Skip to content

10 Tháng Bảy, 2011

4% dân số Hàn Quốc thi thố tài năng

TT – 80.000 người đã đến sân vận động Jamsil ở Seoul, Hàn Quốc cuối tuần qua để tham gia vòng loại thứ hai trong chương trình tìm kiếm tài năng “Superstar K” trên kênh truyền hình cáp Mnet. Trước đó, những người này đã tham gia vòng loại qua điện thoại với tỉ lệ chọn 10:1.

4% dân số Hàn Quốc thi thố tài năng

80.000 người đã đến sân vận động ở Seoul để tham gia vòng loại thứ hai trong cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình – Ảnh: Chosun Ilbo

Năm 2009, cũng với chương trình này 710.000 người khắp Hàn Quốc đã tham gia vòng loại đầu tiên. Con số năm 2010 là 1,34 triệu người và năm 2011 là 1,93 triệu, tương đương 4% dân số Hàn Quốc, tức trung bình 25 người Hàn Quốc thì có một người cầm micrô để mơ thành ca sĩ. Những người tham gia ở đủ mọi độ tuổi từ học sinh tiểu học tới người đã nghỉ hưu.

Hiện có 10 chương trình tuyển chọn tài năng đang được phát sóng vào giờ vàng trên các kênh truyền hình, hầu hết được chia theo mùa và cùng một định dạng giống nhau. Những chương trình này đã khiến dư luận tỏ ra lo ngại về tác động phụ do nhiều sinh viên đã nghỉ học để tham gia thi tài năng.

“Đáng lý lúc này tôi phải học để thi vào đại học, nhưng cuộc thi vòng loại tìm kiếm tài năng này quan trọng trong việc quyết định tương lai của tôi – một thí sinh 18 tuổi nói – Cha mẹ tôi vẫn không biết tôi đi thi ở đây”. Hầu hết thí sinh đều cho biết họ muốn tham gia thử thách ở các kênh khác như “Korea’s Got Talent” trên tvN và “Star Audition” trên MBC. Một nhân viên văn phòng 29 tuổi tiết lộ cô đã chuẩn bị kế hoạch tham gia tất cả cuộc thi hát năm nay ở Hàn Quốc.

Thậm chí có dấu hiệu cho thấy có những người sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp đang có để tham gia thi, và họ “nhảy” từ cuộc thi này sang cuộc thi khác để hi vọng sớm thành sao.

“Để cạnh tranh khán giả, các kênh truyền hình đã có những chương trình thử giọng của riêng mình, điều này ảnh hưởng tới những nỗ lực ươm trồng các tài năng mới và thúc đẩy văn hóa đại chúng” – Song Jong Gil, giáo sư về truyền thông đại chúng ở Đại học Kyonggi, cho biết. “Một khi cơn sốt này qua đi, các chương trình như vậy sẽ dần biến mất khỏi kênh truyền hình, và tôi lo lắng về những tác hại lâu dài của chúng” – ông nói.

Cây bút bình luận Shin Hyo Seop nhận định một số kênh truyền hình Hàn Quốc bị chỉ trích đã “chôm” chương trình ở Mỹ đã được làm cả thập kỷ nay, thay vì tạo ra một chương trình mới để quảng bá nền văn hóa Hàn Quốc. Một số chương trình cũng bị chỉ trích tập trung quá nhiều vào ganh đua, làm lệch lạc cái nhìn của xã hội về sự cạnh tranh đúng nghĩa.

HẠNH NGUYÊN (Theo Chosun Ilbo, Donga)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments