cho” vẫn tồn tại. >>  Mở rộng mối quan hệ để tìm việc làm >>  Chuyện buồn…tìm việc của các tân khoa

Có lẽ những câu chuyện về cơ chế “xin cho” đã trở thành chuyện thường ngày và có tính phổ biến ở mọi nơi mọi chỗ, và nguy hại hơn nó đang dần đi vào tiềm thức của một bộ phận không nhỏ người lao động trong xã hội.

Việc làm luôn là vấn đề cấp thiết với mỗi người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là các bạn sinh viên, sau những năm tháng đèn sách miệt mài 4- 5 năm trong giảng đường đại học; đa số những chàng trai, cô gái đương độ tuổi tràn đầy nhiệt huyết muốn cống hiến sức mình góp phần xây dựng đất nước và bù đắp những hy sinh to lớn của cha mẹ sau những năm tháng gồng mình cuốc từng luống đất, nhặt từng mớ rau tích cóp cho con ăn học, mong mỏi ngày con vững bước trên đôi chân tri thức của mình.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Vậy mà sau khi rời ghế giảng đường, cầm mảnh bằng trên tay, phần lớn những tân khoa phải lao đao trong quá trình tìm cho mình một nơi để làm việc, để cống hiến và để bắt đầu cuộc sống tự lập. Các doanh nghiệp thì đòi hỏi “kinh nghiệm, năng lực thực tế…” những thứ mà các tân khoa chưa thể đạt được vì chỉ chân ướt chân ráo, tư duy nghề nghiệp vẫn còn là những “khái niệm, định nghĩa”.

Các đơn vị trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế… thuộc biên chế nhà nước thì hầu hết phải đi “cửa sau” hoặc khi công bố chỉ tiêu thì đã “quá thời hạn nhận hồ sơ”. Tại sao những nghịch lý đó đã tồn tại từ rất lâu không những không bị xóa bỏ, mà ngày càng trở thành căn bệnh khó chữa, ngày càng nhức nhối.

Thậm chí cơ chế “xin – cho” đã đi vào tiềm thức của nhiều tân khoa và các bậc phụ huynh. Khi có ý định nộp đơn vào một trường nọ sau khi ra trường, điều đầu tiên tôi được nghe thấy là khoản “quá cảnh” mấy chục triệu để được nhận vào làm hợp đồng.

 

Dù có trong tay tấm bằng đại học loại ưu nhưng nhiều tân khoa cũng phải lao đao trong quá trình tìm việc (nguồn ảnh internet)
Hãy thử làm một bài toán đơn giản như sau: đối với một người tốt nghiệp Đại học Sư phạm, sau khi được nhận vào một trường dạy hợp đồng, thu nhập lương + các phụ cấp khác được khoảng hơn 2 triệu. Để được nhận vào trường, ứng viên phải bỏ ra khoảng 50 triệu + 20 triệu nợ vay ngân hàng từ thời đi học, tổng cộng khoảng 70 triệu trước mắt phải trả. Nếu bố mẹ cố chạy cho con bằng cách cắm sổ đỏ, và ở cái địa phương “đồng không mông quạnh” như nhà tôi chỉ được khoảng 20 triệu, còn 30 triệu phải đi vay lãi nặng. Thử hỏi rằng sau khi vào trường, với tư cách một giảng viên, liệu tôi có đủ tâm trí, đủ bản lĩnh để trở thành một giảng viên có nhiệt huyết với nghề khi đầu óc tôi luôn bị chi phối bởi những khoản nợ. Thử hỏi rất nhiều người có hoàn cảnh như tôi, có được mấy ai sẽ toàn tâm giữ được ước mơ cống hiến như khi mới bước chân vào đại học?
 
Nhưng nghĩ đi rồi phải nghĩ lại. Với tiềm năng của sức trẻ, lại được đào tạo cơ bản ở một trường Đại học, tôi không chịu lùi bước trước những “nghịch lý” của cơ chế “xin – cho” vẫn đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Tôi tự nhủ: Hãy dũng cảm từ bỏ ý định xin vào làm ở các cơ quan được nguồn kinh phí nhà nước chu cấp, nó còn tồn tại quá nhiều điều đáng bất bình và lên án!

Tôi đã quyết định tìm cho mình một con đường khác để đi và hiện tôi đang rất thoải mái với công việc của mình, tôi có điều kiện để phát huy những sở trường mình có và không ngừng nỗ lực để phát huy nó. Các bạn cũng như tôi hãy chọn cho mình một niềm đam mê thật sự, khi đã có niềm đam mê đó, chúng ta không ngại vượt lên tất cả, và nhất định sẽ không ít người tìm được con đường thành công đúng đắn, góp một phần cho sự phát triển xã hội.

Cũng mong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy mở rộng cánh cửa tiếp nhận những sinh viên mới ra trường, họ tuy chưa có kinh nghiệm nhưng luôn là những khối óc tiềm năng và có bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Sự rộng mở đón nhận lực lượng lao động có trí tuệ ấy sẽ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và cũng là đóng góp vào sự nghiệp chung cho sự công bằng và tiến bộ xã hội ta hiện nay.

                                                                Phạm Văn Quang
 

LTS Dân trí – Con đường tìm việc làm đối với các tân khoa trong thời buổi hiện nay quả thật không ít khó khăn. Song chính những khó khăn đó là “hòn đá thử vàng” để xem bạn có đúng là người có ý chí và có đủ bản lĩnh của một trí thức trẻ để vượt qua mọi thử thách hay không?

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những tân khoa có đủ niềm tin vào chính mình và sẵn sàng chấp nhận làm mọi việc dù không gần với chuyên ngành được đào tạo, từ đó vừa làm vừa học thêm để chủ động tạo cơ hội cho mình tìm thấy công việc mà mình đam mê và phù hợp với năng lực, sở trường bản thân.

Điều quan trọng là cần chọn hướng đi cho đúng. Không nhất thiết xin vào các cơ quan thuộc nguồn kinh phí nhà nước đang còn nhiều “góc khuất” trong cơ chế tuyển dụng. Nơi còn nhiều chỗ dành cho các ứng viên trẻ tuổi đã được đào tạo bài bản và thật sự đam mê công việc là các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các bạn hãy mạnh dạn “gõ cửa” và sẵn sàng chấp nhận làm mọi việc và từ đấy chủ động tạo ra cơ hội mới cho mình.

 

Source: Báo Dân Trí

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments