Skip to content

4 Tháng Bảy, 2011

Vô tình mà hai bạn đọc ở hai miền khác nhau của đất nước đã cùng gửi hai Câu chuyện giáo dục về sự gian dối của người lớn. TTCT giới thiệu và mong tiếp tục đón nhận những câu chuyện khác của độc giả.

TTCT – Trong 32 học sinh lớp 1A của đứa cháu gái gọi tôi bằng cậu, có đến 24 học sinh đạt danh hiệu giỏi và xuất sắc, còn lại là học sinh khá, không có cháu nào trung bình và yếu. Nhưng đằng sau kết quả ấy còn khá nhiều điều để chúng ta phải bàn.

Vô tình mà hai bạn đọc ở hai miền khác nhau của đất nước đã cùng gửi hai Câu chuyện giáo dục về sự gian dối của người lớn. TTCT giới thiệu và mong tiếp tục đón nhận những câu chuyện khác của độc giả.

Xin đừng dạy trẻ sự dối trá

Minh họa: Đỗ Trung Quân

Trở lại cách đây khoảng một tháng, khi các cháu bắt đầu kỳ thi học kỳ 2, ngay khi thi xong buổi đầu tiên cháu gái tôi về nhà lăn ra giường khóc tấm tức. Ba mẹ tìm mọi cách dỗ dành cháu mới chịu kể là sau buổi thi, cháu bị cô giáo mắng và dọa sẽ phạt nếu tái phạm. Cả nhà lo lắng tưởng cháu vi phạm kỷ luật phòng thi, nhưng khi nghe cháu nói nguyên nhân, cả nhà tôi ngã ngửa.

Theo lời kể của cháu tôi, số là để duy trì và nâng cao danh hiệu thi đua, cô giáo chủ nhiệm lớp cháu đã xếp một em giỏi và một em yếu ngồi cùng nhau trong các giờ kiểm tra và cả trong các đợt thi học kỳ. Điều lạ là lúc học cô giáo không dùng cách sắp xếp ấy để các em giúp nhau cùng tiến bộ. Chỉ đến những lúc “nước sôi lửa bỏng” cô mới huy động sự “tương trợ” lẫn nhau. Bố trí như vậy nhằm mục đích là em yếu có thể chép bài của em giỏi để đạt điểm cao.

Các em chỉ mới học lớp 1, cô bảo sao nghe vậy… Vậy là em giỏi cứ căng sức ra làm, em yếu ngồi bên cạnh cứ miệt mài chép. Rủi cho cháu tôi, cho cô giáo chủ nhiệm và cả cho lớp 1A là đâu phải chỉ một mình cô, một mình lớp 1A muốn có danh hiệu thi đua tốt nhất trường. Các lớp khác, các cô giáo chủ nhiệm khác cũng gấp rút thi đua.

Để danh chính ngôn thuận vượt qua “đối thủ”, đôi khi các cô giáo khác không cần làm gì cả, cứ việc đúng là làm thôi. Nên ngày cháu tôi thi, cô giáo coi thi nhắc lại quy định phòng thi: không cho bạn chép bài, nếu không sẽ bị kỷ luật, bài thi bị điểm 0.

Thật ra, cô giáo coi thi chỉ đánh đòn tâm lý để dọa thôi, chứ cho điểm 0 hết thì còn mấy em trong phòng thi có điểm! Nhưng với các cháu lớp 1A thì quả là một lựa chọn khó khăn. Một số em dùng… thần kinh thép để tiếp tục cho bạn chép. Riêng cháu gái tôi chọn phương án an toàn “tự cứu mình”. Vậy là vừa ra khỏi phòng thi, cô giáo chủ nhiệm đã gọi lại hỏi tại sao không cho bạn chép bài và dọa sẽ kỷ luật.

Câu chuyện của cháu càng giúp tôi hiểu: “thành tích cao” của một số trường đôi khi là do ”thủ thuật” của giáo viên nếu không muốn nói là sự dối trá. Ngay từ lớp 1, những học sinh ngây thơ đã bị đầu độc bởi sự dối trá chỉ vì thành tích ảo.

NGUYỄN THÀNH GIANG (Quảng Nam)

Mẹ em làm nghề chích sú

Ngồi uống cà phê với thầy hiệu trưởng một trường cấp II vừa về hưu, thầy kể nhiều chuyện trong học đường làm thầy trăn trở, và đây là một chuyện cười ra nước mắt.

Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm làm thủ tục cho học sinh, trong đó có phần nêu nghề nghiệp của cha mẹ. Có em đã ghi: mẹ – họ tên X, nghề nghiệp: chích sú.

Cô giáo đem nghề nghiệp lạ lẫm ấy hỏi thầy hiệu trưởng.

Để tăng trọng lượng tôm sú, người ta đã ma mãnh làm nhiều cách, trong đó có dùng ống tiêm bơm một hỗn hợp có rau câu vào thân con tôm hàng hóa, và việc này đương nhiên bị cấm. Đứa con đã ngây thơ cho đó là một nghề và “kê khai”! “Nghề” này cũng có họ hàng với “nghề” mua cua về rồi buộc thêm dây để tăng cân nặng. Các “nghề” này làm mất mặt địa phương, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín sản phẩm tôm, cua…

Nghe thầy hiệu trưởng giải thích, cô giáo trẻ (không phải người địa phương) đã ngẩn ngơ…

Như vậy đấy, các thầy cô giáo đã làm công việc trồng người từ xuất phát điểm như thế. Các em học sinh thậm chí đã coi việc làm sai là một cái nghề!

Ở khắp nơi, đã và đang xuất hiện bao nhiêu “nghề” na ná như thế. Chẳng hạn tại Sài Gòn, biết đâu các em nhỏ bậc tiểu học lại coi việc phụ huynh rải đinh trên đường (đinh tặc) là một cái nghề hẳn hoi!

Thầy hiệu trưởng buồn cũng đúng.

NGUYỄN THÀNH CÔNG (Cà Mau)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share your thoughts, post a comment.

(required)
(required)

Note: HTML is allowed. Your email address will never be published.

Subscribe to comments